.

Ngày hè lam lũ

.

Hè về, trong khi hầu hết  học sinh bỏ sách cũ, ôm quyển sách mới và tiếp tục đi học thì vẫn có một số em suốt chín mươi ngày không hề biết đến các lớp học hè.

Một mình với mùa hè

Khoảng 6 giờ sáng, khi toa cuối của đoàn tàu lửa vừa vút qua dưới hàng cây xơ-ri trước hiên nhà cũng là lúc cô bé Nguyễn Thị Anh Đào sửa soạn dắt xe ra đầu cổng để đi làm. Đó là chiếc xe đạp do các cô của em góp tiền mua tặng khi em bước vào năm học lớp 10. Từ tổ 9 Trung Nghĩa, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu xuống đến Trường THPT Thái Phiên cũng khá xa, tình nghĩa của các cô đã nâng đỡ em qua từng ngày đến lớp.

Hoa thỉnh thoảng phụ đẩy xe gạch để đỡ đần ba mẹ.

Cuối tháng 5 vừa rồi, nghe nói một doanh nghiệp ở Hòa Khánh tuyển công nhân dệt, em xin vào làm với mức lương học việc 800 nghìn đồng/tháng. Máy dệt khá cao, nhưng em dễ dàng làm quen với nó, phần nhờ tính cần cù, ham học hỏi, phần nhờ vào thể lực của mình – em là tiền đạo của đội bóng nữ nhà trường. Em nhẩm, với “thu nhập” trong 3 tháng mùa hè này, em có thể chuẩn bị mọi việc cho riêng mình để bước vào năm học mới, không phải đắn đo, suy nghĩ như những năm học trước.

Hè năm rồi, em về Hòa Liên, nơi mẹ em sống với người chồng sau, hằng ngày leo qua mấy ngọn đồi hái rau má, nắng cháy da nhưng mỗi ngày cao tay lắm cũng chỉ được 10 nghìn đồng. Hè trước nữa, em hết đứng quầy cho các hiệu sách lại quay sang ngồi tính tiền ở các quán Internet. Chắt chiu 3 tháng hè nhưng cũng chẳng vào đâu. Mỗi đầu năm học, em lại phải mượn sách cũ của các anh chị lớp trước, vở thì nhờ hai người dì chu cấp.

Ba má Đào chia tay nhau từ lúc em mới 3 tuổi. Ở với ông bà ngoại, lớp 3 em đã tập nấu cơm. Ông ngoại chạy xe thồ, bà ngoại làm bao bì, cuộc sống người già cũng chẳng dư giả gì. Em một mình với mùa hè, không tiền nên chưa hề biết đến không khí của những buổi học hè. Trong năm học, em chỉ học thêm mỗi môn Toán, đó là nhờ vào sự “tài trợ” hằng tháng 150 nghìn đồng của ba em. Năm rồi, em bị khống chế môn Lý nên không được xếp hạng học sinh tiên tiến. Với “thu nhập” từ mùa hè này, em hy vọng năm học tới sẽ khắc phục được điều đó.

Người ta học hè, mình làm... hè

Các thành viên CLB “Giúp nhau cùng tiến” thôn Giáng Đông đến nhà giúp các em gia đình khó khăn… học hè .


Cuối năm lớp 9 (ở Trường THCS Nguyễn Hồng Ánh, xã Hòa Châu), Từ Thị Thanh Hoa là 1 trong 9 học sinh giỏi của lớp, được Ban giám hiệu tặng danh hiệu “Học sinh nghèo vượt khó”. Ai cũng nghĩ, “chắc là con bé Hoa phải đi học thêm, học hè dữ lắm mới được như thế”. Đến thăm nhà Hoa ở tổ 3 thôn Giáng Đông, mới thấy chuyện không phải thế.

Căn nhà của ba mẹ Hoa vừa được xây lại từ các khoản hỗ trợ khắc phục cơn bão số 6 - Xangsane. Ba mẹ em, ngoài thời gian xuống đồng làm 7 sào ruộng, còn tranh thủ đi chở gạch thuê cho các hộ trong thôn, nhờ vào chiếc xe bò tích cóp sắm được mấy năm trước. Sau Hoa còn 2 em nhỏ nên mọi việc phụ giúp ba mẹ Hoa đều quán xuyến hết. Chuyện bếp núc, cắt rau, nấu cám heo... đối với con gái nông thôn là chuyện thường tình, nhưng riêng Hoa còn biết xuống đồng giặm mạ, sạ giống. Hè này, em còn thỉnh thoảng phụ đẩy xe gạch để đỡ đần ba mẹ. Mới hơn tháng hè, da em đã sạm nắng.

Đã thế, Hoa còn tham gia hầu hết các hoạt động hè do Chi đoàn thôn tổ chức, xem đó là sân chơi mùa hè của mình. Cả xóm, mỗi khi răn dạy con cháu đều đưa em ra làm gương. Hoa có một bạn học cùng lớp là Trần Thị Cẩm Hiền, ở thôn Quang Châu gần đó, cũng “không chịu” đi học hè. Ba Hiền mất, mẹ bị té gãy chân, đi lại rất khó khăn. Hiền phải dành ưu tiên cho người anh ruột năm nay thi vào đại học. Sáng sớm, em đi phụ dọn dẹp ở các lò giết mổ gia súc, chiều về giúp mẹ công việc nhà.

Em Huỳnh Thị Ngọc Ánh, cũng ở thôn Quang Châu, là con đầu của một gia đình có 3 chị em. Ba em bị tai nạn giao thông qua đời hồi trước Tết vừa rồi, bốn mẹ con mất nơi nương tựa, mất nguồn thu nhập chính. Mẹ em có một xe bán bánh mì dưới chợ Miếu Bông, 6 giờ 30 sáng em đã xuống giúp mẹ. Đến gần trưa, em phải về trước để nấu cơm và cho các em ăn.

Mùa xuân trong mùa hạ

Vì nhiều nguyên nhân, hiện có một số trẻ em không có một mùa hè bình thường như các trẻ khác. Nhiều em như em Anh Đào phải một mình bươn chải để lo cái ăn, cái học cho chính mình. Địa phương muốn xếp em vào danh sách trẻ mồ côi để hỗ trợ cho em được nhiều hơn, nhưng xét cho cùng thì em cũng chẳng phải mồ côi. Sự lúng túng này sẽ được tháo gỡ nay mai, theo lời ông Trương Quang Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN, Chủ tịch Hội Khuyến học phường Hòa Minh: “Chúng tôi sẽ vận động Công đoàn phường hoặc một doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn cấp học bổng, trước mắt là hai năm còn lại của bậc THPT để giúp em Anh Đào yên tâm đến lớp”.

Ở nông thôn, có nhiều em hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, không thể đi học hè được. Chị Trần Thị Hạ, Bí thư Chi đoàn thôn Giáng Đông, xã Hòa Châu chia sẻ: “Chi đoàn có CLB Giúp nhau cùng tiến, tùy theo chuyên môn của mình, các thành viên phân công nhau đến từng nhà các em để kèm cặp, động viên, hướng dẫn các môn mà các em còn yếu. Điều này đã phần nào bù đắp được kiến thức để các em chuẩn bị vào năm học mới”.

Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê/ Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ. Gần 70 năm trước, nhà thơ Xuân Tâm đã nhảy chân sáo bằng những câu thơ ngợi ca thời gian thăm thú ngày hè. Giờ, do xu thế thời đại, trẻ con không được nghỉ hè, chơi hè đã đành, nhưng một số em phải đi làm... hè thì quả là đáng thương tâm.  Để các em thực sự có một “mùa xuân trong mùa hạ”, trách nhiệm thuộc về toàn xã hội.

VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.