.
“HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH”

Làm theo gương Bác từ những công việc bình dị

Là người mẹ tảo tần của 4 người con đã trưởng thành, có địa vị trong xã hội, là người vợ đảm đang giúp chồng trong việc kinh doanh của gia đình, nếu chỉ bằng lòng có vậy thì chị Lê Thị Thanh Thủy, tổ trưởng tổ dân phố 34, phường Thuận Phước (quận Hải Châu) đã được sống an nhàn. Thế nhưng, với ý nghĩ đơn giản là muốn thử sức trong lĩnh vực xã hội, muốn làm một việc gì đó cho cộng đồng, chị đã đứng ra đảm nhận một công việc mà thiên hạ thường đùa rằng: “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”.

Tổ dân phố 34 có 73 hộ, một nửa trong số đó là dân lao động nghèo, nội bộ rất phức tạp. Khi bầu chị làm tổ trưởng, có nhiều ý kiến tỏ ra dè bỉu, chê bai; thậm chí còn ra mặt phản đối. Chị cố gắng làm tốt công việc của mình bằng cách tiếp thu những ý kiến có tính xây dựng; chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước; tích cực vận động những người có khả năng, có điều kiện ra giúp điều hành tổ. Qua đó, chị có thể nắm được rõ hơn, cụ thể hơn hoàn cảnh của mỗi gia đình, cũng như tâm tư, nguyện vọng của bà con để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ.
 
Để khắc phục tình trạng các hộ dân ít tham gia họp tổ, một mặt, chị đến từng hộ gia đình để vận động; mặt khác, nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ với các nội dung thiết thực và mời công an khu vực đến nói chuyện về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn, cũng như âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu để nhân dân phòng tránh. Song, công việc không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Gần đây nhất là dịp Tết Mậu Tý, khi thực hiện hỗ trợ gạo cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chỉ vì 15kg gạo nhận thêm chưa kịp đến tay mà một hộ gia đình đã chặn đường mạt sát chị.

Chồng chị động viên: “Nếu em làm mà cảm thấy vui vẻ và có uy tín với bà con thì làm, còn nếu làm mà để người ta xem thường mình thì đừng làm nữa”. Các con chị thì có ý bàn ra. Chị tâm sự: “Thật cũng có lúc chạnh lòng. Nhưng rồi tôi lại nhớ đến những bài học về đạo đức của Bác Hồ, nghĩ đến sự hy sinh cao cả của Bác, tôi cảm thấy mình chưa làm được gì cho bà con trong khu phố và những thiệt thòi của mình có đáng là bao...”.

Trăn trở trước tình trạng học sinh bỏ học hiện nay, chị Thủy đã chịu khó vận động được chị Lan, nguyên là hiệu trưởng trường tiểu học ra làm chi hội trưởng khuyến học; tích cực kêu gọi các mạnh thường quân trong tổ ủng hộ để phát triển quỹ khuyến học; đồng thời cùng với các hội đoàn thể đến thăm hỏi những gia đình có con em bỏ học để vận động các em ra lớp. Vì vậy mà ở tổ dân phố của chị không còn tình trạng học sinh bỏ học.
 
Ngoài ra, chị còn phối hợp với các tổ lân cận vận động nhân dân giữ vệ sinh môi trường chung quanh; hỗ trợ công an khu vực xóa được các sòng bạc nhỏ trong tổ; đồng thời, giúp đỡ, tạo công ăn việc làm cho một vài người trong tổ để không còn cảnh người chồng, người cha thất nghiệp, suốt ngày la cà quán xá, tối về đánh đập, chửi bới vợ con.

Những tấm gương như chị Thủy với những công việc tưởng như rất bình dị của mình sẽ làm lan tỏa và sáng lên chất ngọc trai trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, để cho xã hội ngày càng văn minh, hạnh phúc.

NGỌC PHƯỢNG

;
.
.
.
.
.