Tôi không ngờ buổi chiều ngày 17-9 năm ngoái là lần cuối cùng tôi được gặp chú Sáu Dân. Biết tôi về thành phố Hồ Chí Minh, chú muốn gặp để nghe ý kiến về vấn đề giáo dục đại học. Người thư ký đưa tôi vào phòng khách. Chú đã ngồi ở chiếc ghế đầu cái bàn gỗ lớn đợi tôi.
Chú vẫn ngồi, nở nụ cười, vừa đưa tay bắt tay tôi vừa nói: “Xin lỗi nghe, hôm nay hơi đau lưng, đứng lên hơi khó”. Lần đầu tôi thấy chú Sáu Dân trong bộ bà ba trắng, rất hợp với khuôn mặt phúc hậu và mái tóc bạc của chú, trông dáng dấp một nhà hiền triết Đông phương. Biết chú hôm đó không khỏe, sau khi hỏi thăm sức khỏe chú và vài câu chuyện thông thường, tôi trình bày ý kiến về vấn đề chú quan tâm. Trên đường về, tôi vẫn ghi mãi trong trí hình ảnh rất mới (đối với tôi) của chú Sáu Dân. Lòng kính mến đối với chú đã có từ lâu bây giờ lại sâu sắc thêm.
Tôi gặp cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lần đầu ở Tokyo vào tháng 3 năm 1993, trong chuyến công du của ông đến Nhật. Chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Việt Nam có ý nghĩa quan trọng mở ra một thời đại mới trong quan hệ Việt-Nhật.
Theo đề nghị của Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến, tôi đến khách sạn báo cáo với ông về vấn đề kinh tế đối ngoại của Nhật Bản, đặc biệt là chính sách của Nhật đối với các nước Á châu. Qua sách báo và qua nhiều câu chuyện được nghe từ nhiều người khi có dịp về nước, tôi đã biết ông là nhà cách mạng tên tuổi và sau năm 1975 là nhà lãnh đạo kiệt xuất, bản lĩnh. Khi gặp ông tôi rất ngạc nhiên thấy ông rất bình dị, gần gũi, giọng nói rất dịu dàng, pha trộn phong cách mộc mạc, đồng quê, và thái độ rất lắng nghe người đối thoại.
Ít lâu sau, tôi được Chính phủ yêu cầu tham gia Tổ chuyên gia tư vấn Thủ tướng về cải cách kinh tế và hành chính (gọi tắt là Tổ tư vấn cải cách, họp buổi đầu tiên vào cuối năm 1993), nhờ đó hằng năm được gặp ông vài lần. Đối với các thành viên của Tổ chuyên gia tư vấn, trong đó nhiều người đã từng làm việc ở Sài Gòn trước năm 1975 và ba người đang sống và làm việc ở nước ngoài, đây là dịp được phát biểu ý kiến thẳng thắn, được đưa các kiến nghị về các chính sách đẩy nhanh quá trình đổi mới và phát triển đất nước.
Riêng tôi rất cảm kích khi trực tiếp nghe Thủ tướng phát biểu những trăn trở, bức xúc của mình về đời sống của nhân dân, về nguy cơ tụt hậu hơn nữa của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh các nước trong khu vực đang phát triển nhanh..
Cũng như ấn tượng ban đầu khi gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tôi thấy ông nói những vấn đề rất lớn, rất chiến lược ở tầm cỡ quốc gia, quốc tế, nhưng dùng những từ, những chữ rất bình dị, dân dã. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ buổi họp của Tổ tư vấn cải cách tổ chức ở Hà Nội vào đầu tháng 12 năm 1996. Ông vừa trở về từ Jakarta sau Hội nghị Thượng đỉnh của Tổ chức ASEAN mà Việt Nam mới gia nhập năm trước.
Ông tỏ ra rất vui về kết quả của hội nghị ấy và đã dùng cụm từ “buôn có bạn bán có phường” để nhấn mạnh rằng Việt Nam gia nhập ASEAN có ý nghĩa rất chiến lược cho việc phát triển của đất nước trong thời đại mới. Cũng với suy nghĩ “buôn có bạn bán có phường” ấy, trong thời ông làm Thủ tướng, ngoài việc mở ra trang sử mới trong quan hệ Việt-Nhật và gia nhập ASEAN, Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ và đặt khung hợp tác cơ bản với các nước Tây Âu.
Sau khi ông hết nhiệm kỳ Thủ tướng và về sống ở thành phố Hồ Chí Minh, thỉnh thoảng tôi cũng được gặp ông trong các buổi trao đổi ý kiến hoặc các buổi ăn tối thân mật do các anh em trong “Nhóm thứ sáu” tổ chức. Nhóm thứ sáu gồm hầu hết những chuyên gia làm việc ở Sài Gòn từ trước 1975 như các anh Phan Chánh Dưỡng, Huỳnh Bửu Sơn, Lâm Võ Hoàng, Trần Bá Tước, Trần Trọng Thức, v.v… đã được ông Võ Văn Kiệt tin tưởng, giúp đỡ và giao cho nhiều đề tài nghiên cứu các vấn đề đổi mới cơ chế và chiến lược phát triển từ hồi ông còn làm Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.
Nhiều lúc khác, do ông yêu cầu, anh Võ Như Lanh cũng có tổ chức các buổi trò chuyện ở trụ sở Saigon Times để ông gặp các trí thức ở nước ngoài về. Những dịp này, ông cũng cho chúng tôi biết về những suy nghĩ, những trăn trở của ông về đời sống của dân, về hướng phát triển kinh tế, giáo dục... nhưng ông nói ít, dành thì giờ nghe chúng tôi trình bày ý kiến. Lúc ăn cơm thân mật, ông cũng hài hước, nói vui. Đặc biệt, tôi rất ấn tượng là ông biết cả những chuyện tiếu lâm thời sự, chứng tỏ ông rất sâu sát với cuộc sống đời thường của dân.
Lúc này chúng tôi đã gọi ông là chú Sáu với cả sự yêu mến và kính trọng. Có lẽ ông cũng thích được gọi như vậy và có lẽ ai cũng muốn gọi ông một cách thân mật, quý mến như thế. Cuối năm 2005, tôi có xuất bản cuốn sách về kinh tế. Không có dịp gặp ông, tôi đã nhờ anh Huỳnh Sơn Phước của báo Tuổi Trẻ tìm dịp mang đến biếu ông.
Tôi định ghi “Kính tặng cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt” vì nghĩ như vậy là trang trọng nhưng anh Phước bảo nên ghi là “Kính tặng chú Sáu Dân” thì ông sẽ vui hơn. Ít lâu sau, nhân trong buổi gặp ở Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ông bảo tôi: “Cảm ơn cuốn sách nghe, đã đọc chương tổng luận rồi”. Tôi rất cảm kích về sự ân cần của ông vì biết ông vẫn bận rộn và phải nhớ biết bao vấn đề và công việc.
Tôi thật sự xúc động , bàng hoàng khi nghe tin chú Sáu Dân đột ngột ra đi. Dù biết tuổi ông đã cao, nhưng lúc này đất nước đang cần những nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa, sâu, rộng, có tâm huyết và uy tín như ông nên trong lòng tôi vẫn cứ nghĩ và mong ông còn sức khỏe trong nhiều năm nữa. Cùng với đồng bào cả nước, một nhóm trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ và tiếc thương đối với nhà lãnh đạo kiệt xuất, thương dân và được dân thương, đã nhờ anh Chu Hảo chuẩn bị giúp một vòng hoa kịp đưa đến lễ tang.
Trong mấy tiếng đồng hồ hạn hẹp, chúng tôi đã trao đổi ý kiến rất nhanh về câu chữ ghi trên vòng hoa. Tôi thấy đề nghị vào phút chót của anh Cao Huy Thuần, giáo sư đại học ở Pháp, là hay nhất, mặc dù không được đem ra bàn vì đã hết giờ: “Kính viếng Ông Sáu Dân, người lãnh đạo mà trí thức thương và kính”. Theo tôi, từ xưa đến nay, ở cả phương Đông và phương Tây, hiếm thấy nhà lãnh đạo chính trị nào được giới trí thức dùng hai từ “thương kính” để bày tỏ sự ngưỡng mộ. Chú Sáu Dân là một trong những người rất hiếm ấy.
Harvard, 15-6-2008
GS TRẦN VĂN THỌ