Không có những chuyến đi chơi xa cùng cha mẹ hay nô đùa cùng lũ bạn, với nhiều đứa trẻ ở ven biển Mân Quang (phường Thọ Quang, Sơn Trà), mùa hè bắt đầu bằng những buổi theo cào nghêu, bắt phi ở vịnh Tiên Sa để bán kiếm tiền phụ giúp gia đình hay dành dụm để mua sắm sách vở, dụng cụ chuẩn bị cho năm học mới.
Thật vui khi bắt được nhiều nghêu. |
Khi thủy triều bắt đầu rút xuống, dọc bờ vịnh dẫn vào cảng Tiên Sa nước cạn dần, để lộ ra những mảng đá đen sì thì lũ trẻ ở Mân Quang lại í ới gọi nhau, vai mang túi, tay cầm cuốc lúc xúc kéo nhau ra phía vịnh để cào nghêu, bắt phi. Mặc cho cái nắng như đang dội lửa, rải rác trên bãi cát rộng mênh mông, lũ trẻ vẫn cặm cụi cào lớp bùn mỏng phủ trên mặt để tìm nhặt những con nghêu, con phi đang nằm lẫn trong cát. Chốc chốc chúng lại nghỉ tay, nắm vạt áo lau vội mồ hôi đang chảy trên trán và nhìn thử vào chiếc túi đang để bên cạnh.
Nơi bờ cát gần mép nước, vẫn không ngơi tay cào, nhặt, em Mai Đăng Linh, học lớp 5 Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương cho biết: Từ đầu hè đến nay, ngày nào em cũng theo chị ra đây để cào nghêu, bắt phi. Bình quân mỗi con nước (kéo dài khoảng 3 - 4 giờ) bắt khoảng 3kg, bán được 24.000 đồng. Là con thứ 2 trong gia đình có 3 chị em, cha làm nghề biển nhưng chỉ là đánh bắt ven bờ với phương tiện giã đôi, còn mẹ Linh phải đi làm thuê suốt ngày. Điều kiện kinh tế khó khăn như vậy cho nên năm ngoái, chị gái đầu của Linh học xong lớp 9 đã nghỉ ở nhà phụ giúp gia đình. Thương cha mẹ sớm hôm tảo tần, tranh thủ những ngày hè, Linh ra vịnh cào nghêu, bắt phi với mong muốn kiếm thêm chút tiền để mua sách vở cho năm học tới.
Em Nguyễn Trung Thành, hàng xóm của Linh đang đập hàu ở gần đó góp chuyện: “Nhà tụi nó ở cách đây khoảng 5km, vì thế 2 chị em phải đèo nhau bằng xe đạp. Nhiều hôm đến nơi nhưng nước chưa rút cạn, 2 chị em phải ngồi chờ cả nửa tiếng đồng hồ”. Tuy nhiên, so với Trần Thị Hảo, học lớp 4 Trường tiểu học số 2 Nguyễn Phan Vinh thì Linh còn “sướng” hơn nhiều. Nhà ở Thành Vinh (Thọ Quang), Hảo là con út trong gia đình có đến 4 anh chị em. Gia đình nghèo lại đông anh em nên suốt ngày cha đi làm thuê, mẹ Hảo phải đầu tắt mặt tối đi thu mua phế liệu kiếm tiền lo cuộc sống cho gia đình. Tuy còn nhỏ nhưng Hảo đã ý thức được hoàn cảnh của mình nên những ngày hè, em theo đám bạn ra đây cào nghêu, bắt phi để kiếm tiền.
Hảo khoe: “Hôm qua do đi trễ nên em chỉ cào được gần 2 kg nghêu và phi, bán được 16.000 đồng. Bữa nay còn gần cả tiếng nữa mới về nhưng đã được hơn 2kg”. Còn em Trịnh Văn Hoa, học lớp 6 Trường THCS Nguyễn Tri Phương thì đi cào nghêu, bắt phi với một lý do hoàn toàn khác. Nhà ở cách vịnh Tiên Sa khoảng 2 km, biết em trai thích ăn nghêu, nhưng ba mẹ không có tiền mua nên gần cả tháng nay, ngày nào em cũng ra đây để cào nghêu. Có lẽ do ăn mãi cũng chán nên chiều nay trước khi đi, đứa em của Hoa dặn cào được bao nhiêu thì đem bán lấy tiền để mua kẹo đem về. Là dân “nghiệp dư” nên mỗi bữa Hoa chỉ cào được hơn 1kg. Riêng hôm nay gặp được chỗ nghêu nhiều nên thu được gần 2 kg.
Nói về công việc đang làm, em Phạm Khắc Cường, học lớp 5 Trường tiểu học số 2 Nguyễn Phan Vinh bộc bạch: “Em đi cào nghêu, bắt phi từ năm ngoái. Ban đầu mới làm chưa quen, lại ngồi đến 3 - 4 tiếng đồng hồ nên đau lưng lắm, còn bây giờ thì hết rồi”. Có anh trai học lớp 10 đi cùng, lại biết bơi nên Nguyễn Minh Quân, học lớp 7 Trường THCS Nguyễn Tri Phương không chọn cách ngồi cào trên bờ như những đứa trẻ khác mà mò nghêu, bắt phi ở dưới nước.
Theo như lời Quân thì “do ít người xuống nước nên bắt bằng cách này được nhiều nghêu hơn”. Vất vả là vậy, thế nhưng khi được hỏi về ước mơ của mình, mắt em Nguyễn Minh Quân ánh lên niềm vui: “Em sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này tìm được một công việc tốt, có nhiều tiền giúp đỡ cha mẹ và nuôi mấy em đi học”.
Ánh nắng đã bắt đầu dịu hẳn, ngoài phía cửa biển, những con sóng đã vươn mình và bắt đầu tràn vào vịnh. Một ngày lao động của các em sắp kết thúc. Nhìn da mặt đen nhẻm vì nắng nhưng cái miệng cười tươi, tôi thấy thật thương những đứa trẻ vùng biển đã sớm biết lo toan và mong mùa hè mau kết thúc để các em lại vui vẻ đến trường trong bộ quần áo mới, cái cặp mới, sách vở mới… từ kết quả của những tháng hè lao động.
NGỌC HUYỀN