.

Bài 2: Sai phạm về công tác quản lý xây dựng tuyến nước thải D800 Phú Lộc, Hòa Cường

.

NGUYÊN NHÂN NÀO DẪN ĐẾN SỰ CỐ?

Theo kết quả làm việc với BQLDA, Nhà thầu thì nguyên nhân sự cố là do: Chất lượng ống HDPE D800.2L của Nhà máy Tân Phát không bảo đảm (vì từ khi đưa vật tư vào thi công cho đến khi xảy ra sự cố thì chưa có cơ quan chuyên môn có chức năng nào thực hiện kiểm định và đánh giá chất lượng ống cung cấp cho công trình theo đúng TCXDVN 272:2002). Việc thiết kế lựa chọn ống gân xoắn HDPE D800.2L đưa vào thi công không phù hợp với điều kiện địa chất một số vị trí trên tuyến ống.

Hệ thống thoát nước vệ sinh Đà Nẵng vẫn chưa xử lý được hoàn toàn, nước bẩn còn đổ ra biển gây mùi hôi.  Ảnh: Đ.K

Hồ sơ TKKTTC không có thuyết minh tính toán phù hợp, không có tài liệu khảo sát địa chất. Mặt khác, theo thiết kế ban đầu GHD (Úc) thì tuyến ống nước thải là ống nhựa đặc D630, nhưng khi thực hiện thay đổi thiết kế mở rộng tuyến và triển khai thi công đã chọn loại ống nhựa gân xoắn 2 lớp HDPE D800.2L Tân Phát (có thể tích rỗng thành ống lớn). Trong khi đó, điều kiện địa chất tuyến ống có mực nước ngầm rất cao, một số vị trí trên tuyến ống xuất hiện túi bùn (theo Nhật ký thi công) nên có thể dẫn đến sự cố.

Về công tác xử lý, khắc phục: Với khối lượng ống hỏng khoảng 414m như đã nêu trên, Nhà thầu đã sửa chữa và thay thế bằng ống mới kết hợp gia cường ống. Nhà thầu chịu kinh phí toàn bộ số ống hư hỏng cần phải thay thế. Phần còn lại tuyến ống khoảng 3.580 mét ổn định, không bị hỏng vẫn gia cường toàn bộ bằng vòm thép mạ kẽm, nhúng bitum lắp đặt vào bên trong ống để tăng cường khả năng chịu lực. Nguồn kinh phí cho công tác gia cường lấy từ nguồn dự phòng của dự án được Ngân hàng Thế giới chấp thuận nhưng tổng mức đầu tư của dự án không thay đổi.

Theo quan điểm của Đoàn thanh tra về hiệu quả của công tác gia cường: rõ ràng việc lắp đặt thiết bị gia cường bằng cùm thép (cứ 1m dài đường ống lắp đặt 1 cùm thép bên trong đường ống) trên suốt chiều dài tuyến ống sẽ làm thu hẹp tiết diện đường ống và tăng độ ma sát thành ống, dẫn đến giảm công suất thu gom nước thải, vướng rác thải trong quá trình vận hành không đạt hiệu quả theo mục đích thiết kế. Mặt khác, chất lượng vật tư gia cường chủ yếu bằng thép mạ kẽm nhưng khi đưa vào lắp đặt không được kiểm định chặt chẽ cộng với môi trường hóa chất của nước thải khi vận hành sẽ rất dễ bị gỉ sắt ảnh hưởng đến chất lượng đường ống.

Việc đánh giá chất lượng và bảo hành, bảo trì công trình là trách nhiệm của chủ đầu tư và được quy định rõ tại Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16-12-2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng: Khoản 1- Điều 33 quy định: Đối với công trình xây dựng đang sử dụng nhưng chưa có quy trình bảo trì thì chủ sở hữu, chủ quản lý sử dụng công trình phải thuê tổ chức tư vấn kiểm định lại chất lượng công trình và lập quy trình bảo trì công trình xây dựng.
 
Khoản 1 – Điều 30 ghi rõ: Chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng công trình có trách nhiệm sau đây: kiểm tra trình trạng công trình xây dựng, phát hiện hư hỏng để yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu cung ứng thiết bị công trình sửa chữa, thay thế. Trường hợp các nhà thầu không đáp ứng được việc bảo hành thì chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng công trình xây dựng có quyền thuê nhà thầu khác thực hiện. Kinh phí thuê được lấy từ tiền bảo hành công trình.

KẾT LUẬN

Từ những sai phạm như trên, Đoàn Thanh tra đã đi đến kết luận về công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng như sau: Trách nhiệm của chủ đầu tư (BQLDA đơn vị được ủy quyền) như sau: BQLDA với vai trò là chủ đầu tư, chủ quản Hợp đồng xây lắp 013 và Hợp đồng TVGS 011 đã không thực hiện đúng các quy định về quản lý chất lượng công trình đối với Hạng mục tuyến ống thu gom nước thải D800 như đã nêu như sau: không kiểm tra chất lượng vật tư ống nhựa gân xoắn 2 lớp HDPE D800.2L trước khi đưa vào thi công; không lập hồ sơ sự cố, không tổ chức xác định nguyên nhân theo quy định. BQLDA không thực hiện đúng chỉ đạo của UBND thành phố Đà Nẵng theo nội dung các Công văn số 616/VP-QLĐTh ngày 28-2-2007, trong đó yêu cầu BQLDA làm rõ nguyên nhân sự cố và xác định trách nhiệm các bên liên quan trong việc khắc phục sự cố.

BQLDA thiếu trách nhiệm trong lập và lựa chọn phương án thay đổi thiết kế lựa chọn ống nhựa gân xoắn D800 như đã nêu. Về trách nhiệm của đơn vị tư vấn giám sát đã không tổ chức kiểm tra chất lượng vật tư ống nhựa gân xoắn 2 lớp HDPE D800.2L theo đúng tiêu chuẩn trước khi đưa vào thi công mà vẫn đồng ý nghiệm thu, thanh toán là thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện hợp đồng và vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Về trách nhiệm của nhà thầu xây dựng đã không cung cấp hồ sơ kiểm định chứng nhận chất lượng ống HDPE D.800.2L Tân Phát đúng tiêu chuẩn TCXDVN 272:2002 của cơ quan chuyên môn có chức năng kiểm định cho chủ đầu tư trước khi đưa vào sử dụng; không tổ chức kiểm tra chất lượng vật tư ống nhựa gân xoắn 2 lớp HDPE D800.2L theo đúng tiêu chuẩn trước khi đưa vào thi công là thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện hợp đồng và vi phạm quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng như phần trên đã đề cập…

Về nguyên nhân sự cố và công tác xử lý, khắc phục: Nguyên nhân chính của sự cố theo nhận định của chủ đầu tư và đơn vị thi công là do: chất lượng ống nhựa gân xoắn 2 lớp HDPE D800.2L của Nhà máy Tân Phát không bảo đảm theo đúng tiêu chuẩn TCXDVN 272:2002; công tác lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công không thực hiện khảo sát địa chất nên việc lựa chọn loại ống này để đưa vào thi công có thể không phù hợp với môi trường địa chất tuyến ống như kết quả đã nêu…

Với kết quả thanh tra như trên cho thấy, BQLDA đã vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý chất lượng công trình xây dựng dẫn đến chất lượng tuyến ống D800 không bảo đảm chất lượng phải sửa chữa, gia cường gây lãng phí và làm giảm hậu quả đầu tư của dự án…

TÂN AN

  
  >> Bài 1: Sai phạm về công tác quản lý xây dựng tuyến nước thải D800 Phú Lộc, Hòa Cường

;
.
.
.
.
.