.

Tổ chức Hội phải thực sự là cầu nối giữa nông dân với Đảng

.

(Trích phát biểu của đồng chí NGUYỄN BÁ THANH, Ủy viên  Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố tại Đại hội Hội Nông dân thành phố lần thứ VI)

…Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đà Nẵng là thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều diện tích đất nông nghiệp đã được chuyển đổi mục đích sử dụng. Hàng nghìn hộ nông dân vì lợi ích chung của thành phố, đã sẵn sàng chuyển giao lại đất đai để thành phố có điều kiện phát triển ngày càng văn minh, hiện đại.  

Nhiều chủ trương, chính sách, chương trình phát triển kinh tế-xã hội và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đang được triển khai. Quá trình đó đã góp phần tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm thay đổi diện mạo nông thôn và thành thị; nhưng cũng phát sinh những khó khăn không nhỏ mà nông dân đang phải ra sức khắc phục. Do diện tích đất canh tác bị thu hẹp, một lực lượng đông đảo lao động nông thôn thiếu việc làm, môi trường xã hội ở một số khu vực phát sinh nhiều tệ nạn xã hội; tình trạng phân hóa giàu nghèo trong nội bộ vùng nông thôn và giữa nông thôn với thành thị đang là những vấn đề bức xúc cần được quan tâm giải quyết.

Thực tiễn cho thấy, nông nghiệp, nông thôn và phong trào nông dân thành phố những năm qua tuy phát triển mạnh nhưng chưa bảo đảm yếu tố bền vững; sản xuất và đời sống của nông dân vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập trong lao động nông nghiệp nhìn chung vẫn còn thấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi còn chậm; chương trình cải hoán, nâng cấp, đóng mới tàu thuyền, nâng cao năng lực đánh bắt xa bờ còn hạn chế; ý thức hợp tác, liên doanh, liên kết của nông dân, ngư dân trong sản xuất chưa cao; sản phẩm nông nghiệp, ngư nghiệp chưa tạo được thế mạnh và chưa có nhiều thương hiệu để cạnh tranh trên thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.
 
Một bộ phận nông dân thiếu ý chí vươn lên và nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại Nhà nước; nhận thức và hành vi trong việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị còn hạn chế. Lao động nông thôn còn thiếu việc làm; công tác đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cho những nông dân sau khi giao đất sản xuất còn nhiều khó khăn, lúng túng.

Hoạt động của các cấp Hội có nơi còn chậm đổi mới, còn mang tính hình thức, kém hiệu quả, nặng tuyên truyền một chiều, thiếu đi sâu nắm bắt tư tưởng, tâm trạng và những bức xúc của nông dân; chưa chủ động làm tốt việc tham mưu đề xuất cho thành phố xây dựng các chủ trương, chính sách, giải pháp để chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, nhất là nông dân trong diện giải phóng mặt bằng phục vụ đô thị hóa.

Trong quá trình hội nhập, bên cạnh những thuận lợi, sản xuất nông nghiệp cũng đứng trước sự cạnh tranh gay gắt của hàng hóa nông sản, thực phẩm nước ngoài; những đòi hỏi khắt khe về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm bên cạnh những diễn biến phức tạp, khó lường của thiên tai, dịch bệnh. Đó là những khó khăn, thách thức rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp và đời sống của bà con nông dân.

Về cơ bản, tôi nhất trí với các mục tiêu, phương hướng và các giải pháp cho nhiệm kỳ tới mà báo cáo đã nêu. Tôi xin nhấn mạnh thêm một số nội dung để Đại hội chúng ta suy nghĩ, thảo luận: Thứ nhất, phải tiếp tục coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho hội viên và nông dân trong toàn thành phố nhận thức đầy đủ, sâu sắc về chủ trương, đường lối của  Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của thành phố, nhất là chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và những quy định của pháp luật về đất đai, về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo sự đồng thuận cao trong nông dân.

Phải làm cho nông dân nhận thức rõ ý nghĩa của việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nhằm khai thác tối đa tiềm năng thế mạnh về đất đai, khí hậu, lao động, tiến bộ khoa học kỹ thuật… để phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, với năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, mang lại giá trị thu nhập cao trên một đơn vị diện tích và trong mỗi chuyến tàu hoạt động khai thác hải sản. Đồng thời, phải xây dựng cho nông dân, ngư dân không chỉ có ý thức chấp hành những quy định của pháp luật, mà còn tôn trọng những cam  kết, thỏa thuận trong các hợp đồng sản xuất, kinh doanh, coi đó là cơ sở pháp lý vững chắc để đẩy mạnh liên doanh, liên kết giữa các khâu: Sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp.

Thứ hai, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIX đã xác định: “Phát triển kinh tế nông nghiệp ngoại thành theo hướng nông nghiệp đô thị. Tăng tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ngành nghề trong cơ cấu kinh tế nông thôn. Đẩy mạnh phát triển thủy hải sản”. Để hoàn thành nhiệm vụ đó, với vai trò là tổ chức chính trị-xã hội rộng lớn của nông dân, tôi đề nghị Hội Nông dân thành phố chủ động đề xuất với thành phố những chủ trương và cơ chế, chính sách để tập trung đầu tư xây dựng nông nghiệp, nông thôn thành phố sớm trở thành một nền nông nghiệp hiện đại, sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng kỹ thuật và có giá trị gia tăng cao, có sức lan tỏa rộng; chủ động phối hợp với các cấp, ngành, đoàn thể thành phố có phương án hỗ trợ, khuyến khích nông dân phát triển sản xuất, dạy nghề, giải quyết việc làm; tập trung phát triển văn hóa-xã hội, giải quyết những vấn đề bức xúc của nông dân, làm cho đời sống vật chất và văn hóa nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao; nông thôn thành phố ngày càng tiến bộ, văn minh.

Thứ ba, trong điều kiện phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nông dân ngày càng có nhu cầu được hỗ trợ các dịch vụ, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, các cấp Hội phải làm tốt hơn nữa vai trò nòng cốt trong việc tổ chức, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế; vận động nông dân thực hiện chủ trương xây dựng nền nông nghiệp sinh thái bền vững, tăng diện tích rau an toàn, hoa cao cấp, cây ăn quả, tạo ra các làng du lịch sinh thái ở khu vực ngoại thành; phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng tạo điều kiện cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích các  hợp tác xã dịch vụ, các doanh nghiệp thu mua sản phẩm, cung ứng vật tư cho nông dân, ngư dân với nhiều hình thức phong phú, đa dạng trên cơ sở xây dựng lòng tin vững chắc giữa người sản xuất, người làm dịch vụ và người tiêu dùng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức liên quan hướng dẫn nông dân tiếp cận với những thành tựu mới về khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ sinh học; biết cách phát hiện, phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sản phẩm.

Thứ tư, tôi hoan nghênh ba phong trào thi đua lớn mà Đại hội sẽ thông qua và trở thành nhiệm vụ xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ. Ngay sau Đại hội này, các cấp Hội phải xác định rõ mục tiêu, nội dung và biện pháp cụ thể của từng phong trào, nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả, khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần lao động sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của nông dân trong thời kỳ đổi mới, quyết không cam chịu đói nghèo, vươn lên làm giàu cho gia đình và xã hội.

Thứ năm, trong mọi hoạt động của mình, các cấp Hội phải không ngừng đổi mới nội dung và phương thức tổ chức thực hiện, khắc phục bệnh hành chính, luôn hướng về cơ sở, gần dân, nắm chắc tình hình nông nghiệp, nông thôn và nông dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của nông dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, góp phần củng cố lòng tin của nông dân với Đảng. Tổ chức Hội phải thực sự là cầu nối giữa nông dân với Đảng. Chủ động tham gia đóng góp ý kiến phê bình đảng viên, gắn với tổ chức thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong cán bộ, hội viên, nông dân. Tích cực tham gia giám sát thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo liên quan đến nông dân.

Hội Nông dân các cấp cần thực hiện tốt vai trò tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền phát triển nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn; làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ Hội đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Hội, nhất là ở cơ sở; có biện pháp tập trung chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém của các cấp Hội; phát huy tính gương mẫu của cán bộ, hội viên là đảng viên, nhất là vai trò nêu gương và đề cao trách nhiệm của cán bộ chủ chốt trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ.

;
.
.
.
.
.