.

Nhọc nhằn... những ngày nông nhàn

.

Trên những cánh đồng của huyện Hòa Vang, các phường thuần nông Hòa Hải, Hòa Quý thuộc quận Ngũ Hành Sơn, ruộng lúa đã trải đều một màu xanh mơn mởn. Thời điểm này là lúc người nông dân nhàn hạ ngồi chờ một vụ mùa sắp tới.

Tuy nhiên, tranh thủ lúc rảnh rỗi, những người phụ nữ nhà nông không để đôi tay mình ngơi nghỉ, họ lên thành phố tìm kế mưu sinh bằng các nghề như phụ hồ, bốc vác hay buôn bán ve chai...

Vì miếng cơm manh áo, dù nặng nhọc thế nào các chị vẫn cố gắng chịu đựng.

Tiếp xúc với họ, chúng tôi nhận thấy trên những khuôn mặt sạm đen ấy toát lên một sự lo lắng về cuộc sống, gia đình, chồng con. Chị Lê Thị Sen (Hòa Tiến) tâm sự: “Làm nông vất vả lắm, cái gì cũng dựa vào hạt lúa, củ khoai. Khi hết mùa vụ, cả nhà không biết làm gì để kiếm tiền. Lúa lên đó và gần đến kỳ bón phân. Nhưng giá phân năm nay cao quá không biết làm thế nào, “bỏ thì thương, vương thì sợ”. Để kiếm tiền, hằng ngày tôi phải lên thành phố tìm việc làm”.

Nén cơn thở dài, chị lom khom xúc hồ cho thợ.  Chị cho biết thêm: “Làm công việc phụ hồ này cũng có tiền nhưng vất vả quá. Sáng phải đạp xe đi làm cho sớm, chiều tối phải gấp gáp đạp xe về để lo cơm nước cho bố con nó và heo gà. Quần quật làm việc cả ngày, đêm về lưng đau nhức muốn khóc, muốn bỏ công việc nhưng vì cuộc sống nên đành cố chịu...”.

Vén dọn những vữa hồ thừa để nghỉ trưa, bụng đói cồn cào, chị vội vàng đến quán cơm bụi bình dân trên đường Cù Chính Lan ăn vội mấy miếng rồi tìm gốc cây ngồi nghỉ. Cuộc sống của chị thật chật vật. Mới 41 tuổi nhưng trông chị như người đã qua tuổi 50. Chị cho biết thêm: “Ở vùng nông thôn như chúng tôi, ngoài những người có học hành làm ở những cơ quan Nhà nước, còn lại đa số sau khi gặt hái và gieo cấy xong, đều phải dạt đi các nơi tìm việc làm, có người vào tận thành phố Hồ Chí Minh”.

Đường Cù Chính Lan, cứ vào buổi trưa, thường tập trung rất nhiều phụ nữ tuổi từ 25 đến 55 dựa xe bên vệ đường để hóng mát. Tiếp xúc mới biết, họ là những phụ nữ nhà nông. Mỗi người làm vài sào ruộng, sau đó tranh thủ những ngày nông nhàn, tiếp tục công việc mưu sinh tại thành phố bằng nhiều nghề lao động phổ thông đơn giản.

Chị Trần Thị Hải Lý, ở tận Hòa Sơn, làm được gần 1 mẫu ruộng. Nhưng vụ mùa vừa qua, lúa thu hoạch chỉ được 50%, mất mùa, giá gạo năm nay lại gấp đôi năm ngoái, lúa không giáp hạt. Ngày ngày chị đi “tìm” ve chai, phế liệu để lo cho cuộc sống gia đình. Không đi mua bởi theo chị, mua đi bán lại không có lời bao nhiêu nên đành bỏ công đi nhặt tại các thùng đựng rác, các công trình đang ủi xới... Mỗi ngày, siêng năng như chị cũng kiếm được ba, bốn chục ngàn. Ăn uống tằn tiện, sống kham khổ, chị tiết kiệm lo cho gia đình và để dành khi bất trắc xảy ra...

Không làm phụ hồ hay buôn bán, nhặt nhạnh ve chai, chị Nguyễn Thị Liên (Hòa Hải) lại chọn công việc bốc vác vật liệu xây dựng cho các đại lý xi-măng, sắt thép, gạch ngói. Hơn 1 tháng nay, khi ngọn lúa ngoài đồng đã lấm tấm mọc, mỗi sáng chị rời làng quê để đến trung tâm thành phố làm việc. Hình như chị rất có duyên với nghề này. Nhìn chị thật thà lại mạnh khỏe, đại lý nào cũng mến. Mỗi ngày bốc vác, chị kiếm được trên 50 ngàn đồng. Buổi trưa, các chủ đại lý ấy hay đãi cơm chị.

Chỉ phần đó thôi cũng đủ để chị tiết kiệm tiền nhằm lo cuộc sống gia đình trong cơn bão giá. Gặp chúng tôi trên đường Trần Cao Vân khi chị đang loay hoay bốc gạch cho một đại lý tại đây, chị cởi mở tâm sự: “Cứ mỗi lần mùa màng xong, tôi lại tìm đến các đại lý ở đây xin bốc vác. Công việc nặng nhọc nhưng làm lâu trở thành quen. Đã hơn 10 năm rồi, hầu như ai cũng biết tôi. Mỗi ngày thu nhập cũng ổn, đủ trang trải cho cuộc sống và lo cho các con ăn học...”. Chị cười rồi quẹt vội mồ hôi đang tứa ra trên trán, lúi húi với đống gạch đang bốc dở.

Oằn lưng với miếng cơm, manh áo, những người phụ nữ nhà nông vắt kiệt sức lao động của mình. Nông nhàn đối với họ sao thật xa vời bởi phải lo cái ăn, cái mặc và bao chi phí khác của cuộc sống gia đình...

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.