.

Đà Nẵng trong mắt lưu học sinh Trung Quốc

.

Tôi luôn lưu luyến cuộc sống tốt đẹp trong trường và thành phố, bây giờ hãy cho tôi hát tạm biệt: “Đà Nẵng trong lòng tôi/Sao mà sâu mà nặng/Như tình cha muối mặn/Như tình mẹ gừng cay”…

Điệu đàng trong chiếc áo dài phụ nữ Việt, Hoàng Quân, cô gái Trung Quốc nở nụ cười thật tươi sau khi kết thúc bài hát bằng giọng phát âm tiếng Việt khá chuẩn. Thế mà trước đó, lần đầu tiên đến với Đà Nẵng, cô và 20 bạn học thật khó mà tưởng tượng được mình sẽ trải qua một năm học ở thành phố biển này như thế nào.

TS Quỳnh Hoa, Chủ nhiệm khoa Quốc tế học tặng các bạn album nhạc “Sông Hàn tình yêu của tôi”.


Rời Trường Đại học Dân tộc Quảng Tây (Trung Quốc), Hoàng Quân và các bạn đến Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng (Đại học Đà Nẵng) để theo học khóa Tiếng Việt theo chương trình liên kết đào tạo 3+1 như thỏa thuận đã ký giữa hai trường. Lần đầu bước chân đến thành phố, tất cả đều cảm thấy xa lạ, sợ và chán. Mặc dù các bạn đã học chút ít tiếng Việt trước khi sang Việt Nam, nhưng vẫn không hiểu gì bởi người dân Đà Nẵng nói quá nhanh. Mỗi khi đi chợ hay mua hàng, các bạn phải nhờ một bạn người Việt đi kèm làm... phiên dịch.

Được bố trí ở KTX Đại học Bách khoa, làm quen với sinh viên Việt Nam, các bạn đã dần dần thích nghi với nếp sinh hoạt và ngôn ngữ giao tiếp của người dân địa phương. Ngoài giờ học ở lớp, các bạn còn có dịp tìm hiểu thêm về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam qua những chuyến tham quan, khám phá các địa điểm du lịch nổi tiếng như Hội An, Đà Lạt…, đặc biệt là chuyến tham quan thành phố Hồ Chí Minh do nhà trường tổ chức.

Hoàng Quân làm một phép so sánh: Hà Nội là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa nhưng đường phố rất chật; thành phố Hồ Chí Minh hiện đại nhưng hay tắc nghẽn giao thông, thời tiết lại hanh khô; Đà Lạt và Nha Trang khí hậu trong lành nhưng giá tiêu dùng rất mắc. Và bạn kết luận: Người Đà Nẵng nhiệt tình, ân cần. Sống ở Đà Nẵng thấy thoải mái hơn ở các thành phố khác.

Nếu Quế Lâm là điểm du lịch hấp dẫn nhất và từng là thủ phủ của Quảng Tây, đã đi vào ngạn ngữ Trung Quốc “Quế Lâm sơn thủy giáp thiên hạ” (Sơn thủy Quế Lâm trên hết thiên hạ) thì Hoàng Quân cũng biết đến một Hải Vân “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Bán đảo Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Bà Nà – Núi Chúa, bãi biển Đà Nẵng... dù có nơi các bạn chưa được đặt chân đến, nhưng tất cả vẫn cuốn hút các bạn qua những nguồn tư liệu sưu tầm được.

Điều gì ở Đà Nẵng để lại ấn tượng trong bạn nhất? Với Trương Tuệ Linh: “Thu hoạch lớn nhất của tôi ở Đà Nẵng là được nâng cao trình độ tiếng Việt và hiểu được văn hóa, lịch sử và phong tục tập quán của Việt Nam”. Với Lục Yến Thường: “Tôi đang lo là khi về lại quê nhà sẽ ăn cơm ít được và sẽ giảm cân vì không có... nước mắm!”.
 
Với Hoàng Quân: “Tôi thích ngắm nhìn cầu Sông Hàn hùng vĩ và thầm lặng trên sông Hàn, đến khuya có thể quay ngang để thuyền bè đi qua, rất là thần kỳ”. Lục Diễm Cầu thì chùng giọng xuống: “Tôi được biết đến Đà Nẵng là một may mắn của tôi và tất cả mọi người. Với những con người dễ gần và dễ mến, với những phong cảnh trữ tình và thầm kín, Đà Nẵng đã in hình thù và sắc đẹp vào trái tim tôi”.

Các địa chỉ ẩm thực Đà Nẵng không còn xa lạ với các bạn: Mỳ Quảng (trên đường) Hải Phòng, bánh xèo Hoàng Diệu, bún chả cá Phan Châu Trinh... Kinh nghiệm mà các bạn muốn truyền đạt cho sinh viên đến trọ học ở quận Liên Chiểu là: Ở chợ Hòa Khánh có thể đến các quán bên đường, có trứng vịt lộn, ốc hương, mì, bún... chỉ mất một ít tiền nhưng rất hài lòng. Các bạn còn ra đến tận Nam Ô để thưởng thức loại nước mắm mà họ cho là “ngon nhất thành phố Đà Nẵng”.

Khóa đầu tiên, trong 9 lưu học sinh Trung Quốc tốt nghiệp thì đã có 5 bạn quay lại Đà Nẵng thăm trường xưa, thầy cô cũ. Khóa này, cả 21 bạn đều rối bời tâm trạng lúc chia tay, vừa mong sớm được về nhà, vừa không muốn xa thầy cô, bè bạn. Lớp trưởng Dị Bội Nghệ, sau khi từ biệt với 5 người bạn là sinh viên Việt Nam, còn chia tay với... biển Đà Nẵng. Lục Diễm Cầu ước ao: “Ngày nào đó, nếu tôi được trở lại Việt Nam, điều đầu tiên tôi làm là thăm lại thành phố Đà Nẵng và bán đảo Sơn Trà thân yêu”.

 

Lưu học sinh Ngôn Tư:

Mấy vị giáo viên đã dạy tôi đều có một số đặc điểm và phong cách giảng bài rất đáng nhớ:

Sự dạy dỗ tỉ mỉ của cô Hoa, sự vui tính và nho nhã của thầy Hùng, kiến thức sâu rộng như một bộ sách bách khoa của thầy Ngoãn, sự chăm sóc chu đáo như từ mẫu của cô Hòa, ngôn ngữ tiếng Việt sâu sắc của thầy Cường, tính hiệu quả và nghiêm túc của cô Mai Anh, sức sống và tuổi trẻ của cô Loan…
 
Sự học hành ở Việt Nam tốt đẹp như lúm đồng tiền trên mặt cô gái, khiến cho tôi mãi nhớ Đà Nẵng, mãi nhớ Việt Nam.

 

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.