.

Khai mạc kỳ họp thứ 11 HĐND thành phố khóa VII

.

Hôm qua, 2-7, HĐND thành phố khóa VII đã khai mạc kỳ họp thứ 11. Các đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Trương Quang Nghĩa, Phó Bí thư Thành ủy; Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND thành phố; Bùi Công Minh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và các địa phương của thành phố đã tham dự.

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố phát biểu khai mạc kỳ họp.   Ảnh: NHÂN MÙI


Trong phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh: Tình hình 6 tháng cuối năm 2008 được dự báo là sẽ rất khó khăn, phức tạp. Chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục tăng, nhất là giá các mặt hàng thiết yếu sẽ ảnh hưởng xấu đến sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Tình hình đó đặt ra nhiệm vụ hết sức nặng nề, đòi hỏi tất cả các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người dân thành phố phải ra sức phấn đấu cật lực, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, triển khai đồng bộ các giải pháp của Chính phủ và Ban Thường vụ Thành ủy đã đề ra nhằm bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2008 (xem toàn văn bài phát biểu đăng trong số báo này).

Tại kỳ họp, đại biểu HĐND thành phố đã nghe Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh trình bày báo cáo tóm tắt tình hình phát triển KT-XH, QP-AN thành phố 6 tháng đầu năm và các nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2008. Theo đó, mặc dù phải chịu những khó khăn do tình hình lạm phát, giá cả tăng cao cùng với thiên tai, dịch bệnh... nhưng thành phố đã có những nỗ lực khắc phục khó khăn, phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Một số chỉ tiêu đạt được như: Tổng sản phẩm nội địa ước tăng 9,32% so cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 5.059 tỷ đồng, tăng 15,01%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ ước đạt 399,5 triệu USD, tăng 8,4%; tổng vốn đầu tư phát triển ước đạt 5.623,2 tỷ đồng, tăng 15,2%; tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 3.528 tỷ đồng và tổng chi ngân sách ước thực hiện 2.540,9 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 17.877 lao động; số hộ thoát nghèo ước đạt 2.713 hộ, đạt 62,7% kế hoạch năm; gọi công nhân nhập ngũ đạt 100%...
 
Mặc dù có sự tăng trưởng so với cùng kỳ, nhưng nhiều chỉ tiêu đạt dưới 50% kế hoạch năm.  Trước tình hình kinh tế khu vực và thế giới có hướng suy giảm, kết hợp các nguyên nhân nội sinh trong nước như: giá cả nguyên, nhiên vật liệu, lãi suất vay ngân hàng tăng cao, tỷ giá đồng USD biến động thất thường, dự báo sẽ có nhiều khó khăn cho việc thúc đẩy sự phát triển sản xuất kinh doanh từ nay đến cuối năm. Trước tình hình đó, UBND thành phố cũng đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm nhằm hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT-XH của cả năm (xem trích báo cáo của đồng chí Trần Văn Minh đăng trong số báo này).

Để cụ thể hóa các nhiệm vụ trên lĩnh vực thu, chi ngân sách, Giám đốc Sở Tài chính Lê Thị Hường trình bày những biện pháp quản lý, điều hành ngân sách 6 tháng cuối năm của UBND thành phố; trong đó nhấn mạnh các giải pháp nhằm tăng thu ngân sách năm 2008 từ 10% - 15% dự toán HĐND thành phố giao; đẩy mạnh tổ chức bán đấu giá công khai quỹ đất, quỹ nhà để phấn đấu tăng thêm 1 nghìn tỷ đồng.

Các ngành, địa phương phải thực hiện rà soát, có biện pháp cắt giảm hoặc tạm dừng các khoản chi chưa thật cần thiết, tiết kiệm chi tiêu hành chính để thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên. Các cơ quan chức năng thành phố tăng cường công tác thanh tra, giám sát và có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời những hành vi tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật được phát hiện trong quản lý, sử dụng tài sản, ngân sách của thành phố; đồng thời tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát giá cả trên thị trường thành phố, đặc biệt tập trung vào các mặt hàng thiết yếu...

Cùng với ý kiến phát biểu của đồng chí Bùi Công Minh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố về những tâm tư, nguyện vọng của cử tri bày tỏ trước thềm kỳ họp thứ 11 (xem trích đăng trong số báo này), Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương cũng đã trình bày việc giải quyết những vấn đề cử tri nêu lên tại kỳ họp thứ 10 và những kiến nghị của cử tri do Thường trực HĐND thành phố chuyển đến trước kỳ họp thứ 11.

Theo đó, trên lĩnh vực thủy sản-nông-lâm, UBND thành phố cho biết tiếp tục triển khai các dự án sản xuất rau an toàn; xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện chủ trương cấm chăn nuôi với diện tích dưới 20 mét vuông thông qua việc hỗ trợ gần 3 tỷ đồng trong năm 2007 và tiếp tục hỗ trợ trên 3 tỷ đồng trong năm 2008 để chuyển đổi ngành nghề. Thành phố cũng đã đưa vào sử dụng hệ thống nước sạch tại Đà Sơn, Khánh Sơn; hệ thống điện chiếu sáng khu dân cư Hòa Phát 4, đường Trần Hoành, đường Nguyễn Đình Chiểu; đưa vào sử dụng các tuyến đường Trần Phú, Phạm Nhữ Tăng...

Trước kiến nghị của cử tri về tăng giá đền bù đất nông nghiệp đồng bằng, UBND thành phố quyết định giữ nguyên mức giá 28 nghìn đồng/mét vuông nhưng hỗ trợ thêm 7 nghìn đồng mỗi mét vuông đối với những dự án mới; hỗ trợ thêm 10 - 20% giá trị bồi thường vật kiến trúc đối với các trường hợp chưa nhận bàn giao mặt bằng hoặc đã bàn giao mặt bằng nhưng chưa có đất thực tế trước tình hình giá cả tăng cao... Thực hiện chủ trương cấm lưu hành xe công nông, thành phố đã có chính sách hỗ trợ 3 triệu đồng đối với những xe có đăng ký. Ngoài ra, những vấn đề của cử tri nêu về ô nhiễm môi trường tại các bãi biển, của Bệnh viện Bình Dân, Công ty CP Dệt-may 29-3... cũng được giải đáp tại kỳ họp này.

Tại kỳ họp, các đại biểu cũng được nghe đại diện các Ban: Kinh tế-Ngân sách, Văn hóa-Xã hội, Pháp chế của HĐND thành phố báo cáo kết quả thực hiện công tác giám sát 6 tháng đầu năm (xem tổng hợp các báo cáo đăng trong số báo này); nghe Giám đốc Sở Nội vụ báo cáo kết quả thực hiện Nghị định 13-NĐ/CP và Nghị định 14-NĐ/CP của Chính phủ về việc sắp xếp, đổi tên và chuyển chức năng, nhiệm vụ của một số sở, ngành của thành phố.

 

Đến năm 2020, giá trị ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng 55,7%


Tại kỳ họp, Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư Phùng Tấn Viết đã trình bày tóm tắt Quy hoạch phát triển KT-XH thành phố đến năm 2020.
 
Theo đó, mục tiêu tổng quát là tiếp tục xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm KT-XH của miền Trung với vai trò là trung tâm dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về vận tải và trung chuyển hàng hóa trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính viễn thông và tài chính-ngân hàng; một trong những trung tâm y tế, văn hóa-thể thao, giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ cao của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước. Các mục tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội, môi trường đã được đặt ra trong giai đoạn này.

Trong đó, đến năm 2020, Đà Nẵng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế 12 - 13%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch sang dịch vụ-công nghiệp, xây dựng-nông nghiệp với tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm 55,7%; tỷ trọng GDP thành phố chiếm khoảng 2,8% GDP cả nước. Về xã hội, duy trì nhịp độ tăng dân số tự nhiên ở mức 1%; phấn đấu không còn tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng, không còn hộ nghèo.
 
Xây dựng Đà Nẵng trở thành “Thành phố môi trường” vào năm 2020 với 100% dân số nội thành và 90% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch sinh hoạt vào năm 2015; 100% nước thải công nghiệp và sinh hoạt được xử lý vào năm 2020...

 

N.THÀNH

;
.
.
.
.
.