.

Học bơi như học kỹ năng sống

.

Đến thời điểm hiện nay cả thành phố chưa có trường hợp tai nạn thương tích trẻ em ở sông nước, nhưng như thế không có nghĩa là tình hình tai nạn sông nước trong những ngày hè đã được kiểm soát. Nhiều phụ huynh kiến nghị nên đưa môn bơi lội vào chương trình học chính khóa của học sinh, nhưng cơ sở vật chất để dạy bơi lại chưa thể đáp ứng.

Con biết bơi từ trong bụng mẹ

Đối với trẻ em vùng biển, mùa tắm biển không chỉ diễn ra trong khoảng thời gian 4-5 tháng, mà kéo dài đến 8 tháng. Gặp những đứa trẻ của các làng chài quanh thành phố, ở đâu cũng nghe chúng hào hứng kể chuyện bơi, chuyện tắm biển như thế nào. Các em Tí, Thịnh đen, Hòa của làng biển Kim Liên học từ lớp 3 đến lớp 5 ở Trường tiểu học Trần Bình Trọng cao sàn sàn bằng nhau, tranh nhau kể chuyện bơi: “Bọn con đứa nào cũng biết bơi. Cứ xuống biển, tự tập rồi biết bơi hết. Đứa mô sợ thì có người lớn trong nhà tập cho. Ở biển là phải biết bơi!”.

Với những đứa trẻ ở làng biển Kim Liên, chuyện bơi là đã biết từ trong bụng mẹ.
Tí nói chắc nụi: “Không cần học bơi vì bọn con biết bơi từ trong bụng mẹ”. Câu nói “dóc” của Tí có thể rất đúng vì những đứa trẻ làng chài mở mắt là thấy biển, thậm chí ăn với biển, ngủ với biển nên kỹ năng sông nước của các em rất thành thạo. Ra biển, đứa này dạy bơi cho đứa kia nên chúng rất tự tin khi xuống nước, và lớn lên sẽ trở thành những kình ngư của các làng chài.

Như trong vụ tai nạn đắm thuyền thảm khốc xảy ra tại Bãi Hẳm (quận Liên Chiểu) ngày 29-4-2007, cậu học trò nghèo Trần Văn Truyền - học sinh lớp 7/5 Trường THCS Nguyễn Thái Bình đã không ngại nguy hiểm, dũng cảm và mưu trí, cùng với cha và hai thanh niên khác, cứu sống 11 người trong số những người gặp nạn. Truyền sinh ra và lớn lên trong một gia đình lao động nghèo. Sau giờ học, Truyền thường phụ giúp cha làm rẫy ở khu vực Bãi Hẳm. Những lúc rảnh rỗi, em thường đi theo các ngư dân câu cá, đi rớ quanh khu vực này, và em học cách bơi, cách câu cá rồi dần dần trở nên bơi rất giỏi.

Tuy nhiên, bơi giỏi hay biết bơi từ bé không có nghĩa là các em luôn an toàn khi ở dưới nước. Thịnh “đen” cho biết, ba mẹ quy định giờ tắm biển là buổi sáng khoảng 1 tiếng, buổi chiều có nhỉnh hơn chút đỉnh, nhưng không được xuống nước trước 4 giờ 30, vì lúc đó ít người tắm (người lớn), lỡ có chuyện gì thì không ai cứu. Có nghĩa là chuyện tắm biển của các em phải có người lớn giám sát.
 
Tất nhiên không có kiểu bảo bọc như những em nhỏ đi tắm biển cùng ba mẹ ở các bãi biển khác trong thành phố, mà ở đây phụ huynh phải căn dặn để khơi dậy ý thức tự bảo vệ mình an toàn của các em. Thầy Lê Văn Nghĩa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Bình Trọng cho biết: “Thời gian nghỉ hè cũng là thời điểm học sinh thường xuyên đi tắm biển nên trước kỳ nghỉ nhà trường luôn nhắc nhở thời gian nào trong ngày có thể ra biển tắm, nếu đi biển thì phải đi kèm người lớn”. Có thể những lời dặn dò của thầy cô sẽ khiến các em có ý thức hơn khi xuống nước, kể cả với những em đã biết bơi thành thạo.

Học kỹ năng sông nước

Nếu được học bơi, khi trẻ đi tắm biển, cha mẹ sẽ cảm thấy yên tâm hơn. Ảnh : Thu Hoa

Học sinh Trường tiểu học Trần Bình Trọng có những đặc điểm chung là hầu hết các em đều sống gần sông nước, một số em ở Thủy Tú gần sông Cu Đê và số đông còn lại ở ven biển Kim Liên, nên chuyện dạy bơi và nhiều học sinh biết bơi sẽ không thừa vì gần như các em tiếp xúc với môi trường nước thường xuyên.

Thầy Lê Văn Nghĩa cho rằng, trong chương trình chính khóa chưa có môn học bơi và hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn thành phố cũng chưa có bể bơi nên việc xây dựng chương trình sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong những năm tới. Tuy nhiên, theo thầy Nghĩa, học sinh cấp tiểu học nếu được dạy bơi sẽ là lý tưởng nhất, vì lứa tuổi này các em còn nhỏ, nhẹ cân nên dễ học hơn; cộng thêm tính các em khá hiếu động nên chuyện học bơi sẽ trang bị kỹ năng cho các em tốt hơn ở những cấp học khác.

Chị Minh Hòa, nhà ở phường Nam Dương, quận Hải Châu mỗi tuần 3 buổi chở con đến bể bơi thành tích cao của thành phố để học bơi. Theo chị, bên cạnh việc rèn luyện sức khỏe thì khi các con biết bơi, nếu đi tắm biển, cha mẹ cảm thấy yên tâm hơn, đồng thời khi học bơi ở trường (đứa lớn chuẩn bị vào lớp 12 ở Trường THPT Phan Châu Trinh) sẽ giúp con mình tự tin hơn.

Cả thành phố hiện nay mới duy nhất Trường THPT Phan Châu Trinh có bể bơi và đưa môn bơi vào chương trình học thể dục lớp 12. Chỉ kéo dài trong vài tháng với một số tiết  nhất định, nên thực tế rất nhiều em mới nắm được kỹ năng, chứ chưa thực sự biết bơi.

 
Theo Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), mỗi năm ở nước ta có gần 13.000 trẻ em bị chết đuối, con số này không hề giảm kể từ năm 2005 đến nay. Huấn luyện bơi cho trẻ em là mục tiêu tránh thương vong cho trẻ em dưới nước và là biện pháp giúp trẻ em chung sống với lũ lụt hằng năm.
 
Bà Nguyễn Thị Kim Hồng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho rằng, nếu đưa môn bơi vào trường học thì nên dạy cho trẻ từ cấp tiểu học vì đây là lứa tuổi các em cần học kỹ năng bơi lội, sống chung với sông nước. Nhưng muốn triển khai chương trình học bơi (dù là thí điểm hay đại trà), phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, giáo viên. Muốn thực hiện được điều đó thì các trường học phải được đầu tư cơ sở vật chất đầy đủ.

Trả lời báo chí gần đây, bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, Ủy ban Thể dục-thể thao (cũ) đã nhiều lần bàn thảo nhằm đưa môn bơi vào trường học như một phần của môn học thể dục. Nhưng thiếu giáo viên dạy bơi, thiếu cơ sở vật chất, nên chỉ có thể thí điểm dạy bơi ở một số trường học từ năm 2009.

Khi thực hiện “thí điểm dạy bơi”, tức sẽ ưu tiên học sinh ở vùng sông nước trước (như vùng đồng bằng sông Cửu Long). Và trẻ em ở Đà Nẵng dù thường xuyên tiếp xúc với biển và hằng năm mùa mưa lũ kéo dài 2-3 tháng, đã có thể gọi là sống chung với lũ, nhưng chương trình thí điểm môn bơi trong trường học vẫn chưa biết lúc nào sẽ được triển khai.

Khi đưa môn bơi vào dạy trong trường học, cơ sở vật chất sẽ rất thiếu, nhưng nếu đưa chương trình này thành chương trình xã hội hóa thì có thể khắc phục được. Từ thực tế ở làng biển Kim Liên, thì biết bơi là kỹ năng sống đầu tiên mà người lớn phải dạy cho trẻ nhỏ.

HIỀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.