.

Nghề làm dâu trăm họ

.

Xã hội càng phát triển, nhu cầu của con người ngày càng cao, kéo theo đó là  những dịch vụ nhằm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng cũng được mùa nở rộ. Nhưng mấy ai biết được rằng, đằng sau những nụ cười mời chào khách là biết bao nỗi nhọc nhằn của nghề
làm dâu trăm họ.


Hoa cũng như con người

Để có được những bông hoa luôn rực rỡ phục vụ cho các “thượng đế”, những người làm nghề như anh Hùng, chị Na đã phải bỏ không ít công sức.

3 giờ sáng, anh Hùng, chủ shop Hoa tươi Ngọc Liên trên đường Trần Phú cùng vợ và nhân viên trong quầy thức dậy để đón chuyến hàng đầu tiên trong ngày. Từ trên chiếc xe tải, những bó hoa mang thương hiệu Đà Lạt Hasfarm được chuyển xuống với đầy đủ các chủng loại, màu sắc. Hoa nhập về được kiểm tra cẩn thận, những bông bị dập và rụng cánh sẽ được loại ra bán lẻ với giá rẻ hơn, những bông đẹp còn lại dùng để cắm lẵng theo yêu cầu của khách hàng.
 
Theo nghề bán hoa tươi đã được 20 năm, anh Hùng quý từng bông hoa không chỉ bởi chúng là miếng cơm manh áo của cả gia đình, mà theo anh, tìm hiểu về hoa cũng là một thú tiêu khiển rất bổ ích. Đôi lúc những bông hoa đẹp sẽ đem đến cho người ta cảm giác thanh thản giữa những bon chen, nhọc nhằn của cuộc sống. Theo lời anh Hùng, trước đây chủng loại hoa không phong phú và đẹp như bây giờ; chủ yếu là hoa hồng, thược dược, hướng dương được lấy từ quận Sơn Trà. Người mua cũng chỉ mua lẻ, từng bông từng bó vừa phải (chỉ từ 10 đến 20 ngàn đồng).

Nhưng đến nay, nghề bán hoa tươi đã được nâng lên tầm dịch vụ ăn nên làm ra với hàng loạt cửa hàng có quy mô lớn nằm chủ yếu trên đường Trần Phú (với khoảng 20 shop hoa). Theo anh Hùng, cái khó nhất của nghề dịch vụ hoa tươi là làm sao giữ cho hoa luôn được tươi mới, vì hoa có đẹp mới bán chạy. Ngoài ra, còn phải đa dạng về chủng loại và nhất là phải có những cách cắm mới lạ, bắt mắt. Chia sẻ một chút kinh nghiệm cho chúng tôi, chị Nguyễn Thị Na, nhân viên ở quầy hoa Huỳnh Khôn trên đường Trần Phú nói: “Hoa lấy về không thể để quá 2 ngày.

Để  bảo đảm cho hoa luôn được tươi mới, ngoài việc thường xuyên tưới nước còn phải cẩn thận, nhẹ nhàng khi di chuyển. Nhiều lúc chăm sóc hoa mà có cảm giác như đang chăm bẵm cho những đứa bé vậy”. Có lẽ nếu không yêu hoa, không quý hoa thì không thể đủ kiên nhẫn để thực hiện tốt những công đoạn tỉ mỉ như trên. Không chỉ có nỗi khổ phải chăm hoa mà với những người làm “dâu trăm họ” như anh Hùng, chị Na thì khổ nhất vẫn là làm sao chiều cho được các “thượng đế”.

Nỗi niềm nghề làm dâu trăm họ

Nhắc đến khách hàng, anh Hùng than thở: “Phục vụ khách bây giờ khó lắm em ơi! Ngày xưa, mình cắm sao họ cũng bằng lòng. Bây giờ chiều theo ý khách đã đành, còn phải làm sao cho hợp “mốt” nữa”. Khách đến mua sỉ, lẻ, bó hay lẵng đều có cả, tùy theo yêu cầu của khách”. Cắm hoa phải hợp “mốt”, nghe có vẻ lạ nhưng đó lại là xu thế chung của nghề dịch vụ hoa tươi đang trên đà phát triển rầm rộ với sự cạnh tranh không hề nhỏ.
 
Cứ tưởng rằng đơn giản nhưng hỏi ra mới biết, để cắm được một lẵng hoa, bó hoa theo ý của khách là cả một quá trình tìm hiểu và thực hành. Như, cắm hoa đám tang thì lựa chọn tối ưu nhất vẫn là hồng trắng và cúc; trong khi đó hoa hội nghị lại phải rực rỡ và toát lên vẻ sang trọng, 2 loại thường được dùng là hoa ly, hồng… Là người mang cái đẹp đến cho mọi người, nhưng chính họ lại gặp phải những điều “không đẹp” trong nghề. Chị Na chia sẻ: “Mình là người bán nên rất cần người mua. Quầy có khách đến là vui lắm, nhưng có nhiều người thái độ rất khó chịu.
 
Họ không hiểu gì về hoa, không biết cách phối hợp loại nào với loại nào cho đẹp nhưng cứ bắt mình làm theo. Nhiều lúc đành chiều ý khách mà làm xấu đi bó hoa, biết là tiền người ta nhưng bình hoa cũng là từ tay mình làm ra nên thấy tiếc. Nhưng, sợ nhất là nhiều người lựa hoa mà cứ lôi ra bỏ xuống ào ào làm hư hoa. Nhìn mà xót”. Từ bao đời nay hoa luôn được xem là kết tinh hoàn hảo của trời đất, con người lại được ví như hoa, nên chăng biết tôn trọng và nâng niu hoa cũng chính là tôn trọng và đề cao giá trị của con người.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.