Những ngày này, trên khắp các nẻo đường thành phố Đà Nẵng, chúng ta thường bắt gặp nhiều trẻ em bán vé số hơn. Hỏi ra mới biết, đó là những học sinh nghèo ở các vùng quê, tranh thủ nghỉ hè lên phố bán vé số kiếm tiền để góp phần chuẩn bị cho năm học mới.
Em Trường mang áo có logo của trường khi “hành nghề”. |
Cầm xấp vé số trên tay và còn mang nguyên chiếc áo thể dục có logo của trường, em cho biết, vừa nghỉ hè là em khăn gói theo người quen ra Đà Nẵng đi bán vé số. Tuy mới lớp 7 nhưng em đã có “thâm niên” 3 mùa hè đi bán vé số. Trường thật thà kể: “Những hè trước, thời gian nghỉ nhiều nên cháu cũng kiếm được kha khá. Còn năm nay, vé số đến 5.000 đồng nên ế lắm chú ạ. Cháu ra đây gần một tháng rồi mà dư chẳng bao nhiêu”.
Tương tự, em Nguyễn Thị Lài, học sinh Trường Lê Quý Đôn, Tam Kỳ, Quảng Nam. Là một nữ sinh lớp 11 nhưng trông em nhỏ thó như một học sinh lớp 8 ở thành phố, chỉ có điều với nước da ngăm đen và mái tóc xơ vàng do rướm nắng làm em có vẻ già dặn hơn tuổi. Lài nói: “Vừa nghỉ hè, nghe một số bạn rủ thế là em đi theo. Đây là lần đâu tiên em ra Đà Nẵng, lạ đường sợ lạc nên không dám đi xa, chỉ quanh quẩn gần đại lý nên bán được ít lắm”. Năm đến là năm cuối cấp, sao em không đi học thêm hay dành thời gian ôn luyện cho kỳ thi sắp tới? - Tôi hỏi.
Dường như câu hỏi của tôi đã khơi trúng tâm trạng nên em trả lời mà ánh mắt đầy nỗi buồn, không còn là đôi mắt đầy niềm vui sướng khi thấy tôi đồng ý mua vé số cho em. “Em chỉ trọ học ở Tam Kỳ thôi, còn nhà em ở tận xã Tam Ninh, huyện Phú Ninh. Nhà em nghèo lắm, tranh thủ nghỉ hè em đi bán vé số kiếm tiền để phụ giúp cha mẹ và chuẩn bị học phí cho năm học đến, làm gì có tiền để đi học thêm”. Khi tôi ngỏ ý được ghi hình, tuy em không từ chối (có lẽ vì “mang ơn” người đã mua giúp mấy tờ vé số) nhưng lại có vẻ đầy ái ngại nên tôi đành thôi.
Ghé vào một quán cóc trên đường Núi Thành, 4 em bán vé số đang ngồi tán gẫu trong lúc ế ẩm. Tôi bắt chuyện, các em nhanh nhảu tự bạch: “Bọn cháu học cùng trường Lý Tự Trọng, Tiên Kỳ, Tiên Phước, Quảng Nam. Hai thằng kia học lớp 9, còn hai đứa cháu học lớp 10”. Tôi hỏi: Một ngày em bán được bao nhiêu? Em Bành Vũ Hùng Anh (một trong bốn em trên) hồn nhiên đáp: “Còn tùy chú ạ. Từ sáng tới giờ cháu mới bán được 10 tờ nhưng bình quân một ngày cháu cũng kiếm được 40.000 - 50.000 đồng.
Em Hùng Anh đang mời khách mua vé số. |
Chú mua giùm cháu mấy tờ nhé” - em tiếp thị luôn. Còn chỗ ăn, chỗ ở thế nào? “Ở tại đại lý, ăn cơm ngoài. Một ngày hết 15.000 đồng”- Hùng Anh trả lời. Một “đồng nghiệp” của em ngồi bên tiếp lời đầy hào hứng: “Có ngày hết 20 nghìn, vì ngày đó khát nước mà không xin được nước uống. Bây giờ thì có chỗ cho uống nước miễn phí rồi, khỏi lo, trà đóa (đá) hẳn hoi”. Tiền lời thì các em để đâu và làm gì? “Tiền lời đại lý giữ cho, lúc nào về lấy luôn một lần. Tiền này để mua sách vở, may áo quần mới, đóng học phí...” - các em tranh nhau đáp. Khi các em đi rồi, chị chủ quán nói: “Tội nghiệp, nhìn vậy chứ lớn tuổi lắm đó. Lớp 9, lớp 10 rồi mà trông như lớp 6, lớp 7 ở đây vậy, chắc ở quê không đủ ăn!”.
Đặc điểm chung của các em là gầy gò, đen đúa nhưng lại rất lễ phép. Tuy chỉ mua giúp một đôi tờ vé số nhưng em nào cũng vòng tay và cảm ơn. Lời cảm ơn chân thành chứ hoàn toàn không phải là lời cảm ơn mang đầy “tính nghệ thuật” của dân buôn bán mà ta thường bắt gặp.
Để thay cho lời kết, xin được trích dẫn một đoạn trong bài văn nói về “Mùa hè đối với lứa tuổi học trò” trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 (Đà Nẵng), đăng trên báo Thanh Niên ngày 20-6-2008: “... Khi nghỉ hè, học sinh được tự do làm công việc mình yêu thích như đi du lịch, về quê thăm người thân, làm tình nguyện viên cho phong trào mùa hè xanh...
Riêng em, em sẽ về quê ngoại - nơi miền sông nước xa xôi - để được hưởng không khí trong lành của miền quê...”. Vâng, đấy là mùa hè của những học sinh phố thị, còn mùa hè của những học sinh nghèo ở các vùng quê thì đó lại là mùa mưu sinh đầy nhọc nhằn!
VĂN QUẾ