.
CẢNG CÁ TẠI ÂU THUYỀN THỌ QUANG SAU MỘT TUẦN ĐI VÀO HOẠT ĐỘNG

Khó khăn bộn bề

.

Ghi nhận về hoạt động những ngày qua tại cảng cá mới ở âu thuyền Thọ Quang, ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý khai thác cảng cá Thuận Phước cho biết: Lượng tàu cá vào cập cảng, trả nhận hàng chỉ bằng 25-30% so với cảng cũ. Và như vậy, số người mua bán, vận chuyển hải sản cũng giảm đáng kể.

Sáng 21-7 tại cảng của âu thuyền chỉ có tàu ngoại tỉnh vào bán hàng, rất may họ vào lúc nước lên, dễ vận chuyển hải sản lên cầu cảng.

Sau một tuần đi vào hoạt động nhưng tại đây đã cho thấy một số vấn đề cần khắc phục, đó là vệ sinh môi trường và an ninh trật tự. Vốn dĩ âu thuyền đã bị ô nhiễm môi trường, cộng thêm các loại hải sản đưa lên chất khắp nơi giữa nắng chói chang, chẳng mấy chốc tạo nên mùi nồng nặc rất khó chịu. Chị Huỳnh Thị Kim Oanh, ở tổ 23 Xuân Hà, quận Thanh Khê (người thu mua hải sản) phàn nàn: “Ngồi trên cầu cảng mà ngột ngạt quá, mong mua nhanh để sớm rời khỏi nơi  này.

Kẹt nỗi, tàu thấp cảng cao, ngư dân chuyển cá lên rất khó khăn và chậm trễ”. Nói về an ninh trật tự, chị lo lắng thật sự: “Ở cảng cá Thuận Phước, thỉnh thoảng cũng có tình trạng xin đểu, lấy cắp, nhưng bảo vệ, hoặc ngư dân phát hiện nhắc nhở, chúng không làm liều. Còn ở đây chúng lấy ngang nhiên, mặc cho bảo vệ can ngăn. Có đứa còn đe dọa cả bảo vệ. Ngư dân gần như bất lực nhìn chúng lấy tài sản của mình xách đi”.

Anh Nguyễn Đình Út, chủ tàu QNg 7843, nêu đủ thứ khó khăn so với ở cảng cá cũ. Anh cho hay khi đi vào gặp lúc nước lên, vướng trần cầu Thuận Phước tại cửa thông thuyền gãy mất ăng ten. Vào đây mùi hôi thối chịu không nổi. Cầu cảng cao chuyển cá lên khổ sở quá. E chuyến tiếp không dám vào đây nữa.

Dọc đường sát bờ kè, nơi bố trí các hộ bán cá lẻ, không đông người lắm nhưng nhìn ai cũng thấy nỗi buồn và thất vọng hiện rõ trên gương mặt họ. Bà Phạm Thị Em, trú tổ 10, phường Hòa Cường Bắc (Hải Châu), người gắn bó với cảng cá Thuận Phước hàng chục năm nay nói: “Ngồi giữa nắng suốt buổi, người cũng ươn chứ nói gì đến cá. Không bám cảng cá không biết làm gì, mà bám theo kiểu này chắc phải bỏ. Bán buôn ế ẩm quá”. 

Những người buôn bán tại chợ cá Thuận Phước chờ đợi Xí nghiệp Quản lý khai thác cảng cá Thuận Phước bố trí sắp xếp nơi buôn bán.


Khổ nhất là những người bán tạp hóa tại chợ mới này. Họ được bố trí sát bờ kè âu thuyền, gần nơi cống nước thải từ Khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản chảy ra. Chị Thìn, một chủ quầy tại đây cho hay: Mấy ngày nay ế ẩm không bán được gì. Tình trạng này kéo dài chắc sập tiệm.

Có thể nói, cảng cá hoạt động trong điều kiện tạm bợ đang gây tổn thất lớn cho cả ngư dân và những hộ kinh doanh tại cảng. Ô nhiễm ngày càng bức xúc, nhất là hàng trăm người chỉ có khu vệ sinh duy nhất của Ban Quản lý âu thuyền. Đó là chưa nói, nước để thau rửa tạp chất sau sơ chế hải sản chỉ dùng giếng khoan và cứ thế xả trực tiếp xuống âu thuyền. Khu vực cảng chưa hề có bờ rào bảo vệ.

Nói về thực trạng trên, ông Nguyễn Tuấn Ngọc cho biết, vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là các đơn vị xây dựng cơ sở hạ tầng cảng cá đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian hoạt động trong điều kiện tạm bợ, đồng thời đơn vị sẽ phối hợp chặt với chính quyền, công an địa phương ngăn chặn ngay tình trạng xin đểu, trộm cắp hải sản đang diễn ra hiện nay.  
      
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.