“Cứ mỗi lần có được thông tin từ người dân và những thân nhân liệt sĩ báo tin, tìm đến nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền địa phương là chúng tôi liền tổ chức khảo sát, cùng với các đơn vị trong Ban 626 (tìm hài cốt liệt sĩ) của xã lại khăn gói, soong nồi, võng móc lên đường...” – người thanh niên có tên là Trương Thanh Nhân, cán bộ làm công tác thương binh-xã hội xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) bộc bạch.
Một chuyến băng rừng tìm hài cốt liệt sĩ của các cán bộ, nhân dân Hòa Bắc,huyện Hòa Vang. |
Chuyện băng rừng vượt suối, leo qua từng dốc núi để cất bốc hài cốt các liệt sĩ ngã xuống trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ trên địa bàn xã Hòa Bắc với anh Nhân là chuyện không còn xa lạ, mặc dù anh mới chỉ tiếp nhận công việc này chưa đến 3 năm và tuổi đời vừa tròn 28. “Mỗi chuyến khảo sát, với chúng tôi là phải tìm cho được mộ người đã hy sinh vì thường hài cốt các anh nằm sâu trong rừng, dưới hốc đá và mỗi lần đi là một lần khó, phải tìm cho ra, chứ không thể về tay không”, anh Nhân tâm sự.
Đầu tháng 11 năm 2007, anh Nguyễn Đình Luyện, thân nhân liệt sĩ Nguyễn Đình Lượng từ tỉnh Hà Tây xa xôi tìm tới UBND xã Hòa Bắc xin được hỗ trợ để tìm mộ của người thân với một thông tin ít ỏi từ những đồng đội cũ, anh Lượng trước đây đã chiến đấu và hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ tại bệnh xá dã chiến, tiểu khu 29 thuộc rừng đặc dụng Nam Hải Vân, địa bàn xã Hòa Bắc bây giờ. Anh Nhân nói: Ban đầu, chúng tôi rất lúng túng vì rừng núi bao la nên xác định chính xác vị trí anh Lượng hy sinh là điều không dễ dàng. Hơn nữa, thời điểm anh Lượng hy sinh cũng đã lâu rồi, sẽ khó tìm ra người biết chính xác phần mộ. Tuy vậy, cùng với những thông tin lượm lặt và từ sự giúp đỡ của ông Bùi Văn Xuân (dân tộc Cơtu) cả đoàn tự tin leo rừng tìm mộ.
Anh Nhân nhớ lại: Phải mất gần một ngày leo rừng mới tới địa điểm nơi anh Lượng đóng quân và bị địch phục kích, hy sinh. Trước khi đi, chúng tôi xác định phải ở trong rừng ba ngày để tìm cho ra mộ, khi ấy là mùa mưa nên đường đi trơn trượt, đêm xuống mưa to quá làm trôi hết dép và ba lô của mấy anh em. Ngày thứ nhất, thứ hai trôi qua trong sự sốt ruột của cả đoàn và người thân liệt sĩ. Đến cuối ngày thứ 3 thì hài cốt liệt sĩ Lượng được tìm thấy dưới một gốc cây lớn, anh em phải rất tỉ mỉ dùng từng ngón tay moi theo nếp đất để giữ cho hài cốt không vỡ vụn. Cẩn thận, nhẹ nhàng gói từng bộ phận cơ thể được đánh dấu vào bao ni-lông và chuyển về xuôi trong sự nghẹn ngào, nức nở tuôn trào của không chỉ người thân mà cả đoàn công tác.
Ở thôn Giàn Bí, ông Bùi Văn Xuân năm nay tuổi đã gần 60 nhưng vẫn còn khỏe mạnh và được người dân trong làng kính trọng. Hầu như những chuyến đi tìm mộ liệt sĩ ở trong rừng, ông Xuân đều có mặt và dẫn đường. Kinh nghiệm của ông đã giúp ích rất nhiều cho việc tìm được dấu vết mà những chiến sĩ để lại khi chôn cất đồng đội.
Từ năm 2005 đến nay, mỗi năm xã Hòa Bắc quy tập từ 4 đến 6 mộ liệt sĩ, trong đó gần 2/3 số mộ được đưa về quê nhà an táng. Riêng anh Nhân là người trực tiếp bốc trên 10 mộ liệt sĩ. Tại nghĩa trang liệt sĩ xã hiện có 94 mộ liệt sĩ, trong đó có một số mộ vô danh được đồng đội và những người tâm huyết như ông Xuân, anh Nhân đưa về yên nghỉ.Anh Nhân cho biết, vừa có thông tin người dân báo phát hiện một hầm mộ chôn tập thể 5 liệt sĩ ở trong rừng. Và như thế, anh Nhân, ông Xuân lại tiếp tục chuẩn bị khăn gói vào rừng tìm người quá cố...
Bài và ảnh: VIỆT DŨNG