.
GƯƠNG CỰU CHIẾN BINH

Người thương binh giàu nghị lực

.

Anh Lê Ngọc Hùng, một cựu chiến binh-thương binh luôn vượt lên số phận, sống có ích cho đời và đã trở thành một hình ảnh đẹp trong lòng người dân Hòa Mỹ 2, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. Cũng như bao người lính khác, anh Hùng trở về sau ngày hòa bình mang theo trên mình một nỗi đau từ chiến tranh: Mất đi đôi chân.

Thế nhưng, điều đó không làm anh thất vọng, bi quan mà ngược lại, với quyết tâm cao, anh gạt bỏ nỗi đau bằng cách vượt lên và tiếp tục “bước đi” trong những năm tuổi đời còn lại. Trên một đôi chân nhân tạo, anh đã cùng người vợ tìm mọi cách để xoay xở cuộc sống gia đình, tăng gia sản xuất bằng việc làm vườn, nuôi heo sữa, mỗi năm thu được hàng chục triệu đồng và theo đà, anh tiếp tục đẩy mạnh kinh tế chăn nuôi.

Từ nguồn vốn vay 5 triệu đồng của Kho bạc Nhà nước huyện Hòa Vang, anh đã đầu tư nuôi heo thịt và gà siêu trứng, mỗi năm thu nhập gần 40 triệu đồng. Thế nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Trước những biến động bất lợi về kinh tế thị trường, anh không đầu tư phát triển chăn nuôi nữa mà vận động anh em thương binh và hội viên Hội Cựu chiến binh tổ chức dịch vụ bãi phục vụ cho các loại xe đậu đỗ qua đêm và vận chuyển hàng hóa cho các xe tải đường dài, đồng thời mở dịch vụ thu mua phế liệu và ăn uống, giải khát tại khu vực bãi xe. Dịch vụ này đã giải quyết việc làm cho từ 30 đến 40 người tại địa phương với thu nhập hằng tháng từ 1,5 đến 2 triệu đồng/người. Đến năm 2002, dịch vụ bãi đỗ xe phải giải tỏa theo chủ trương quy hoạch của thành phố, gia đình anh mở dịch vụ nhà trọ cho sinh viên và buôn bán tạp hóa.

Suốt bao nhiêu năm với đôi chân thương tật, anh Lê Ngọc Hùng luôn tìm mọi cách vượt qua những khó khăn và sống có ích. Là thương binh 1/4, khả năng lao động không còn, nhưng với anh, lao động mới thực sự là “sống”. Với suy nghĩ đầy trách nhiệm, bao năm qua anh luôn là chỗ dựa vững chắc của gia đình, là một người chồng, người cha mẫu mực.

Người dân làng Hòa Mỹ 2 không những biết đến anh là một người thương binh giàu nghị lực, mà còn là một hình ảnh thân thiện trong lòng bà con lối xóm. Trên cương vị tổ trưởng tổ dân phố 47 Hòa Mỹ 2, trên chiếc xe lăn, anh tận tình sâu sát đến từng hộ dân vận động bà con sống đoàn kết, thương yêu nhau và làm tốt phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa. Những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, hoặc gây gổ mất tình làng nghĩa xóm, anh đến tận nơi hòa giải. Nhờ vậy mà tổ 47 liên tục được công nhận là tổ dân phố văn hóa từ năm 2003 đến nay.

Là một thương binh nghèo biết vượt lên số phận, một tổ trưởng dân phố được lòng dân, một cán bộ Hội CCB nhiệt tình trong công tác, luôn vượt lên chính mình, anh Hùng sống xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”. Với những nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, anh Lê Ngọc Hùng được chọn tham dự và báo cáo điển hình tại buổi gặp mặt những CCB-thương binh tiêu biểu thành phố trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh-liệt sĩ (năm 2007) và được UBND thành phố khen tặng là “CCB-thương binh tiêu biểu thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2002-2007”.        

NGUYỄN NGỌC LÂN

;
.
.
.
.
.