.
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH

Thi đua “Nói đi đôi với làm” trong cán bộ, đảng viên

“Nói đi đôi với làm” được Chủ tịch Hồ Chí Minh xem là một nguyên tắc trong xây dựng đạo đức cách mạng. Người giữ được đạo đức, tôn trọng danh dự, nói đi đôi với làm thì cho dù là một người bình thường cũng vẫn được những người chung quanh nể trọng.

Cán bộ, đảng viên, những người có chức vụ, quyền hạn, lời nói việc làm của họ luôn được bao người khác quan tâm theo dõi, đánh giá, làm theo “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” thì mỗi lời nói, việc làm càng cần sự mẫu mực, là “tấm gương sống” cho quần chúng noi theo. Có vậy mới giữ được uy tín cho mình, cho Đảng.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về rèn luyện đạo đức cách mạng “nói đi đôi với làm” đã đào tạo nên một thế hệ cán bộ đủ sức gánh vác sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước Việt Nam mới. Tư tưởng đó của Người đã được Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh kế thừa xuất sắc bằng quan điểm đã được toàn Đảng quán triệt và thực hành rộng rãi, đem lại hiệu quả thiết thực trong thời kỳ tiền đổi mới: “Nói và làm - NVL”.

Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên nói phải đi đôi với làm, không làm thì chớ nói! Nhưng hiện nay vẫn còn không ít những hình ảnh thực tế đập vào mắt người dân: Cán bộ nói thực hành tiết kiệm nhưng những nhà hàng sang trọng nhất lại chủ yếu phục vụ cán bộ ăn nhậu; cán bộ ở những biệt thự sang trọng nhất, đi xe đắt tiền nhất, lãng phí thời giờ và tiền của của Nhà nước nhiều nhất…; cán bộ nói chống tham nhũng nhưng tham nhũng trong cán bộ ngày càng tăng cả quy mô và mức độ.
 
Nhiều cán bộ không đủ bản lĩnh từ chối hoặc nếu có đủ bản lĩnh trước những cám dỗ, giữ được thanh danh cho mình thì nhiều người trong số đó vẫn không dám đấu tranh với những hành vi tham nhũng của đồng chí mình, vô hình trung lại trở thành người bao che tội lỗi… Đây rõ ràng là thói đạo đức giả, nó hoàn toàn trái ngược với đạo đức cách mạng, với nền đạo đức mới mà chúng ta xây dựng. Trước một thực tế như vậy, làm sao nhân dân không mất dần niềm tin vào cán bộ, đảng viên cũng như niềm tin đối với Đảng. Bởi vậy, cần triển khai mạnh mẽ việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, “nói đi đôi với làm” để xây dựng và phát huy đạo đức cách mạng.

Hiện nay, “thi đua ái quốc theo tư tưởng Hồ Chí Minh” cũng chính là kêu gọi mọi người cùng thi đua hành động, thi đua làm chứ không phải thi đua nói, nhưng phải là hành động thiết thực. Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua, ai không thi đua là không yêu nước! Song, cũng cần lưu ý: Yêu cầu căn cốt nhất trong thi đua ái quốc theo Bác Hồ là phải thiết thực chứ không phải là khẩu hiệu suông; phát động phong trào để tỏ ra là yêu nước sẽ dẫn đến một kết quả không mong muốn là “bệnh hình thức”, “bệnh thành tích”, mất đoàn kết trong thi đua, gây tốn kém tiền của, thời gian của Nhà nước, của nhân dân, giảm sức mạnh của tập thể, không bảo đảm mục đích, yêu cầu thi đua.

Phát động thi đua cần quan tâm đến xác định cụ thể nội dung thi đua cho phù hợp từng đơn vị. Đã thi đua thì phải có khen thưởng - đó là một việc làm quan trọng của thi đua, bởi đó là sự công nhận của xã hội đối với công lao đóng góp của người có thành tích. Khen thưởng phải chính xác, kịp thời thì mới thúc đẩy thi đua, khen thưởng không đúng sẽ triệt tiêu động lực, gây hậu quả xấu cho thi đua...

Yêu cầu về tính thiết thực trong thi đua ái quốc hiện nay không gì bằng phấn đấu thi đua “nói đi đôi với làm”. Ai nói đi đôi với làm; ai làm nhiều hơn nói; ai làm những việc thiết thực, có sáng kiến, cải tiến cụ thể, thiết thực cho mọi người cho xã hội; ai dám dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực... - đó là người yêu nước. Những thành tích thi đua đó phải được phát hiện, ghi nhận, người có thành tích đó phải được đánh giá cao, được khen thưởng thích đáng và được bảo vệ.

Sẽ là thiết thực nhất khi phát động thi đua “nói đi đôi với làm” được thể nghiệm trước tiên ở trong tổ chức Đảng, đối với đảng viên có chức có quyền. Từ đó, phát triển rộng ra ngoài xã hội. Những điển hình đó sẽ là những hạt giống đỏ của phong trào yêu nước mới.

TS. NGUYỄN THỊ TÂM

;
.
.
.
.
.