.
ĐỀ ÁN TẠO NGUỒN CHO CHỨC DANH BÍ THƯ ĐẢNG ỦY, CHỦ TỊCH UBND PHƯỜNG, XÃ

Chất lượng tương xứng, đáp ứng với kỳ vọng của người dân

.

Một trong những đột phá của thành phố Đà Nẵng về công tác đào tạo nguồn nhân lực là Đề án tạo nguồn cho chức danh bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND phường, xã. Sau khi Đề án này ra đời, đã thu hút nhiều bạn đọc quan tâm về công tác đào tạo, bố trí cũng như tính khả thi của đề án.

P.V Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với đồng chí BÙI VĂN TIẾNG (ảnh), Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng về nội dung này.

* P.V: Thưa đồng chí, xuất phát từ ý tưởng nào mà Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng quyết định triển khai Đề án tạo nguồn cho chức danh bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND phường, xã?

- Đồng chí Bùi Văn Tiếng: Có thể nói, chiến lược cán bộ của Đà Nẵng đang nhằm vào hai hướng mang tính đột phá: Xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi ở tầm vĩ mô thành phố và chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo phường, xã. Cả hai hướng này đều quan trọng và đều đòi hỏi phải được đầu tư đúng mức.
 
Chính vì thế, bên cạnh việc đầu tư rất mạnh cho Đề án đào tạo 100 thạc sĩ và tiến sĩ tại các cơ sở đào tạo nước ngoài, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã quyết định triển khai Đề án tạo nguồn cho chức danh bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND phường, xã nhằm góp phần chuyên nghiệp hóa một đội ngũ cán bộ được xem là thiếu chuyên nghiệp hơn cả trong hệ thống chính trị bốn cấp ở nước ta hiện nay. 

* P.V: Quyền lợi và trách nhiệm trong và sau khi đào tạo nguồn nhân lực này đã được quy định cụ thể, thế nhưng làm thế nào để “giữ chân” họ phục vụ lâu dài trong các chức danh nêu trên?

- Đồng chí Bùi Văn Tiếng: Trong bối cảnh kinh tế thị trường, áp lực săn đầu người, thu hút chất xám căng thẳng như hiện nay, tâm lý đứng núi này trông núi nọ không những không bị lên án như trước mà thậm chí còn được xem là biểu hiện của sự năng động, việc “giữ chân” người giỏi đang trở thành vấn đề thời sự.

Ở đây, quy định cụ thể quyền lợi và trách nhiệm trong và sau khi đào tạo nguồn nhân lực này là một trong những cách để “giữ chân” người giỏi phục vụ lâu dài ở phường, xã. Tất nhiên, vẫn phải dùng nhiều cách khác, chẳng hạn như làm sao cho người được đào tạo có đủ thực lực để tự mình chứng tỏ tâm lý chưa coi trọng cán bộ cấp phường, xã khá phổ biến hiện nay trong xã hội là không đúng hoặc không còn đúng.
 
Rồi việc cấp ủy địa phương thực hiện nghiêm túc yêu cầu nêu trong thông báo tuyển sinh rằng, sau khi được đưa vào quy hoạch thì ngay trong một nhiệm kỳ 5 năm sẽ được sắp xếp vào vị trí cũng là một cách nữa... Nhân tiện xin được nói thêm rằng, với đề án này, hoàn toàn không có chuyện đã học là nhất định tốt nghiệp, đã được đưa vào quy hoạch là nhất định được bố trí vào chức danh, nghĩa là quy định như thế nhưng chỉ những người có chí tiến thủ và có đủ năng lực tự khẳng định khi được đưa về công tác ở phường, xã thì mới có thể hoàn toàn yên tâm rằng mình sẽ được giao trọng trách đúng theo mục tiêu đào tạo đã đề ra. 

* P.V: Với nguồn nhân lực mới này, đồng chí có thể nêu những lạc quan cũng như những trăn trở về công tác đào tạo nguồn nhân lực của Đà Nẵng.

- Đồng chí Bùi Văn Tiếng: Để góp phần hình dung những lạc quan cũng như những trăn trở về công tác đào tạo nguồn nhân lực chung của Đà Nẵng, tôi xin nêu những lạc quan cũng như những trăn trở riêng về đề án này. Thông báo chiêu sinh đã nêu rõ các học viên tham gia đề án sau khi tốt nghiệp sẽ làm gì, ở đâu, được hưởng những ưu đãi nào - tức là đang lạc quan giả định mọi việc sẽ thuận buồm xuôi gió.

Càng lạc quan hơn khi đề án được triển khai trong bối cảnh Đảng bộ Đà Nẵng đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, cũng như trong bối cảnh Đà Nẵng được chọn thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị. Ngoài ra cũng có thể ghi nhận sự quan tâm của nhiều người dân thành phố đối với đề án này như là một tín hiệu đáng mừng.

Và tất nhiên lạc quan đến mấy thì cũng không thể không trăn trở, không thể không nghĩ tới những khó khăn phải đối mặt, đương đầu khi triển khai chương trình. Tựu trung có thể hình dung mấy khó khăn chủ yếu sau đây: Một là sẽ không đủ số lượng ứng viên đáp ứng các điều kiện tuyển sinh; hai là tâm lý chưa coi trọng cán bộ cấp phường, xã cũng có thể sẽ là trở lực khiến những người đáp ứng các điều kiện tuyển sinh lại chưa chịu tham gia đề án; ba là chương trình đào tạo nếu không được đầu tư công sức đúng mức sẽ thiếu sự cân đối giữa lý thuyết với thực hành, giữa trang bị kiến thức với rèn luyện kỹ năng, giữa đào tạo với tự đào tạo...

Đó là không kể một số trở ngại khác mà hiện nay vẫn chưa lường được hết, nhất là các trở ngại xuất phát từ bản thân học viên như ý thức và năng lực tự học, tự nghiên cứu, như chí tiến thủ và năng lực tự khẳng định mình... 

* P.V: Với nguồn nhân lực mới được đào tạo, không bao lâu nữa, đội ngũ cán bộ trẻ này sẽ thay thế cho những cán bộ đương nhiệm, vậy đã chuẩn bị cho sự chuyển tiếp này ra sao thưa đồng chí?

- Đồng chí Bùi Văn Tiếng: Nghị quyết Trung ương 6 về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đang mở ra cho đội ngũ cán bộ cấp phường, xã một môi trường thăng tiến trong công vụ rất mới mẻ so với trước mà nổi bật nhất là khả năng liên thông hai chiều giữa cán bộ cấp phường, xã với cán bộ các cấp trên.
 
Nhờ vậy nhiều cán bộ lãnh đạo phường, xã đương nhiệm sẽ có điều kiện được điều động lên công tác ở các cấp trên, qua đó tạo cơ hội cho những người tham gia đề án có đủ tài năng và tâm huyết góp phần xây dựng một Đà Nẵng ngày càng phát triển sớm được giao trọng trách đúng theo mục tiêu đào tạo đã đề ra. Mặt khác cũng không phải ngẫu nhiên mà khi đề ra chính sách riêng của địa phương nhằm khuyến khích cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, HĐND thành phố đã tập trung vào hai đối tượng: Cán bộ có chức vụ và cán bộ chuyên trách ở phường, xã. Đó chính là một số động thái bước đầu chuẩn bị cho sự chuyển tiếp nêu trên.

Tuy nhiên, dường như cái cốt lõi nhất của vấn đề không nằm ở phía cán bộ đương nhiệm mà chủ yếu nằm ở phía những người tham gia đề án. Chỉ có thể nói là đã chuẩn bị một cách tích cực nhất cho sự chuyển tiếp này khi nào những người tham gia đề án được đào tạo với một chất lượng tương xứng với sự đầu tư của lãnh đạo thành phố, đáp ứng với sự kỳ vọng của người dân.

Quan điểm của lãnh đạo thành phố là đề án này có thể sẽ bất khả thi - vĩnh viễn chỉ là một kế hoạch trên giấy và trong ý tưởng, chứ quyết không thể bỏ tiền tỷ giữa thời bão giá khó khăn để rồi hạ thấp tiêu chuẩn tuyển sinh cốt sao cho đủ số lượng đầu vào, để rồi tạo nên sản phẩm là những người thiếu chí tiến thủ và thiếu năng lực tự khẳng định trong quá trình học tập cũng như khi được đưa về công tác ở phường, xã...  
  
* P.V: Xin chân thành cảm ơn đồng chí!

LÊ VĂN HOA (Thực hiện)

;
.
.
.
.
.