.

Người nắn những dấu hỏi trầm...

.

Ông chưa bao giờ được nêu danh trong các hội nghị biểu dương người làm tốt công tác chính sách thương binh-liệt sĩ, nhưng trong anh linh của 320 liệt sĩ nằm lại suốt dải đất miền Trung này cũng như tấm lòng hàng nghìn thân nhân của họ, ông luôn hiện diện như một ân nhân.

Trong gần 25 năm qua, ông miệt mài ngồi uốn những dấu hỏi trầm lắng bên danh sách những liệt sĩ trở thành những nén hương thơm thẳng thớm, dẫn lối những anh linh quên mình vì nước về với họ hàng, bản quán quê hương...

Ông Trần Ngọc Thâm vẫn đau đáu vì còn nhiều thân nhân liệt sĩ chưa nhận được thông tin quý giá mà ông cung cấp.

Trong căn nhà nhỏ quay mặt về hướng đông giữa khu phố trầm tĩnh như là một làng quê nước Việt nào đó ở khối Thành Vinh 2B, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Trung tá về hưu Trần Ngọc Thâm lặng lẽ giở từng bức thư; có bức đã úa màu thời gian, có bức còn mới tinh tươm nồng thơm mùi giấy mực... Tất cả đều có một nơi đến, nhưng nơi xuất phát lại là một địa danh nào đó ngoài miền Bắc xa lơ xa lắc, mà hơn 33 năm trước luôn là hậu phương lớn của chiến trường miền Nam đầy khói lửa oanh liệt. Ông trân trọng lần giở từng bức thư ấy, bởi ở đó luôn nặng trĩu những nỗi niềm cắt chia-những lát cắt nhói tim gan bao người thân đau đáu khi người ra tiền tuyến không về.

“Hà Nội, ngày 18-5-1997. Chú Thâm kính mến! Qua thư, chỉ dẫn của chú, cháu và chú Toàn cháu đã tìm được mộ và hài cốt của chú cháu là Liệt sĩ Nguyễn Hữu Triện, an táng tại xã Hòa Lương, nay là xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng... Ngày 15-5, hai chú cháu nhà cháu đã đưa được hài cốt của chú Triệu về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Từ Liêm, Hà Nội với sự chứng kiến và viếng thăm, tiễn biệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Hội Cựu Chiến binh cùng đoàn thể và thân quyến, tiễn biệt người đồng chí, người thân đã hoàn thành nhiệm vụ không tiếc thân mình nay được gia đình quy tụ về an táng tại quê nhà qua tin báo của đồng đội... Cuối thư cháu xin chúc chú và gia đình luôn luôn mạnh khỏe, công tác tốt, tiếp tục làm các việc từ thiện, cung cấp thông tin về các liệt sĩ đã hy sinh cho người thân để họ sớm được quy tụ về các nghĩa trang liệt sĩ quê nhà...”.

Đọc xong mỗi lá thư hồi âm như thế, ông lại lặng thầm ghi chú “đã đến mộ”, hoặc “đã dời mộ” vào bên cạnh danh sách những liệt sĩ trong cuốn sổ đã úa vàng theo thời gian trong suốt gần 25 năm qua. Cuốn sổ dù được trân trọng nâng niu mỗi khi ông giở lật từng trang nhưng cũng bén dấu nhàu nát. Cũng cẩn trọng như thế, ông trèo lên ghế, vươn cánh tay khẳng khiu rón rén lấy từ trên bàn thờ, mà ông gọi là bàn thờ “Tổ quốc-Tổ tiên và Tổ ấm” của mình xuống một cuốn sổ bọc bìa da màu đen còn mới. Trong ấy, là danh sách các liệt sĩ được ông sao chép lại một cách cẩn thận, nắn nót từ cuốn vở học sinh đã úa vàng. Từng dòng về 320 liệt sĩ trong suốt cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ ở dải đất miền Trung-Tây Nguyên máu lửa khốc liệt, được ông xếp theo địa chỉ tỉnh, thành lần lượt hiện ra.

Trước cái nhìn ngạc nhiên của người đối thoại, như dấu hỏi về căn nguyên của một danh sách khá dài với những dòng thật chi tiết như: họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, ngày nhập ngũ, đơn vị, nơi hy sinh và chôn cất, tên tuổi và địa chỉ người thân khi cần báo tin..., vị trung tá về hưu đã qua từ lâu cái tuổi “thất thập cổ lai hy” vẫn rành rọt  những hồi ức về cơ duyên lưu giữ những thân phận mỗi anh hùng liệt sĩ để người ta hiểu thêm một chút ngọn nguồn. Dường như cái “máu” của một người làm công tác tình báo quân đội về sự chỉn chu, cẩn thận cộng thêm những dự cảm tâm linh nào đó, đã khiến cho ông-một cán bộ chuyên trách giải quyết chính sách quân đội của Quân khu 5 từ năm 1970, đã cẩn trọng sao chép, lưu giữ những thông tin quan trọng về những liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh vì thống nhất đất nước và trường tồn dân tộc.
 
“Lúc đó, do bí mật quân sự, những thông tin về liệt sĩ chỉ được ghi vào các phiếu B., còn thông tin báo về gia đình thì ghi một cách rất chung chung là hy sinh ở mặt trận phía Nam hay mặt trận phía Tây... Chính sự chung chung đó đã làm cho thân nhân các gia đình liệt sĩ không có được những thông tin cụ thể về nơi hy sinh, chôn cất... để tìm đến sau ngày thống nhất. Năm 1976, với cương vị của mình, tôi tham mưu bàn giao hài cốt, hồ sơ... liệt sĩ từ phía các đơn vị quân đội cho chính quyền địa phương tiếp quản đưa vào Nghĩa trang liệt sĩ và lập hồ sơ quản lý. Thế nhưng, lúc đó hòa bình mới lập lại, đất nước đang còn khó khăn bộn bề, không có kinh phí nên mãi đến năm 1978 các địa phương mới tổ chức lập bia mộ liệt sĩ. Nhưng tại một số địa phương, hồ sơ bị thất lạc,  mối xông... nên nhiều bia mộ đành phải ghi dòng chữ liệt sĩ vô danh. Nhiều gia đình, cho đến hôm nay vẫn chưa tìm được mộ liệt sĩ là do rơi vào những trường hợp như thế!” - Giọng ông đau đáu một nỗi niềm như là gánh nặng của một phần giai đoạn lịch sử đang chìm đâu đó tận đáy lòng.

Lúc đã sắp đến tuổi về hưu, nhiều đêm không ngủ, ông nằm trằn trọc mỗi khi trên Đài Tiếng nói Việt Nam vang lên những dòng nấc nghẹn của người thân nhắn tìm bia mộ, thông tin về những liệt sĩ đã ngã xuống, dù chiến tranh đã đi qua ngót chục năm trời. Cái đau đáu, dằn vặt ấy bỗng phút chốc sáng lên trong ông một ý tưởng: Tại sao không chuyển những thông tin “ngàn vàng” mà mình có được ấy cho những người thân của họ? Thế rồi, từ năm 1984, ông cặm cụi ngồi ghi từng dòng thư, trong đó có những thông tin quý giá và cụ thể ấy về cho Văn phòng Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tại “Phố nhà binh” Lý Nam Đế, Hà Nội, để từ đó thông tin về cho thân nhân gia đình liệt sĩ. Thế nhưng, do bộn bề công việc hay vì những nguyên nhân nào khác, quá ít những thông tin ấy đến được với gia đình. Ông lại cặm cụi miệt mài ghi thư đến cho Đài Tiếng nói Việt Nam. Những dòng thư sau đó tới tấp gửi về, làm ông ngậm ngùi, rưng rưng vì cuối cùng, nhiều người thân đã biết những anh linh bao lớp người từ miền Bắc “hậu phương lớn” đang “đỗ” ở bến nào nơi miền Nam xa xôi.
 
Ông lại tận tụy chỉ vẽ từng đường đi, từng cách tìm sao cho hiệu quả nhất, bởi theo tháng năm con tạo xoay vần, những vùng đất, địa danh thay đổi khá nhiều cùng với sự hồi sinh thay da đổi thịt trên mảnh đất đạn bom từng cày nát năm xưa. Ông đón nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ đến nỗi, bây giờ ra Ga Đà Nẵng, hỏi cánh xe ôm, ai cũng biết “ông già” Trần Ngọc Thâm nhà ở đâu, chở đến đó bao nhiều tiền công... nữa kia. Ông đón họ như đón người ruột thịt đi tìm một phần máu xương của anh em mình còn gửi lại trong mỗi cánh rừng, bờ suối, động cát... suốt dọc miền Trung buốt nắng này.
 
Ông trầm giọng khi người đối thoại muốn hỏi chuyện ông không cảm thấy mệt mỏi và tốn công sức sao, khi một phần tư thế kỷ qua đã lặng thầm làm công việc “nối dây” ấy mà chưa được ghi công: “Tôi cũng là người lính, đã từng gửi một phần máu xương trên chiến trường Quảng Nam, Tây Nguyên, Thừa Thiên-Huế trong hai cuộc kháng chiến cũng như trên chiến trường đất bạn, nhưng tôi vẫn còn được ngày trở về sum họp với gia đình. Lại nữa, 10 năm trời, những người mẹ miền Bắc đã đùm bọc, nuôi nấng, dạy dỗ tôi khi chập chững ra ngoài đó tập kết. Nên làm được gì đó cho người đồng đội đã ngã xuống, tôi cũng như ai, chẳng nề hà chi mà lại thấy ấm lòng!”.

Rồi đôi mắt ông chợt hoe đỏ khi run run lần giở cuốn sổ úa vàng ghi danh liệt sĩ của mình. Trên đó, vẫn còn những dấu hỏi to tướng-mà có thể mường tượng được ông dằn vặt lắm khi đặt xuống bên lề. 50 dấu hỏi ấy là biết bao nhiêu lần, ông gửi thông tin đi mà chẳng nhận được hồi âm, nên không biết anh linh giờ đã ở phương nào. “Nguyễn Văn Lương, số 44, phố Nguyễn Khắc Hiếu, Ba Đình, Hà Nội. Nhập ngũ tháng 4-1968, đi B tháng 12-1968. Đơn vị: C13, D17, E 38, Sư đoàn 2. Hy sinh ngày 10-9-1969 tại thôn 2, Lộc Phước, Đại Lộc, Quảng Nam. Mẹ là Trần Thị Tính”. Nguyễn Triệu Bình, sinh năm 1945. Số nhà 59, phố Đội Cấn. Nhập ngũ  tháng 2-1964, đi B tháng 10-1969. E 38, Sư đoàn 2, cấp bậc: Trung sĩ, chức vụ: A trưởng. Hy sinh ngày 1-1-1972 trong trận chiến đấu tại núi Lớn, Phước Lâm, Tiên Phước, Quảng Nam. Cha là Nguyễn Văn Tam”...

Ông đặt quyển sổ lên bàn thờ “Tổ quốc-Tổ tiên và Tổ ấm” rồi thành kính thắp những nén nhang trầm, như khấn niệm nguyện cầu được góp tay uốn những dấu hỏi đau đáu còn in trong cuốn sổ kia, thành những gạch nối thẳng những hương hồn liệt sĩ đến với người thân của họ, đang ở đâu đó nơi phương trời xa xôi.

Khi tháng Bảy lại về...

NGUYỄN THÀNH

;
.
.
.
.
.