.
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH

Đảng viên đi trước…

Công việc hằng ngày của ông Phùng Lai Cường - người đảng viên Cộng sản, Đội trưởng Đội Y tế dự phòng thuộc Trung tâm Y tế quận Hải Châu là chỉ đạo việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) của hơn 2 nghìn cơ sở ăn uống trên địa bàn quận. Khi làm nhiệm vụ, ông thường nhắc nhở đồng nghiệp: “Vẫn biết vì tình cảm, bà con có thể mời mình một ly nước, song trên bàn làm việc chỉ nên có giấy tờ, không nên có ly tách, và tuyệt đối không được uống bia.
 
Vì hôm nay là bia, mai sẽ thêm một đĩa mồi, ngày kia sẽ là một bàn nhậu và sau này có thể là một cái gì đó lớn hơn thế nữa. Đừng để nhân dân phải nhìn chúng ta bằng những hình ảnh như vậy!”. Ngoài những công việc hằng ngày như kiểm tra VSATTP, đi tiêu độc, khử trùng, phun thuốc ở các chợ, ông Cường còn đi tuyên truyền, nói chuyện về căn bệnh HIV/AIDS cho những đối tượng có nguy cơ cao ở khắp các phường trên địa bàn quận. Thời gian làm việc trong một ngày của người cán bộ mẫn cán này dường như càng dài thêm, không phải 8 tiếng mà là 10 tiếng, 12 tiếng/ngày.

Trăn trở với nỗi đau của những người nhiễm HIV/AIDS, ông tìm hiểu các mô hình câu lạc bộ (CLB) dành cho những người nhiễm HIV/AIDS, dù đó chỉ là những thông tin thoáng qua trên báo, đài hoặc qua lời giới thiệu, trao đổi của một ai đó. Và rồi, “CLB những người có H” ra đời. Sau 2 năm hoạt động, CLB đã trở thành ngôi nhà chung của 19 hội viên, đủ mọi thành phần, lứa tuổi.
 
Để duy trì được hoạt động của CLB và có điều kiện chăm sóc sức khỏe hội viên, ông đã phải tốn nhiều công sức vận động, tìm nguồn tài trợ, tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân; kết hợp với các đoàn thể, các tổ chức tôn giáo để tuyên truyền chống kỳ thị, phân biệt đối xử với những người nhiễm H. Trong suy nghĩ của các hội viên CLB, ông Cường không chỉ là người dang rộng vòng tay đón nhận họ, tiếp thêm sức mạnh để cho họ sống và sống có ích hơn trong những năm tháng còn lại mà cả đến khi họ từ giã cõi đời, thì cũng chính ông cùng với những hội viên trong CLB là những người tắm rửa, khâm liệm và tiễn đưa họ về với cõi vĩnh hằng như những người thân trong gia đình.

Ngoài xã hội là vậy, khi về với gia đình, ông là một người chồng, người cha mẫu mực. Với bà con, anh em, bè bạn, ông là người thân thiết, gần gũi, thủy chung, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ, đón các con của bạn về ở chung nhà, tạo mọi điều kiện để các cháu có thể học tập và làm việc tốt nhất. Với đồng nghiệp, ông vừa là người lãnh đạo nghiêm khắc, lại vừa là người bạn chân thành. Dù ở cương vị nào, trong gia đình hay ngoài xã hội, ông đều học và làm theo lời dạy của Bác Hồ: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

Giá trị của cái tâm từ những việc làm của ông Phùng Lai Cường nhắc ta nhớ lại lời của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn: Học gương đạo đức Bác Hồ là học cho được cái “gốc”, tức là cái tâm của Bác trước nỗi khổ của con người. Học gương đạo đức Bác Hồ là phải biết yêu quý người dân, phấn đấu cho người dân được sống hạnh phúc. Tình yêu thương con người của Bác là không giới hạn, không phải bằng lễ nghi mà bằng cử chỉ và tấm lòng, bằng lời nói đi đôi với việc làm, bằng sự chan hòa, gần gũi với nhân dân.
          
NGỌC PHƯỢNG
(Ban Tuyên giáo Quận ủy Hải Châu)

;
.
.
.
.
.