.

Đang khô lo bão

“Đôi khi cảm động đến chảy nước mắt trước miếng cơm manh áo của ngư dân, thế nên có mục tiêu rồi (xác định được tàu cần cứu nạn) thì có ốm cũng thành khỏe. Đôi khi những người từng trải qua sóng gió bão bùng như chúng tôi vẫn bị chếnh choáng trước những cột sóng cấp 7, cấp 8. Nhưng nhiều lắm là một ngày say sóng rồi thôi, lại đứng lên tiếp tục hành quân để đưa được ngư dân và phương tiện vào bờ trong niềm khắc khoải đợi mong của bao người thân…”.

Đây là những lời tâm tình của một người lính biển thuộc Lữ đoàn 161 Vùng C Hải quân sau những lần vượt bão cùng ngư dân. Chịu đựng lắm, gai góc lắm mới có thể song hành với sóng to, gió lớn, thời tiết “khó chịu”, với hiểm nguy nghiệt ngã. Song, trong hành động dứt khoát, mang tính quyết định của các anh là một trái tim cảm thông sâu sắc với sự nhọc nhằn, vất vả của những người bám biển kiếm sống.

Mỗi đợt cứu nạn trên biển là một câu chuyện ly kỳ về sức mạnh tiềm ẩn của con người. Mới mẻ và đầy lo lắng là những cảm xúc luôn theo các anh trên đường hành quân tiếp cận nơi ngư dân lánh nạn sau bão. Có những đợt hành quân kéo dài liên tục từ 5 đến 10 ngày để đến với những vùng biển cách Đà Nẵng 1.000 hải lý. 24/24 giờ quần quật giữa biển khơi dõi mong theo từng tín hiệu cứu nạn…

Cùng ngư dân vượt bão

Đang trong mùa khô, nhưng những phương án tránh bão và bảo đảm an toàn trong bão cho ngư dân đã được Lữ đoàn 161 thông qua. Khoảng vào đầu tháng 9 được coi là thời điểm bắt đầu mùa mưa bão. Năm nay, các trang thiết bị như dây kéo, sào chống, đệm va, xích neo, hệ thống máy móc có sự “đột biến” về số lượng. Đặc biệt, cách thức không cho tàu bị đứt dây trôi dạt sau khi buộc vào phao và tránh các tàu va đập vào nhau được Lữ đoàn 161 tập luyện kỹ càng hơn (dù rằng công việc này đã trở thành chuyên nghiệp với các anh). Lực lượng cứu nạn tăng từ 30 - 40% so với những năm trước.

Tuy phương án hỗ trợ đã sẵn sàng, nhưng các chiến sĩ vẫn không thôi trăn trở về sự an toàn của ngư dân khi mỗi ngày thời tiết dường như ít “chiều” lòng người. Ngư dân - những người trực tiếp ra biển đều có một đời sống quá nhiều khó khăn. Hầu hết, họ làm thuê cho chủ tàu (không trực tiếp đi biển) dưới dạng khoán lời ăn lỗ chịu, nên nhiều khi vì sợ thua lỗ mà đánh liều cả tính mạng. Cộng vào đó là sự bảo thủ trong quan niệm làm biển khiến nguy cơ mất an toàn luôn trong tình trạng báo động.

Thượng tá Phan Đình Cát, Phó Chính ủy Lữ đoàn 161 kể: “Tôi từng trao đổi với nhiều ngư dân và được biết, người đi biển rất ngại mang theo áo phao (xuất phát từ suy nghĩ: Mang phao tức là báo hiệu điềm xui xẻo, đang yên đang lành bỗng dưng báo trước sự cố xảy ra). Vì vậy, thường khi gặp nạn, ngư dân chỉ biết dựa vào can nhựa để lênh đênh trên biển đợi người cứu vớt.

Trong khi đó, phao là “bùa hộ mệnh” cho bất kỳ ai sống giữa biển nước. Nói vậy để thấy, phương tiện tự cứu cơ bản nhất cũng chẳng có là bao. Các phương tiện nghe nhìn trực tiếp qua vệ tinh càng ít ỏi hơn. 3, 4 tàu đi theo nhóm nhưng chỉ có 1 tàu được trang bị máy móc dự báo hiện đại rồi sau đó sử dụng bộ đàm liên lạc với nhau khi cần thiết”.

TOÀN VÂN

;
.
.
.
.
.