Ở vào độ tuổi của người viết bài này, các chị đã ngang dọc chiến trường chuyển thương, tải đạn. Tuổi xuân qua đi, giấc mơ thời con gái trôi theo bom đạn. Để rồi giây phút tưởng bình yên sau bao hy sinh mất mát lại chịu nhiều gian truân....
Trong quá trình thực hiện bài viết nhân Ngày Truyền thống của lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP), những thông tin tôi có được từ các cựu TNXP Đà Nẵng dường như luôn có cái tên Phạm Thị Hát kèm theo. Và chính cái tên cứ lặp lại này khiến chúng tôi phải tìm đến nhà chị Hát để hiểu vì sao đồng đội luôn dành cho chị sự cảm thông, yêu thương.
“Cắt” và “ngâm” kỳ cục!
“Không chồng”, thông tin ban đầu về chị chỉ có thế. Từ đường cái chính rẽ vào nhà chị Hát cách vài chục mét, nhưng trái với vẻ náo nhiệt của làng đá Non nước là một xóm nhỏ vắng vẻ rặt thôn quê (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn).
Bước vào nhà chị, khu vườn chợt như quá rộng, vài cây cỏ lưa thưa buồn tẻ thiếu sự chăm sóc. Nếu đồng đội lâu ngày không gặp chị Hát hẳn sẽ khó nhận ra chân dung một phụ nữ sinh năm 1953 nhưng lại mang vóc dáng của một người cao tuổi héo hắt. Tóc lòa xòa, chân trần thô ráp, đôi bàn tay to bè, thân hình gầy nhom và thở dốc, chị không còn sự linh hoạt của một nữ TNXP ngày nào. Duy chỉ có đôi mắt tạo ấn tượng nơi chúng tôi hình ảnh về những cựu nữ TNXP. Đôi mắt ấy có sức ám ảnh đến lạ lùng. Những ánh mắt luôn hướng thẳng vào người đối diện đầy chân thành nhưng sao quá đượm nỗi niềm.
Cựu nữ Thanh niên xung phong Phạm Thị Hát chỉ biết khóc cho những éo le khi bị cắt hết trợ cấp một cách khó hiểu. |
Câu chuyện lần hồi đưa chúng tôi trở về những năm 1988, khi Phạm Thị Hát đi TNXP và về lại quê nhà với hai bàn tay trắng: “Tôi che tạm cái chòi ngoài bờ sông để ở. Mãi đến năm 2005, Nhà nước cho 8 triệu đồng, tôi vay thêm 7 triệu đồng mới cất được ngôi nhà mới”. Tưởng thế là đủ cho phận đàn bà không chồng, nuôi con ăn học. Nhưng căn bạo bệnh liên hồi đã “bứt” chị khỏi chính ngôi nhà trống trải của mình. “Điện không có, nước không có.
Kêu thợ thì không đủ tiền mà đàn bà ốm yếu biết làm chi được. Mái tôn dột hết nhưng cũng chẳng có sức ai lên lợp. Cuối cùng phải quay về với mẹ”, chị kể và lại rơi nước mắt. 7 năm, chị Hát phẫu thuật 3 lần, cắt hết một quả thận. Huyết áp lúc nào cũng ở ngưỡng 180 nên “té lên té xuống”. Đến khi kể về đứa con đang học phổ thông, gương mặt chị Hát lại hằn thêm nỗi khắc khổ: “Một bộ sách bữa ni tới mấy trăm ngàn. Chuẩn bị vào năm học, cháu mới xin về hai bộ áo dài cũ đang sửa lại cho vừa”.
Cách đây một tháng chị bị tai nạn giao thông nên sức khỏe gần như cạn kiệt, đi bất kỳ đâu cũng phải mang theo thuốc. Người mẹ già 84 tuổi trở thành chỗ dựa sớm hôm cho đứa con 55 tuổi. May mà tuy tuổi cao nhưng sức bà còn dẻo dai, minh mẫn và hóm hỉnh nên có thể dìu con gái qua bao tháng ngày lao đao. Phương tiện kiếm sống của ba bà cháu chẳng có gì ngoài việc bắt ốc, hái rau. Gia tài của chị Hát là hai tấm Huân chương Chiến công và Kỷ niệm chương TNXP được treo trân trọng trên tường.
Điều đáng buồn là hiện nay chị Hát không nhận được bất kỳ sự trợ cấp nào. Số tiền 150.000 đồng/tháng (nguồn thu nhập quan trọng của gia đình chị) do UBND phường Hòa Hải cứu trợ thường xuyên cũng đột nhiên bị cắt. Vài lần lên phường hỏi han, chị vẫn chưa biết lý do vì sao. Thêm vào đó, hồ sơ của chị cùng với 12 đồng đội thuộc diện được nhận trợ cấp một lần (1,5 triệu đồng) theo Quyết định 104 của Chính phủ cũng bị “ngâm” tại Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng. Chị cứ “ngó chừng chừng” mà… chẳng thấy. Đồng đội chạnh lòng: “Ngày ra đi có nghĩ gì hưởng lợi mai sau…”.
|
Thu Hoa