.

Những người lội vườn

.

Từng buồng chuối, mớ rau, chục trứng gà hay con vịt… được các chị thu mua rồi gom lại, chở ra các chợ ở thành phố bán kiếm lời. Đây là công việc của nhiều phụ nữ nông thôn những lúc nông nhàn nhưng lại là kênh phân phối nông sản rất riêng và đậm tình, đậm nghĩa.

Nghề lội vườn

Lội vườn mua nông sản, nghề  tảo tần của phụ nữ nông thôn.

Chị Trần Thị Xuân về làm dâu ở phường Hòa Thọ Tây. Đôi vợ chồng và hai con trẻ nhưng với vài sào ruộng khoán, thời gian nông nhàn thực sự là những ngày tháng dài “ăn không ngồi rồi”. Chồng ra thành phố làm phụ hồ, chị ở nhà riết rồi cũng đâm chán nên nghĩ cách đi buôn để kiếm đồng lời góp một tay cùng chồng lo ăn lo học cho con. “Nói là đi buôn chứ vốn liếng chỉ có 500 nghìn đồng”, chị Xuân kể.

Buổi sáng nọ, đứa con nhỏ gom những đồ bỏ đi trong nhà như chai lọ, dép nhựa đứt ra bán cho bà mua ve chai. Cả một rổ phế liệu to tướng bán chỉ được năm ngàn đồng nhưng con chị đã mừng rơn. Nghĩ rằng: “Họ (bà mua ve chai - P.V) mua bán như vậy cũng có lời, răng mình không đi buôn như người ta”, thế là chị Xuân xách bao, đạp xe rong ruổi đi mua phế liệu. “Bữa đó lời to, cả trăm ngàn đồng”, chị Xuân nói.

Đi được vài hôm, cả gia đình bên chồng biết được chuyện con dâu đi mua ve chai nên ba chồng nổi cơn lôi đình mắng vợ chồng chị xối xả: “Buôn bán kiểu gì mà đi bôi tro trát trấu lên họ hàng nhà ni đó hỉ. Vợ chồng bây có biết nghề đó là nghề bần cùng không?”. Nén nỗi buồn, chị Xuân vẫn lén chồng đi buôn. Đồ phế liệu không chở về nhà mà chở thẳng ra các đại lý thu mua phế liệu để bán, song cũng không được bao lâu, bởi bị em chồng phát hiện. Không nản lòng, chị Xuân chuyển sang đi buôn hàng nông sản, thực phẩm. Vậy là gia đình nhà chồng chẳng có điều gì phải phàn nàn.

Nhiều chị em khác trong làng cũng theo chân chị Xuân, đạp xe lội vườn khắp các xã cánh tây huyện Hòa Vang. Đôi khi vào tận các thôn, xóm ở huyện Điện Bàn, Đại Lộc (Quảng Nam). “Công việc của chúng tôi cứ đều đều, sáng sớm chở hàng mua được từ ngày hôm trước xuống Đà Nẵng để bán. Trưa quay về nhà lo cơm nước, rồi tất tả lên xe… lội vườn để đến tối mịt lại quay về nhà”, chị Thảo, người cùng đi với chị Xuân nói. Vườn nhà ai có buồng chuối, nhánh cau hay cái trứng, con gà đều mua hết. Ở nông thôn Hòa Vang hầu như làng nào cũng có người lội vườn. Người làng này lại sang làng khác để tránh tiếng “quen mặt nên mua rẻ, bán đắt”.

Chuyện vui, buồn

Nếp sinh hoạt và canh tác ở các làng quê Đà Nẵng, Quảng Nam vẫn là những hình mẫu của kinh tế hộ gia đình nông thôn nhỏ. Vườn nhà luôn có rau quả để bán. Do vậy, những người lội vườn như chị Xuân, chị Thảo luôn có hàng hóa để mua. Họ luôn là khách hàng của hàng trăm gia đình nông dân. Nghề lội vườn từ đó cũng có bao chuyện vui buồn.

Chị Xuân kể: “Một lần tôi vào thôn La Bông 1, xã Hòa Khương, gặp một chị ngồi đầu ngõ khóc riết. Gặp tôi, chị cứ nắm tay bắt ngồi lại để chị được tâm sự. Chuyện là chồng chị cả tháng lên thành phố làm thợ hồ nhưng chẳng đem đồng nào về cho vợ con. Bỏ công đi tìm thì hóa ra chồng đi làm thì ít, hát karaoke thì nhiều. Ấy vậy mà dọc trên đường về còn vào mấy chỗ “hớt tóc, ngoáy tai gì gì đó mà che rèm tối thui”. Vậy là tôi ngồi lại an ủi chị.

Chuyện trò dứt ra được thì trời đã tối, chẳng có mớ rau, con gà đem về bán”. Thêm chuyện khác, ông nọ ở xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc hễ thấy các chị là kêu vào vườn bán buồng chuối lấy tiền uống rượu. Bán riết hết chuối nên xin tạm ứng tiền trước, chờ cây chuối lớn đôi ba tháng sau ghé lại lấy. “Có ông thấy mình lạ nên chỉ đại nhánh chuối, buồng cau của người khác mà bán. Lấy tiền xong trốn mất. Có ông tranh thủ không có vợ ở nhà, bắt gà bán. Mấy hôm sau quay lại bị vợ ổng chửi phải chạy… có cờ”, chị Thảo kể.  Nói vậy nhưng ở làng quê rất giàu tình nghĩa. Có gia đình cứ để các chị vào vườn thấy có cây rau, buồng chuối nào bán được thì cứ đem về.
 
Tự định giá rồi trả tiền, không so bì chuyện đắt rẻ, hơn thiệt. “Đi gặp nhiều cụ già neo đơn, chúng tôi nghĩ phận mình như con cháu, thay phiên nhau đưa sữa, mua cá, mắm muối, đến nhà để chăm sóc, đỡ đần”, chị Xuân nói.

Nguồn lương thực, thực phẩm hiện ở thành phố rất dồi dào, phong phú về chủng loại nhưng nhiều loại nông sản từ quê đưa về thành phố vẫn được nhiều người chờ mua bởi hương vị rất riêng, không như những thứ trồng hay nuôi theo cách công nghiệp. Có người mua nông sản quê đem bỏ mối cho các nhà hàng đặc sản lớn ở thành phố. Việc mua bán này thường lời rất nhiều nhưng khó duy trì bởi phần lớn không đủ hàng hóa thường xuyên để cung cấp.  “Tôi phải sắm điện thoại di động bởi luôn có người ở thành phố đặt hàng”, chị Thảo nói.

Dẫu không ai thống kê nhưng ước cũng có cả chục tấn thực phẩm từ những vùng quê đến với người tiêu dùng mỗi ngày. Hơn hết, các chị đã có thêm đồng thu nhập, cuộc sống gia đình tuy mộc mạc nhưng “ấm”  lên một phần từ sự tần tảo của các chị.

Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.