.

Lên núi... học bơi

.

Ở tổ 3 Hòa Khương Tây, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, gia đình ông Nguyễn Cò đã bỏ ra gần 60 triệu đồng để xây dựng hồ bơi, phục vụ cho các em nhỏ nông thôn.

Bể bơi trên núi

Trẻ em đến học bơi tại bể bơi  gia đình ông Nguyễn Cò.

Cám cảnh trước cái chết đau lòng của mấy em nhỏ trong thôn Hòa Khương bởi những ao hồ, suối sâu những năm qua, ông Nguyễn Cò (70 tuổi) nhìn đàn cháu 15 đứa của mình mà rơm rớm nước mắt bởi bọn trẻ không có chỗ bơi lội. Thương cháu, ông bảo người con trai lớn: “Gọi máy xúc về đào hồ nước để làm bể bơi cho các cháu”. Ngay trong tháng 6-2006, một bể bơi  rộng 160m2 đã hoàn thành.

Trong thời gian công nhân đang đào hồ, ông Cò khăn gói vào tận Bình Dương tìm hiểu quy cách thiết kế xây dựng bể bơi. “Họ tư vấn cho tôi về thiết kế với cả chồng bản vẽ kỹ thuật. Tôi già rồi nhìn vô đó như nhìn bụi tre”, ông Cò nói. Vậy là ông nhảy xuống hồ, đo chiều cao, chiều dài… tất cả đều bằng bước chân và gang tay.
 
Quay về quê, ông cho xây hồ bơi có 3 chớn (mức) nước 1,75 mét, 1,5 mét và 0,8 mét dành cho mọi lứa tuổi. Tổng dung tích 160 m3 nước. Hồ bơi xây xong, 15 đứa cháu của ông thỏa thuê bơi lội sau các cuộc chơi đùa đẫm mồ hôi. Đám trẻ trong thôn hay tin ông Cò xây hồ bơi cứ xúm lại xem mỗi ngày và được ông Cò gọi vào cho tắm miễn phí. Để trông ngó bọn trẻ, ông Cò phân công vợ chồng người con trai cả là anh Nguyễn Sương trực và dạy bơi cho trẻ.

Hay tin ông Cò ở thôn Hòa Khương có hồ bơi, trẻ em và người lớn khắp làng trên, xóm dưới kéo đến tắm. Trẻ em ở các xã lân cận như Hòa Khương, Hòa Phong (Hòa Vang), Hòa Thọ Tây (Cẩm Lệ) cũng tìm đến “hồ bơi ông Cò”. Những ngày hè, hồ bơi ông Cò đón hàng trăm trẻ em đến vui chơi, bơi lội.

Sau gần 3 năm đi vào hoạt động, ông Cò nhận được tin vui khi các em nhỏ học bơi ở đây đã tham dự giải bơi lội toàn huyện Hòa Vang được tổ chức ngày 3-7-2008. Đội bơi lội “hồ bơi ông Cò” có 4 em đại diện cho trẻ em xã Hòa Nhơn đạt 5 giải thưởng cao với các cự ly 100 và 50 mét tự do, 50 mét bơi ếch ở 3 nhóm tuổi. Chứng kiến thành tích này, lãnh đạo huyện Hòa Vang đã phải trầm trồ ngợi khen: “Trẻ em miền núi mà bơi lội giỏi, đó là kỳ tích”.

Một cuộc đời đáng kính

Khuôn viên gia đình ông Nguyễn Cò.

Ở tuổi 70 nhưng ông Cò vẫn còn tráng kiện. Khi hỏi về con cháu, ông cho biết: “Cưới vợ xong, vợ chồng tôi sinh liền một mạch 11 đứa con gồm 9 trai, 2 gái”. Ông Cò nói thêm: “Tôi đi làm ăn, gặp hai trẻ mồ côi lang thang, thương chúng đem về nhà nuôi luôn”.

Thời bao cấp, lo được cái ăn cho đàn con là cả một sự gian truân mà bây giờ nhớ lại, ông Cò vẫn rùng mình. Thế nhưng các con ông Cò đều được học hành tử tế, nay 7 người con đã lập gia đình, phần lớn ở tại quê. Nhà ông Cò như một “nhà trẻ” với 15 đứa cháu nội ngoại. Ngoài việc trông cháu, ông Cò nuôi cá trong ao vườn nhà, mỗi năm thu hoạch cả tấn. Tuy nhiên, nguồn thu nhập của gia đình ông chính là đội xe vận tải hàng hóa, vật liệu xây dựng khắp vùng nông thôn Hòa Vang.

Việc ông già 70 tuổi xây hồ bơi cho trẻ em nông thôn làm nhiều người dân địa phương xúc động. Bể bơi trên núi của gia đình ông Cò là địa điểm sinh hoạt thể thao, vui chơi giải trí lành mạnh. Bây giờ chẳng ai còn xem ông Cò là người “chơi ngông”. Ông Cò nghẹn ngào nói: “Do đông con mà các con tôi đã phải bước qua tuổi thơ đầy cơ cực. Bây giờ chúng lập gia đình cũng hưởng ứng chủ trương sinh ít con thì bổn phận làm ông bà, làm cha mẹ phải nuôi dưỡng chúng thật tốt”.

Nhìn anh Nguyễn Sương (45 tuổi) trực ở hồ bơi, mải mê dạy bơi cho trẻ, rồi làm vệ sinh bể bơi hằng tuần, bơm thay 160m3 nước với việc vận hành 2 máy bơm suốt 18 giờ… cho thấy ở gia đình ông Cò luôn chứa chan lòng yêu trẻ dạt dào. 

Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG           

;
.
.
.
.
.