Họ là những công nhân lao động từ các địa phương khác đến thành phố, thuê nhà trọ ở, làm việc chủ yếu theo ca, cuộc sống luôn bấp bênh bởi đồng lương ít ỏi. Cuộc sống của họ càng khó khăn hơn giữa thời buổi vật giá leo thang.
Vất vả quanh năm
Giữa mùa hè, căn phòng trọ của cô công nhân nhập cư Đặng Thị Xuân Thu (Công ty Keyhinge Toys) ở Đa Phước 1 (Hòa Khánh Bắc, Liên Chiểu) càng hầm hập, chỉ thua… lò bánh mì, như lời các cô hay đùa. Mặc cho căn phòng chưa đến 20 mét vuông trơn nhưng mái nhà bằng tôn thấp lè tè cũng đủ phả hơi nóng ngập phòng. Chiếc quạt máy tí tẹo để ở góc phòng, chỉ được các chủ nhân sử dụng hạn chế trong những đêm hè thiêu đốt. Bởi, đồng lương ít ỏi - với mức cao nhất 1.300.000 đồng - cho suốt cả tháng trời vắt sức của những cô gái tuổi đôi mươi buộc họ phải hạn chế tối đa các khoản chi phí.
Chấp nhận cuộc sống ly hương, mọi lao động nhập cư đều hy vọng một cuộc “đổi đời”. |
Tiếp xúc với chúng tôi, các nữ công nhân nhập cư dường như đều có chung một tâm trạng: canh cánh bên lòng nỗi lo trang trải cuộc sống trong thời buổi vật giá leo thang. “Với đồng lương hiện nay đã không đủ sống thì làm sao giúp được gia đình. Có lẽ rồi cũng phải về quê…”, Thu Hòa tâm sự.
Nỗi lo tăng theo thời giá
Đã đến trưa nhưng bếp tại các phòng trọ công nhân trong một khu nhà trọ ở Đa Phước 1 (Hòa Khánh Bắc, Liên Chiểu) vẫn lạnh ngắt. Võ Thị Kiều Oanh (công nhân Công ty Mabuchi Motor) không giấu được nỗi âu lo: “Do công ty phát lương vào giữa tháng nên đến bây giờ, bọn em gần như chẳng còn đồng nào để đi chợ, đành ăn tạm mì gói vài hôm”. Còn mâm cơm của Huyền, Tình, Hương gợi lại hình ảnh của một thời bao cấp với “nước mắm đại dương, canh toàn quốc”. Ở một phòng trọ khác tại phường An Hải Bắc, 4 cô gái cũng “giải quyết” bữa trưa chỉ với chừng 1 kg bún tươi cùng nước mắm.
Nhưng thực tế, những cô gái tuổi đôi mươi này phải đối mặt với quá nhiều khó nhọc. |
Cũng để “đối phó” với việc vật giá tăng ào ào, Xuân Thu cùng những đồng hương Quế Sơn như Phan Thị Hoa, Trần Thị Hiệp… đành phải rời khu nhà trọ quen thuộc để tìm nơi ở mới, phù hợp khả năng tài chính của mình. Bởi, như Xuân Thu, suốt 1 năm qua, lương chỉ tăng một lần nhưng giá nhà trọ tăng 3 lần, từ 120.000 đồng/tháng lên 150.000 đồng/tháng, rồi lên 180.000 đồng/tháng rồi 200.000 đồng/tháng như hiện nay, chưa kể tiền điện, nước.
Bây giờ, ngoài Nguyễn Thị Sương chấp nhận giã từ phận ly hương đầy rủi ro để trở lại quê hương (Quế Hiệp, Quế Sơn) tiếp tục ôn thi đại học, hay cô công nhân đến từ Tuyên Hóa (Quảng Bình) Nguyễn Thị Hoa (Công ty Việt Thành) may mắn có được một cuộc sống ổn định sau khi lập gia đình, còn lại, những đồng nghiệp một thời của họ vẫn loay hoay với cuộc mưu sinh vốn nhiều trắc trở…
Cần lắm sự sẻ chia
Không ít lần, khi nói đến gần 24.000 công nhân nhập cư đang làm việc tại các Khu Công nghiệp (KCN), Chủ tịch Công đoàn các KCN và Chế xuất Đà Nẵng Đàm Thị Thanh Xuân không giấu được sự xót xa: Đa phần là nữ, phải tự bươn chải, lo toan mọi thứ - từ cái ăn, chỗ ở cho đến mọi sinh hoạt - và trong bối cảnh xa gia đình, lẽ ra, các em phải nhận được sự quan tâm nhiều hơn của xã hội và doanh nghiệp. “Thậm chí, chúng tôi đang hết sức lo lắng khi thời gian làm việc căng thẳng, thu nhập quá ít ỏi trong thời buổi vật giá gia tăng như thế này, đời sống tình cảm của các em cũng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn”, bà Xuân nói.
Sự quan tâm của các DN cũng phần nào giúp công nhân nhập cư tháo gỡ được những khó khăn trong cuộc sống thường ngày. |
Để giữ chân lao động, và cũng để chia sẻ những khó khăn hiện tại, những công nhân đang làm việc tại Công ty Hữu Nghị, ngoài các chế độ theo luật định, còn cung cấp bữa ăn trưa miễn phí với 6.000 đồng/suất ăn song đảm bảo dinh dưỡng để công nhân tái sản xuất sức lao động và mỗi người chỉ đóng 1.000 đồng. Trong lúc đó, nếu tăng ca, bữa ăn chiều được công ty chi phí toàn bộ. Khi trao đổi, hầu hết CN tại đây đều cho biết, giữa bối cảnh vật giá tăng vùn vụt hiện nay, sự quan tâm như thế rất đáng trân trọng.
Không chỉ giữ chân người lao động, đặc biệt là lao động nhập cư, mà còn để tạo dựng được một hình ảnh đẹp hơn về đơn vị, các DN đều đang từng bước cải thiện mối quan hệ lao động ngày một tốt hơn. Tại Công ty Hữu Nghị, trong kế hoạch xây dựng khu nhà ở cho công nhân, công ty sẽ tổ chức phục vụ ăn uống tại chỗ vào buổi chiều với mức giá chấp nhận được cho công nhân, đồng thời tổ chức các điểm sinh hoạt văn hóa tại khu chung cư này. Nhờ đó, dù có những biến động, nhưng số lao động "nhảy việc" tại công ty này đã giảm xuống còn 5%.
Tại Tổng Công ty Dệt - May 29-3, có gần 200 công nhân nhập cư được ở nhà lưu trú của DN và DN cũng cử cán bộ đến trực tiếp quản lý cùng với việc thuê người đến dọn vệ sinh thường xuyên khu nhà lưu trú. Bà Phạm Thị Xuân Nguyệt, Tổng Giám đốc Công ty, khẳng định sự quan tâm với người lao động không chỉ trên lý thuyết. "Không chỉ giúp công nhân nhập cư mà đa phần là nữ có được chỗ ở ổn định, việc xây dựng khu nhà lưu trú cũng là một giải pháp để giúp các em có được môi trường sống và sinh hoạt tốt nhất trong điều kiện của đơn vị, tránh được tệ nạn xã hội. Mặt khác, chúng tôi quản lý rất chặt chẽ việc tăng ca, tăng giờ… để đảm bảo tốt nhất sức khỏe cho người lao động cũng như để thực hiện tốt pháp luật lao động”, bà Nguyệt cho biết.
Giữa lúc khó khăn như hiện nay, giới công nhân lao động trong các doanh nghiệp ở thành phố cần có sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ và sẻ chia như vậy.
BẢO AN