(Trích phát biểu của đồng chí BÙI CÔNG MINH, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng)
Qua tổng hợp của Mặt trận Tổ quốc thành phố, cử tri bày tỏ hoan nghênh những chủ trương kịp thời của lãnh đạo thành phố để giải quyết những biến động của tình hình kinh tế, bình ổn giá cả thiết yếu, đặc biệt là kiềm chế hậu quả cơn “sốt” gạo trên thị trường Đà Nẵng vừa qua. Vấn đề có ý nghĩa phương pháp ở đây là chúng ta đã bước đầu sử dụng chính công cụ thị trường để giải quyết những đột biến của thị trường, một vấn đề rất mới mẻ khi chúng ta bước vào sân chơi lớn của thời kỳ hội nhập.
Cử tri cũng ghi nhận những cố gắng trong chỉ đạo điều hành của UBND trong điều kiện thành phố chịu tác động mạnh của tình hình lạm phát diễn biến phức tạp, nhờ đó kinh tế thành phố trong 6 tháng đầu năm vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2007. Các hoạt động y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, vệ sinh an toàn thực phẩm đã được quan tâm chỉ đạo, nhất là chúng ta đã có biện pháp ngăn chặn không để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn thành phố. Các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí vẫn được các cấp chính quyền tổ chức thường xuyên.
Đáng chú ý là sự kiện Hội thi bắn pháo hoa quốc tế lần đầu tiên tổ chức tại Đà Nẵng đúng vào dịp kỷ niệm 33 năm Ngày giải phóng thành phố đã đem đến sự hưởng thụ văn hóa công bằng cho tất cả mọi người dân, và đây cũng là sự gợi ý quan trọng để chúng ta tiếp tục có cách làm thích hợp nhằm đưa các hoạt động văn hóa, văn nghệ đến gần với người dân hơn nữa. Các lĩnh vực quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn được giữ vững.
Tai nạn giao thông đường bộ giảm đáng kể trên cả 3 mặt: số vụ, số người chết và bị thương. Công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cải cách thủ tục hành chính và môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện theo hướng minh bạch, thu hút được các nhà đầu tư. Nhìn chung những ý kiến kiến nghị của cử tri phản ánh tại kỳ họp trước được các cấp, các ngành quan tâm giải quyết và đã có văn bản trả lời cụ thể.
Bên cạnh sự ghi nhận những kết quả đã đạt được, cử tri thành phố cũng gửi gắm đến kỳ họp nhiều kiến nghị và tâm tư, chúng tôi xin phản ánh một số nội dung chính dưới đây. Về tình hình đời sống các tầng lớp nhân dân, có thể nói vấn đề mà cử tri quan tâm và lo lắng nhất là vấn đề lạm phát và giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tăng quá cao. Mặc dù Nhà nước đã quyết định tăng 20% mức lương tối thiểu nhưng trên thực tế, việc tăng lương không theo kịp tốc độ tăng giá của các loại hàng hóa. Hơn nữa, một bộ phận đông đảo những người nghèo đang sống đắp đổi bằng lao động tạp vụ không thuộc diện làm công ăn lương.
Vấn đề mà cử tri mong mỏi hiện nay là các giải pháp cụ thể nhằm giữ thị trường ở mức bình ổn, ít biến động, nhất là đối với các mặt hàng bảo đảm đời sống tối thiểu cho người lao động. Hiện nay, trong cơ chế thị trường, thực tế đã phân ra các nhóm lợi ích không giống nhau. Điều mà đại đa số cử tri thấy cần giải quyết là phải hài hòa các nhóm lợi ích, đặc biệt phải hướng tới chăm lo lợi ích của người lao động nghèo.
Về công tác giải tỏa đền bù và bố trí đất tái định cư, cử tri ghi nhận sự chỉ đạo khá tập trung và kiên quyết trong thời gian đầu năm 2008 vừa qua nhằm thực hiện Nghị quyết số 56/2007/NQ-HĐND đã được thông qua trong kỳ họp cuối năm ngoái. Hiện nay, chúng tôi đã có những số liệu cụ thể về số hộ giải tỏa bàn giao mặt bằng từ các năm 2004, 2005, 2006, 2007, kể cả quý 1 năm 2008 đã được bố trí tái định cư, tuy nhiên, từ nay đến cuối năm chúng tôi đề nghị Hội đồng có sự giám sát chặt chẽ hơn nữa để làm sao số hộ dân chưa được bố trí đất tái định cư thực tế phải có đất ổn định, bảo đảm thực hiện được yêu cầu: “Các hộ bàn giao mặt bằng thì chậm nhất sau hai năm phải bố trí đất tái định cư thực tế, xử lý trách nhiệm các đơn vị chậm bố trí đất tái định cư theo thời hạn trên” (Trích NQ 56/2007/NQ-HĐND).
Nhất là đối với diện hộ nghèo, hiện nay Quỹ Vì người nghèo thành phố đã có kế hoạch phân bổ kinh phí hỗ trợ xây nhà tình thương để hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra nhưng do một số bà con trong diện này chưa được bố trí đất tái định cư nên tiến độ không bảo đảm, nhất là trong hoàn cảnh giá vật tư, nguyên liệu tăng quá cao, quá nhanh và mùa mưa bão đang tới gần.
Về vấn đề ô nhiễm môi trường, cho đến kỳ họp này, vẫn đang là vấn đề bức xúc. Cử tri các địa phương thuộc quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ vẫn tiếp tục phản ánh về tình trạng sức khỏe bị ảnh hưởng do tác động trực tiếp của môi trường bị ô nhiễm tại một số khu vực do chất thải rắn của các cơ sở y tế, ô nhiễm do hệ thống nước thải dọc bãi biển, ở các trục đường sắt và quốc lộ thuộc phường Hòa An, Hòa Phát, các đầm ao phía tây Sân bay Đà Nẵng; nước thải từ các khu công nghiệp, khói bụi của các nhà máy thép, nhà máy xi-măng, nhà máy mạ kẽm thuộc quận Liên Chiểu, v.v…
Mặc dù thành phố đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan giải quyết, nhưng qua theo dõi và phản ánh của nhân dân thì dường như đây chỉ là những giải pháp phần “ngọn”, cử tri yêu cầu thành phố phải có những giải pháp căn cơ, triệt để giải quyết cái “gốc” của tình trạng ô nhiễm môi trường, tất nhiên như vậy là phải tốn kém, nhưng về lâu dài, để giữ được thương hiệu của một thành phố du lịch, phải đầu tư từ hôm nay. Trước mắt, cử tri một số nơi bị ô nhiễm kiến nghị thành phố cho kiểm tra để có biện pháp cụ thể giải quyết vấn đề nguồn nước sinh hoạt, sớm đưa nguồn nước thủy cục đến các khu dân cư tại những khu vực này…
Về vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm, tuy hiện nay chúng ta chưa có hiện tượng dịch bệnh lây lan nhưng tình trạng các nhà hàng, quán ăn, quán cóc trên các vỉa hè mọc lên quá nhiều ở các khu vực Tượng đài, dọc đường Phạm Văn Đồng, Nguyễn Tất Thành, các bãi biển, một số tuyến đường trung tâm thành phố… nếu cơ quan chức năng không kiểm soát được vấn đề thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm thì đây cũng là nguy cơ dẫn đến tình trạng dịch bệnh xảy ra, nhất là trong mùa hè này.