.

Dài cổ chờ... điện, nước

.

Gần một tháng nay, hàng ngàn người dân trên địa bàn thành phố thường xuyên phải sống trong cảnh khốn khổ vì “khát” nước và thiếu điện sinh hoạt trầm trọng. Nhưng mỗi lần người dân kêu thiếu nước được ngành nước “đổ lỗi” do cúp điện, còn ngành điện thì trả lời thiếu điện là do thực trạng chung. Trong khi đó, tiền điện, nước cả người dân và doanh nghiệp (DN) hằng tháng vẫn phải đóng đủ, đóng đúng theo thời gian quy định của hai ngành  đề ra.
                

Khi điện mất, nước cúp...

Không phải bàn thêm về chuyện khốn khổ của người dân cũng như thiệt hại của DN khi cả điện và nước đều bị cúp. Nhưng sau mỗi lần điện, nước bị cúp đột ngột thì cả ngành điện lẫn ngành nước đều có lời chia sẻ với khách hàng bằng việc gửi thông báo đến Quý khách hàng với 2 từ “xin lỗi”. Còn thiệt hại do điện, nước bị cúp thì cả người dân và DN đành phải ngậm ngùi gánh chịu. Và chắc chắn rằng, nếu lần sau “không may” điện và nước lại cúp, có lẽ  kịch bản sẽ lặp lại như trên.

Nước và điện rất quan trọng đối với ngành chế biến hải sản.


Giám đốc một DN sản xuất đồ nhựa trên địa bàn quận Liên Chiểu bức xúc nói: Điện và nước mà cứ cúp kiểu này chắc có lẽ không lâu nữa, nhiều DN sẽ phải tuyên bố phá sản. Dẫu biết, tình trạng thiếu điện là thực trạng chung trên cả nước, nhưng không biết trước khi cúp điện, ngành điện có xem xét đến từng khu vực hay không? Hay cắt điện theo kiểu hôm nay ở khu vực này, ngày mai ở khu vực khác, hoặc có tính đến phương án ưu tiên điện cho các nhà máy cấp nước? Chứ liền một lúc cả điện và nước đều bị cúp thì người dân và DN không biết xoay xở kiểu gì? Trong khi đó, tiền điện, tiền nước DN đều phải đóng đủ, đóng đúng theo quy định về thời gian, nếu chậm trễ là bị cúp liền. Còn ngành điện và ngành nước vẫn chưa tìm được tiếng nói chung để “điện có cúp – nước vẫn có”.

Lỗi do ai?

Giải thích về việc mất nước liên tục trong thời gian vừa qua, ông Nguyễn Trường Ảnh, Giám đốc Công ty Cấp nước Đà Nẵng cho rằng: Để có nước cần phải có điện, nước bị mất liên tục trong thời gian qua là do điện cúp đột ngột mà không có thông báo trước nên công ty không có sự chủ động cung cấp nước, đồng thời một số ống nước thô tại hố van ở các nhà máy xử lý nước bị sự cố nên việc sửa chữa mất khá nhiều thời gian.

Còn đại diện ngành điện, ông Hoàng Đăng Nam, Trưởng phòng Điều độ - Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (gọi tắt Điện lực Đà Nẵng) cho rằng: Trong thời gian vừa qua, cụ thể là từ ngày 17 đến 19 tháng 7, một số khu vực thuộc nhà máy nước trên địa bàn thành phố buộc phải cắt điện đột ngột là do sự cố thời tiết mưa giông, sấm sét tại khu vực Nhà máy nước Cầu Đỏ và một vài sự cố của ngành điện do khách quan mang lại. Tuy nhiên, thời gian cúp điện tại các khu vực nhà máy nước trong 3 ngày trên mà ngành điện không kịp báo trước cho ngành nước là do sự cố bất khả kháng, nhưng tổng cộng thời gian cúp điện cũng chỉ kéo dài trong vài giờ đồng hồ. Như vậy, việc bị cúp nước liên tục trong thời gian qua là do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Chủ động được nguồn điện sẽ không thiếu nước

Nhiều câu hỏi được đặt ra, với tổng vốn đầu tư cho các nhà máy nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng khoảng 400-500 tỷ đồng, trong khi đó mỗi nhà máy nước lại không đầu tư được một máy phát điện dự phòng để chủ động nguồn điện khi sự cố cúp điện xảy ra. Về vấn đề này, ông Ảnh cho biết, “Công ty đã có kiến nghị với thành phố mua máy phát điện, đồng thời, đề xuất ngành điện nên ưu tiên xây dựng hệ thống, trạm cung cấp điện riêng biệt đến các nhà máy nước, nhưng đến nay, cả 2 đề xuất trên vẫn chưa được giải quyết”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện trên địa bàn thành phố có 4 nhà máy nước đang hoạt động (Nhà máy nước Cầu Đỏ, Sân bay, Sơn Trà, Liên Chiểu), trong đó Nhà máy nước Cầu Đỏ có công suất lớn nhất (khoảng 120.000m3 nước/ngày), nhưng hầu hết các nhà máy nước đều chưa được đầu tư nguồn điện dự phòng.

Năm 2003, UBND thành phố Đà Nẵng đã giao cho Công ty Cấp nước xây dựng dự án cấp điện cho Nhà máy nước Cầu Đỏ, nhưng qua gần 5 năm triển khai, công trình này mới chỉ hoàn thành được một khối lượng nhỏ của dự án do thiếu vốn. Để dự án tiếp tục được triển khai và hoàn thành trong quý 2 năm 2008, bảo đảm nguồn điện cho hoạt động của Nhà máy nước Cầu Đỏ, UBND thành phố đã giao lại cho Điện lực Đà Nẵng tiếp tục đầu tư dự án này, nhưng do vướng mắc ở nhiều khâu nên Điện lực Đà Nẵng chưa thể tiếp tục. Cụ thể là do đơn vị tư vấn mà Ban Quản lý dự án cấp nước Công ty Cấp nước Đà Nẵng thuê chưa hoàn thành thiết kế hiệu chỉnh.

Việc cắt điện luân phiên tại thành phố Đà Nẵng được ngành điện cho biết sẽ còn kéo dài đến giữa tháng 8. Như vậy, cả người dân và DN vẫn cứ tiếp tục phải chịu cảnh “cúp điện là cúp nước” trong thời gian tới.

Phương Anh

;
.
.
.
.
.