.
KỶ NIỆM 61 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH-LIỆT SĨ (27-7)

Nỗi niềm Làng cách mạng

.

Khu di tích K20 trước đây là một mật danh căn cứ cách mạng của quận 3 thành phố Đà Nẵng cũ gồm các ấp Đa Phước, Nước Mặn, Mỹ Thị, Bà Đa, sau này nhập lại thành 2 thôn là Đa Mặn và Mỹ Đa thuộc phường Bắc Mỹ An, nay tách ra thành phường Khuê Mỹ.

Đây được xem như là cái nôi của cách mạng miền Nam trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc, nơi hoạt động của nhiều cán bộ lãnh đạo ở Quảng Nam-Đà Nẵng.

Miếu bà Nhiêu, nơi có 6 căn hầm bí mật nuôi giấu cán bộ cách mạng từ 1945-1975, giờ cỏ dại, hoang tàn.


Cả Làng cách mạng trước ngày giải phóng chỉ vỏn vẹn chưa đến 400 gia đình sống biệt lập giữa một cánh đồng mênh mông, vì thế trung tâm của Làng còn có tên gọi là “xóm mồ côi” nhưng “nhà nhà đều có hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ, người người đều làm cách mạng”. Vậy nhưng, khi khói lửa chiến tranh đã lùi lại sau hơn 30 năm, cái quá khứ hào hùng của một làng quê anh dũng đã và đang trôi vào dĩ vãng một cách lặng lẽ bởi những chứng tích lịch sử đang mai một; cảnh vật trở nên hoang tàn, đổ nát; còn những nhân chứng sống cũng đã bước vào tuổi “gần đất xa trời”!

Hiện trạng đổ nát

Dẫn chúng tôi tham quan Làng cách mạng là cụ Nguyễn Chê (84 tuổi) - một lão thành cách mạng và cô Huỳnh Thị Thơ (57 tuổi) - người mà mãi khi kết thúc cuộc tham quan tôi mới biết đó là một nữ chiến sĩ biệt động. Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Miếu bà Nhiêu mà theo lời giới thiệu của mọi người thì nơi này là nhà thờ của dòng tộc họ Nguyễn, nhưng lại có 6 căn hầm bí mật được nhân dân làng K20 đào để che giấu cán bộ quanh ngôi miếu cổ này.
 
Vậy nhưng, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi chứng kiến cảnh hoang tàn, lạnh lẽo ở đây; quanh ngôi miếu cổ cỏ dại mọc quá đầu người mà phải khó khăn lắm chúng tôi mới lách được vào trong. Chứng tích lịch sử bên trong cũng không còn gì ngoài một căn hầm không có nắp đậy; 5 căn hầm còn lại đã bị sụp lún qua thời gian và đến nay thì đã bị đám lau cỏ tấn công không để lại dấu vết gì.

Nếu không có tấm bia khắc dòng chữ “Nhà thờ bà Nhiêu đã đào được 6 hầm bí mật – là cơ quan của Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng từ năm 1945-1975”, dưới mở ngoặc “Di tích đã được đăng ký bảo vệ” thì lớp hậu sinh khó có thể hình dung đây là địa điểm nuôi giấu cán bộ chủ chốt của cách mạng trong vòng vây ráo riết của quân thù.

Đến căn hầm thứ hai ở nhà ông Huỳnh Trưng (75 tuổi), căn hầm được thiết kế dưới chân bàn thờ chạy dài khoảng 15m thông ra ngoài mép vườn phía cánh đồng, có lẽ do được giữ ngay trong nhà nên căn hầm vẫn còn chút dáng dấp của nó. Tuy nhiên, theo lời cô Thơ “thì đây là căn hầm đã được trùng tu lại vì căn hầm cũ đã bị sập, nhưng nó lại không bảo đảm được nguyên hình dáng của căn hầm cũ”. Những căn hầm khác cũng ở trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng như căn hầm An ninh quận 3 ở phía bụi tre nhà ông Kiểm, nay chỉ còn chút dấu tích là có một lỗ sụp vài phân của miệng hầm, còn lại hầu hết đều đã bị xóa sổ trong những trận lũ lụt.

Lòng người xót xa

Căn hầm bí mật ở chuồng heo nhà ông Nguyễn Lý, đã được cô Thơ và Ban liên lạc nhóm biệt động bỏ tiền túi tu sửa vào năm 2006 nhưng miệng hầm cũng bắt đầu xuống cấp do mối ăn.


Theo những tài liệu mà chúng tôi có được và cũng theo lời kể của cô Thơ, người trực tiếp đào những căn hầm bí mật đó thì Làng cách mạng ngày đó có đến 157 căn hầm bí mật, nằm rải đều từ trong nhà, trong vườn ra đến ngoài đồng; sau lũy tre làng; thậm chí ở cả dưới chân chuồng lợn... Thế nhưng, đến hôm nay chỉ còn lại 5 cái, đó là: 1 ở gốc đa nhà truyền thống K20; 1 cái ở nhà bà Hải; 1 cái ở nhà ông Trưng; 1 cái ở nhà ông Lý và 1 cái ở Miếu bà Nhiêu nhưng đều ở trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

Theo lời bác Huỳnh Trưng, người đào căn hầm bí mật ở bàn thờ gia đình thì “Hằng năm, Làng vẫn đón nhiều đoàn trong và ngoài nước tham quan di tích, nhưng hiện vật thì chỉ là những căn hầm ít ỏi còn sót lại nhưng đều đã rệu rã và xuống cấp”, khách tham quan cũng chẳng biết đi đâu cho hết giờ. Bởi vậy mà có lần những hướng dẫn viên du lịch của các đoàn thường nhờ bác kể chuyện về ngày xưa, về cái quá khứ hào hùng của làng như là một chiêu kéo dài thời gian cho khách tham quan.

Làng cách mạng vốn là vùng thấp trũng nhất trong địa bàn của phường Khuê Mỹ, vì thế hầu như năm nào ở đây đến mùa mưa lũ, cả làng đều bị nhấn chìm trong biển nước. Bởi vậy, theo bà Trần Thị Hồng, Phó Chủ tịch phường Khuê Mỹ, “việc sụp lở các hầm hào, công sự lịch sử là điều không tránh khỏi. Làng cách mạng cần một dự án tổng thể để quy hoạch, tu sửa lại tất cả, như thế mới mang tính chất lâu dài được, biết vậy nhưng ngân sách của phường thì quá hạn hẹp không thể kham nổi”.

Rồi đây, khi khu đô thị mới nam cầu Tuyên Sơn mọc lên, thế hệ “gạo cội” của làng cũng ra đi theo thời gian, Khu di tích K20 sẽ như thế nào trong mắt của lớp hậu sinh đang là những câu hỏi đầy xót xa của những người làm nên lịch sử Làng cách mạng.

Bài và ảnh: Lâm Thanh

;
.
.
.
.
.