.

Giữ xe “lưu động” lộng hành ở các bãi biển

.

Nắng nóng kéo dài trong suốt những tháng qua đã thu hút ngày càng đông du khách khắp nơi đổ về các bãi biển Đà Nẵng. Đó chính là cơ hội để dịch vụ giữ xe “lưu động” làm luật với những xe ô-tô từ các địa phương khác đến.

Anh Phan Thế Nghĩa - chủ xe ô-tô 4 chỗ từ quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh ra - nạn nhân của dịch vụ giữ xe “lưu động” kể: Vì khu vực giữ xe không còn chỗ nên tôi đành đưa xe vào sát vỉa hè. Quan sát thấy cũng có rất nhiều xe ô-tô để như vậy, nên tôi an tâm đưa cả gia đình xuống biển tắm. Rắc rối bắt đầu khi chúng tôi trở lại xe.

Bãi đỗ xe trên đường Sơn Trà-Điện Ngọc quá nhỏ, không đủ sức chứa hết lượng xe ô-tô từ các nơi khác đổ về.


Lúc đó, một thanh niên nhỏ thó đến đòi 40 ngàn đồng tiền giữ xe. Khi tôi hỏi giữ xe sao không có vé giữ, sao giá lại đắt thế, thay vì trả lời câu hỏi của tôi, người thanh niên kia tiến đến gần chiếc xe xuýt xoa: “Xe đẹp quá hỉ, lỡ trầy xước một tí thì uổng quá”. Hiểu ý, tôi đành bấm bụng đưa 40 ngàn đồng.

Tuy nhiên, đó cũng chưa phải giá cao so với trường hợp chiếc xe 25 chỗ mang biển kiểm soát của Lào phải chịu tại khu vực biển T20. Sau khi để hành khách xuống biển hết, chạy thêm một đoạn khá xa về phía bên kia đường và đỗ xe vào sát mép đường, anh Khui Thìn mới  yên tâm xuống biển dạo chơi. Thế nhưng vừa đi vài bước đã có người gọi lại đòi tiền giữ xe.
 
Do biết tiếng Việt và thường xuyên chở khách từ Lào sang Đà Nẵng, anh đã từ chối vì không có vé giữ xe. Thế là ngay lập tức, sát bên hông xe của anh, một nhóm người đá bóng xuất hiện và cứ nhằm vào xe mà... sút bóng. Hoảng quá, anh phải xuống nước năn nỉ và phải chấp nhận cái giá 70 ngàn đồng thì “sân bóng đá” mới được di chuyển ra nơi khác.

Còn trường hợp anh Trần Đình Nhân đến từ Hà Nội, vì cương quyết không chịu trả tiền gửi xe ô-tô nên hậu quả là một lốp xe bị xẹp lép. Phải mất hơn một tiếng đồng hồ chạy đi kiếm thợ và tốn hơn 50 ngàn đồng cho một lần bơm, xe anh mới rời được bãi tắm.

Để tìm hiểu sự thật, chiều ngày 13-7, tôi “theo đuôi” một chiếc xe mang biển số Hà Nội đến bãi biển T20. Sau khi đổ khách xuống bãi biển, chiếc xe du lịch này ngay lập tức được “cò” mời gửi xe trên vỉa hè. Không đồng ý với giá giữ 50 ngàn đồng, tài xế đành đưa xe chạy một đoạn thật xa khu vực tắm, và ngồi luôn trên xe canh giữ thì mới “cắt” được dịch vụ giữ xe “lưu động”.

Qua tìm hiểu được biết, trên đoạn đường từ bãi tắm cuối đường Phạm Văn Đồng đến bãi biển T20, duy nhất chỉ có một đoạn được thiết kế để dành chỗ đậu đỗ xe ô-tô. Tuy nhiên, nếu xe ô-tô đậu thật sát vào nhau cũng chỉ được 30 chiếc. Trong khi đó, trên thực tế ở đoạn bãi tắm này khi chiều xuống có đến cả trăm ô-tô, mà chiếm số lượng khá lớn là ô-tô mang biển số từ các tỉnh, thành phố khác, thậm chí là của nước ngoài.

Vì thế, rất nhiều ô-tô sau khi chạy một vòng tìm không ra chỗ đậu, đành phải đậu xe vào sát mép đường để gửi với giá cắt cổ. Đã vậy, các lực lượng làm công tác giữ gìn trật tự an toàn giao thông hiếm khi có mặt tại khu vực này. Đây được xem là mảnh đất màu mỡ cho dịch vụ giữ xe “lưu động” bắt chẹt chủ phương tiện.

Ngày 24-1-2007, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 713/QĐ-UBND phê duyệt tổng thể hệ thống giao thông tĩnh thành phố Đà Nẵng đến năm 2020. Theo đó, sẽ xây dựng 25 bãi đỗ xe trong thành phố. Tuy nhiên, điều đáng nói là, trong hệ thống bãi đỗ xe ô-tô này thiếu các bãi đỗ xe dọc theo các bãi tắm, hoặc nếu có thì bố trí không hợp lý, diện tích rất khiêm tốn.

Nếu trong thời gian đến không có chỉnh sửa kịp thời, tại các bãi tắm sẽ rơi vào cảnh thiếu chỗ đỗ xe trầm trọng, vì ngày càng có nhiều người dân sắm ô-tô riêng và diện tích đất ven những con đường này đưa vào khai thác hết. Đó là chuyện của tương lai, còn trước mắt rất cần lực lượng chức năng ra tay dẹp ngay những dịch vụ giữ xe “lưu động” này để tránh phiền lòng du khách khi đến với Đà Nẵng.

Bài và ảnh : TRẦN LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.