.

Ngao ngán xà bần

.

Có thể nói, đội quân đổ giá hạ (xà bần) không chừa một chỗ đất trống nào. Nơi nào dân cư, nhà cửa thưa thớt, nơi đó có giá hạ. Vùng đất ven các con đường Phạm Văn Đồng, Sơn Trà - Điện Ngọc, 3 tháng 2, Núi Thành... đều lâm vào cảnh quá tải giá hạ. Giá hạ tràn ra cả trục đường chính, tốc bụi vào nhà dân và người đi đường...

Mở cửa ra là “hứng” cát - bụi

Đống giá hạ cao ngăn tầm nhìn, tấp bụi cát vào nhà dân khi trời có gió.

Chỉ vào đống giá hạ (còn gọi là xà bần) to sụ ngay trước nhà, ông Nguyễn Thiện (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) giậm chân: “Làm sao nhà báo nói giùm bọn tôi, chứ người ta cứ mang giá hạ tới đổ hoài, ngày mô có gió là bụi cát bay vô chịu không nổi. Nhà tôi với mấy nhà quanh đây phải đóng cửa lại, trời nóng quá phải mở ra, mà mở ra là hứng trọn”. Cửa nhà ông Thiện hướng ra phía biển (đường Nguyễn Tất Thành), nhưng mở cửa ra không thấy biển, chỉ thấy đống đất đá, gạch vụn, xi-măng cao gần bằng cái nhà.
 
Nhiều đoạn khác ven đường Nguyễn Tất Thành cũng chịu “số phận” tương tự. Do giá hạ được đổ cách đây quá lâu (2-3 năm), nên có chỗ cây mọc um tùm, làm thành những “quả đồi” nhỏ. Một đoạn khác, cách UBND quận Liên Chiểu khoảng 500m, giá hạ trải dài gần cả 1km, thậm chí làm nghẽn cả lối xe lưu thông. Một người nhặt ve chai ở nơi này cho biết: “Chừ họ ít đổ hơn rồi, vì đâu còn chỗ nữa mà đổ”. Khi xe tải lớn nhỏ chạy ngang qua khúc này, bụi đường (do đường chưa trải nhựa - P.V) cộng với bụi giá hạ tung bay thành một “biển sương mù”, khiến người đi xe máy nếu không dừng lại thì cũng phải gồng mình gánh hết bụi cát.

Có thể nói, đội quân đổ giá hạ không chừa một chỗ đất trống nào. Nơi nào dân cư, nhà cửa thưa thớt, nơi đó có giá hạ. Vùng đất ven các con đường Phạm Văn Đồng, Sơn Trà - Điện Ngọc, 3-2, Núi Thành... đều lâm vào cảnh quá tải giá hạ. Giá hạ tràn ra cả trục đường chính, tốc bụi vào nhà dân và người đi đường. Tất tần tật những thứ thải ra từ một ngôi nhà cũ: gạch vụn, tôn rỉ, gỗ mục, thùng vỡ, kể cả... bàn ngồi vệ sinh đều được phơi bày ngay giữa phố. Nhiều người thấy “có đống gì to to”, nên tiện tay quẳng luôn bịch rác vào đó, khỏi “mất công” tới thùng rác.

Dân bó tay, chính quyền lắc đầu

Dù rất bức xúc, ông Nguyễn Thiện cũng không biết làm sao: “Người ta bảo “Đất của Nhà nước chứ đất chi của ông?”. Còn đống kia của “ông” công trình ở thành phố đào lên làm vỉa hè, ai mà dám nói ổng. Mấy lần tôi có trình bày với phường rồi, nhưng không thấy phường động tĩnh chi hết”. Có người, dù biết đích danh kẻ mang giá hạ tới đổ càn, nhưng vì quan hệ hàng xóm, nên thôi. “Tôi nói thì họ kêu tôi gay, họ kêu “Đất trống thì tôi đổ, tôi có đổ nhà bà đâu”. Tôi có làm căng quá thì họ đổ ban đêm, không lẽ tôi thức canh?”, bà Trần Thị Chín (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) ngao ngán. Không chỉ dân, mà ngay cả chính quyền địa phương cũng tỏ ra “vô phương”.

“Chúng tôi có cử người theo dõi, giám sát, nhưng họ hoạt động lén lút, lúc 1-2 giờ sáng thì không thể biết được”, Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê cho biết. Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, ông Đàm Quang Hưng cũng công nhận thực trạng “đổ ban đêm rồi bỏ chạy”, và hướng giải quyết được ông đưa ra: “Chúng tôi đã giao cho phường Hòa Minh (nơi có giá hạ nhiều nhất trong quận - P.V), Công an quận, lực lượng quản lý đô thị mai phục, bắt các đối tượng vi phạm. Đồng thời, làm việc với Ban Quản lý Dự án Liên Chiểu - Thuận Phước tiến hành trả lại mặt bằng thông thoáng trong thời gian tới. Quận cũng mong thành phố sớm cho thảm nhựa các trục đường, may ra họ sẽ bớt đổ”.

Đổ rồi dọn, dọn xong lại đổ

Một số nơi như UBND quận Liên Chiểu, Công ty Môi trường đô thị đã tổ chức dọn, thu gom giá hạ nhiều lần, nhưng đâu lại vào đấy, nay dọn, mai đống khác mặc nhiên “mọc” lên. Với hợp đồng xúc đổ giá hạ khoảng 220.000 - 250.000 đồng/xe tải 5m3, các chủ xe chẳng “dại” gì mà lặn lội vào tận bãi rác Khánh Sơn để đổ, vừa lỗ, vừa xa. Một người dân đang xây nhà ở Hòa Hiệp Nam, Liên Chiểu cũng phân trần: “Không lẽ tôi kêu xe bò mang giá hạ vào tận bãi rác cách đây hơn 20km, tiền đâu chịu cho thấu?”.

Trưởng phòng Kinh doanh  Công ty Môi trường đô thị, ông Trần Văn Tiên cho biết: “Công ty chúng tôi thường ra quân dọn vào các dịp lễ 30-4, 2-9, 29-3, thi bắn pháo hoa, các lễ hội... nhưng quả thật, khối lượng giá hạ trên địa bàn thành phố quá lớn, chúng tôi lại không có xe chuyên dụng (xe xúc, xe tải ben...), và chưa phối hợp được với các bên để có thể giải quyết hoàn toàn”. Theo ông, nếu Công ty Môi trường đô thị thắt chặt đối tượng xe bò, họ lại sẽ dùng “chiêu” khác: đổ luôn cát, đá vào thùng rác, hoặc cho vào bao, để bên cạnh thùng rác. Nhân viên môi trường vừa dọn rác, vừa khệ nệ ôm cả bao giá hạ có khi lên tới 70kg cho vào xe rác.

Trong khi các bên liên quan đang lúng túng trong việc giải quyết, thì giá hạ cứ ngổn ngang khắp chốn, lồ lộ giữa những con đường nội thị, đường du lịch, làm người dân và cả du khách đều “xốn xang” con mắt. Trước mắt, để dọn đi những núi rác khổng lồ này, có lẽ cần sự chung tay của cả cộng đồng dân cư...

 
ÔNG TRẦN VĂN TIÊN, TRƯỞNG PHÒNG KINH DOANH CÔNG TY MÔI TRƯỜNG ĐÔ THỊ: PHẢI QUẢN LÝ TỪ GỐC”


Hiện nay, có 2 địa điểm được thành phố cho phép đổ giá hạ: bãi rác Khánh Sơn và khu vực gần nhà thi đấu đa năng, còn một bãi ở Hòa Nhơn đang được xây dựng. Để giải quyết triệt để nạn đổ giá hạ bừa bãi, thành phố phải quản lý từ gốc.

Khi xây dựng các công trình lớn, chủ công trình đều được cấp giấy phép trong đó ghi rõ phải bảo đảm vệ sinh môi trường bằng cách cho đổ giá hạ ở các vị trí đã được quy định. Như vậy, địa phương phải giám sát chủ công trình, nếu giá hạ của họ được đổ sai vị trí, phải phạt nặng, buộc họ dọn và mang đi đổ đúng chỗ.
 
Thanh tra giao thông và chính quyền các cấp cần kết hợp, trực đêm hôm để xử lý nghiêm minh. Chúng tôi cũng kiến nghị thành phố nên quy hoạch chỗ đổ giá hạ thích hợp, đặt các thùng rác lớn từ 4-7m3, giao cho quận quản lý, để dân có chỗ đổ thuận tiện, cảnh quan đô thị cũng được bảo đảm.

 

Bài và ảnh: PHONG KHÁNH

;
.
.
.
.
.