.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc Những điều tâm đắc

1- Sau chiến thắng Việt Bắc 1947 vang dội, cuộc Trường kỳ kháng chiến của quân dân ta đã ở trong thế Nhất định thắng lợi. Ngày 20-1-1948, Người ký sắc lệnh phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp (và phong hàm cấp tướng cho một số tướng lĩnh).

Ngày 11-6-1948, Người ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Sự quan tâm của Người đến cuộc vận động lớn thi đua ái quốc thể hiện không chỉ ở lời kêu gọi vô cùng đầy đủ và sâu sắc ấy mà còn ở chỗ Người đích thân bố trí cán bộ chủ chốt và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cuộc vận động.

Người viết thư mời lão đồng chí Hoàng Đạo Thúy một trí thức, một nhà giáo có uy tín, thủ lĩnh của lực lượng Hướng đạo sinh Việt Nam, sau Cách mạng Tháng Tám từng được giao nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường võ bị (lục quân) Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Thông tin Bộ Quốc phòng về giữ chức Tổng Bí thư của Ban vận động thi đua ái quốc.

Người tặng cho lão đồng chí Hoàng Đạo Thúy một chiếc quạt và động viên “chú dùng chiếc quạt này để quạt cho phong trào mạnh lên”. Người còn dặn dò: “Tôi trao cho chú toàn quyền hành động. Cần bao nhiều tiền cứ lĩnh. Nếu không lĩnh được thì bảo tôi. Nếu thiếu cán bộ thì lấy một nửa văn phòng của tôi. Yêu cầu là sau một năm phải có phong trào”.

2- Ngay từ đầu, Hồ Chủ tịch đã gắn liền thi đua với ái quốc. Thi đua ái quốc trở thành một cụm từ liên kết, không thể chia tách được. Đây chính là điều thể hiện nổi bật tư tưởng Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh là người đã phát hiện và khẳng định yêu nước là giá trị sâu sắc nhất, bền vững nhất của người Việt Nam, là truyền thống quý báu của Việt Nam. Ngay từ năm 1924, Người đã viết “Chủ nghĩa yêu nước là động lực vĩ đại và duy nhất của đời sống xã hội của người Việt Nam” và chỉ rõ “sẽ không làm gì được cho người Việt Nam nếu không dựa trên động lực đó”.

Thi đua là yêu nước. Yêu nước phải thi đua. Những người  thi đua là những người yêu nước nhất. Những điều này không phải là những khẩu hiệu có vẻ khuôn sáo mà đã được chứng minh trong thực tiễn cuộc sống.

Yêu nước là động lực, là linh hồn của thi đua. Thi đua đã khơi dậy và phát huy lòng yêu nước của nhân dân, là ngọn nguồn của những thành tích, những chiến công đưa cuộc kháng chiến của dân tộc ta đến thắng lợi.

3- Tư tưởng Hồ Chí Minh, trọng dân, lấy dân làm gốc cũng thể hiện rất rõ trong lời kêu gọi thi đua ái quốc. Người viết “cách làm (của thi đua ái quốc) là dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân để gây hạnh phúc cho dân”.

Với cuộc vận động, với phong trào thi đua ái quốc cũng như với toàn bộ sự nghiệp cách mạng Hồ Chủ tịch luôn kiên định dân là chủ thể, là động lực và cũng là mục tiêu. Hơn một năm sau, trong bài báo nổi tiếng “Dân vận”, tư tưởng trọng dân của Người được trình bày toàn diện hơn, sâu sắc hơn.

Nước ta là nước dân chủ
Bao nhiêu lợi ích đều vì dân
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.

Chỉ khi nào thi đua dựa vào và khơi dậy sức mạnh vật chất và tinh thần của dân và đem lại hạnh phúc cho dân thì mới thực sự là thi đua. Phải nhắc tới chân lý tưởng chừng đơn giản này để nhớ lại nhân dân sẵn sàng hy sinh vì dân tộc, đất nước, vì lý tưởng và hiểu rằng nhân dân (qua văn nghệ dân gian) đã chối bỏ, không chấp nhận thi đua khi:

Mỗi người làm việc bằng hai
Để cho chủ nhiệm mua đài mua xe
Mỗi người làm việc bằng ba
Để cho chủ nhiệm xây nhà xây sân.

4- Hồ Chủ tịch luôn yêu cầu thi đua ái quốc phải hướng tới những mục đích cụ thể, thiết thực.
Người mở đầu lời kêu gọi “Mục đích thi đua ái quốc là
Diệt giặc đói
Diệt giặc dốt
Diệt giặc ngoại xâm”

Sau này, Người còn nói rõ “còn nhiều nơi, nhân dân mà trước hết là cán bộ chưa hiểu thật rõ ràng ý nghĩa của phong trào thi đua ái quốc…Tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua. Thí dụ: Từ trước tới nay ta vẫn ăn, vẫn mặc, vẫn ở. Nay ta thi đua ăn, mặc, ở cho sạch sẽ, cho hợp vệ sinh, cho khỏi đau ốm. Xưa nay ta vẫn làm ruộng. Nay ta thi đua là cho đất ruộng tốt hơn, sản xuất nhiều hơn”.

Với thi đua ái quốc, Hồ Chủ tịch dạy chúng ta trong khi làm công việc thường ngày phải cố gắng tìm cách sao cho làm cho mau làm cho tốt, làm cho nhiều (có chỗ Người còn thêm làm cho đẹp), cũng có thể nói làm thế nào đạt nhiều, nhanh, tốt, rẻ hơn, làm thế nào đạt năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều.

Thi đua ái quốc là cuộc vận động lớn, là phong trào lớn tập hợp lôi cuốn đông đảo quần chúng (đương nhiên một người cũng có thể tự mình động viên mình lặng lẽ tham gia thi đua như trường hợp chiến sĩ tình báo hoạt động trong lòng địch).

Vì thi đua là toàn dân, toàn diện nên phải có tổ chức (cán bộ phụ trách có tầm quan trọng, đã nói ở trên) có kế hoạch thật tốt. Hồ Chủ tịch từng chỉ ra những yếu kém của phong trào thi đua “Nơi thì mạnh ai nấy làm, không có kế hoạch. Nơi thì kế hoạch các ngành, các đoàn thể không ăn khớp với nhau, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Nơi thì kế hoạch không thiết thực làm được ít lâu rồi nguội dần”.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, thi đua ái quốc không thể chỉ cần lời kêu gọi hay chỉ thị cấp trên - nay ta gọi tệ này là quan liêu hóa, hành chính hóa – mà đòi hỏi nghệ thuật và khoa học lãnh đạo quản lý để mọi người, mọi địa vị đều phát huy năng động sáng tạo để nhìn nhau, học nhau, không chịu thua em kém chị, hăng hái vươn lên hàng đầu.

Khi đông đảo quần chúng, khi phần lớn đơn vị, địa phương đều hưởng ứng và thực sự thi đua sẽ tạo ra sự kích thích mạnh mẽ, thu hút lôi cuốn mọi người, mọi tổ chức. Đó là phong trào đích thực, có sức mạnh to lớn và đó là kết quả rất tích cực, thiết thực của thi đua.

Nhân đây cũng xin có đôi lời chiêu tuyết cho hai chữ phong trào “Xin đừng làm theo kiểu phong trào” là một lời khuyên đúng đắn đối với các hoạt động kinh tế. Đã hoạt động kinh tế thì nhất thiết phải tính toán hiệu quả không thể theo kiểu “thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào” để rồi “người ta ăn ốc mà mình đổ vỏ”. Dị ứng với hai chữ phong trào trong trường hợp trên là cần thiết.
 
Nhưng phong trào đích thực được tạo nên từ sự giác ngộ của đông đảo quần chúng cùng nhau hành động và luôn học hỏi cổ vũ nhau hướng tới một mục tiêu chung là điều không thể thiếu, khi chúng ta phát động, phát huy sức mạnh to lớn của nhau để hoàn thành những công việc lớn của đất nước, những vấn đề quốc kế dân sinh.

5- Trong triển khai cuộc vận động thi đua ái quốc, Hồ Chủ tịch đặc biệt coi trọng việc khen thưởng, biểu dương, tôn vinh những người và những đơn vị tiêu biểu có thành tích xuất sắc. Người chăm chú theo dõi quan tâm chăm sóc và ân cần dạy bảo các anh hùng chiến sĩ thi đua, các dũng sĩ diệt Mỹ để tấm gương các điển hình tiên tiến luôn tỏa sáng.

Chúng ta đều biết sức mạnh của sự nêu gương là vô cùng to lớn. Con người luôn cần có một con người mà mình tâm phục khẩu phục để học tập và làm theo, nếu không cuộc sống sẽ tẻ nhạt vô vị, không có gì thôi thúc. Từ phong trào thi đua sẽ có những chiến sĩ, những anh hùng với nhân cách và hành động, cách sống và cách làm việc, thành tích và cống hiến và biết bao bài học phong phú sinh động đi vào lòng người, nhân lên hiệu quả của phong trào.

Hồ Chủ tịch không chỉ nêu gương các anh hùng, chiến sĩ Người gọi là những bông hoa rất đẹp trong vườn hoa chung của dân tộc mà Người còn rất quan tâm nêu gương người tốt việc tốt.Người nói “Chúng ta đánh giặc và xây dựng xã hội mới bằng những việc làm muôn hình muôn vẻ của hàng chục triệu con người (đã làm việc tốt) như thế, chứ không phải bằng một vài việc làm nổi bật và vang dội của một số cá nhân anh hùng”. Và qua báo cáo, báo chí, Người đích thân phát hiện, trao tặng huy hiệu của Người, Người còn chỉ đạo việc viết về những tấm gương người tốt việc tốt in thành các tập sách nhỏ để làm cho những tấm gương đó được lan tỏa.

Những năm gần đây, nước ta chuyển sang và phát triển nền kinh tế thị trường, bối cảnh này đã làm nảy sinh nhiều ý kiến, nhận thức khác nhau về thi đua. Có người cho rằng kinh tế thị trường là cạnh tranh, bản thân nó là một cuộc đua tranh quyết liệt, vậy có cần phát động tổ chức phong trào thi đua?
Đúng là kinh tế thị trường đòi hỏi cạnh tranh, như vậy chính là thuận lợi cho thi đua.
 
Vấn đề là thi đua phải tạo nên một sự cạnh tranh lành mạnh, cạnh tranh gắn liền với hợp tác. Chúng ta không chấp nhận kiểu cạnh tranh của thị trường hoang dã, con người chạy theo đồng tiền và những dục vọng thấp hèn, bất chấp đạo lý và pháp lý. Với phong trào thi đua ái quốc chúng ta phải làm cho mọi người đều hăng hái, năng động, sáng tạo vì lợi ích của mình, của cộng đồng và đất nước.

Phải làm cho yêu nước là hồn của thi đua, của cạnh tranh để mỗi người đều thấy đắng cay tủi nhục vì đất nước mình nghèo nàn, lạc hậu và rèn đúc ý chí đưa dân tộc ta sánh vai với các cường quốc năm châu.
Có người cho rằng, trong cơ chế thị trường chỉ có khuyến khích bằng lợi ích vật chất mới có ý nghĩa, mọi sự biểu dương tôn vinh mà không quy ra tiền thì đều không có tác dụng. Đây là một thái độ phi nhân văn, đánh giá quá thấp con người. Con người sở dĩ là con người vì ngoài đòi hỏi vật chất, con người còn sống với, còn có những nhu cầu tinh thần, tâm linh ngày càng phong phú, đặc sắc.

Vấn đề là thành tích cống hiến phải đích thực và tương xứng với sự biểu dương tôn vinh, không chỉ bằng những danh hiệu, những huân chương và hình thức khen thưởng mà chính là sự thừa nhận của cuộc sống, của dư luận xã hội. Rất tiếc là vừa qua, bệnh thành tích gắn liền với sự lạm phát các hình thức khen thưởng đã tầm thường hóa, làm méo mó cuộc vận động thi đua ái quốc.

Phải trả lại những gì là tốt đẹp nhất mà tư tưởng Hồ Chí Minh đã đem đến cho thi đua ái quốc. Đó chính là thách thức với chúng ta, những người kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc với niềm tin thi đua ái quốc sẽ là sức mạnh vô cùng to lớn trong cuộc chiến đấu hiện nay.

NGUYỄN ĐÌNH AN

;
.
.
.
.
.