.

Nơi tốt hơn để sống

.

“Thành phố Môi trường” theo cách hiểu đơn giản nhất là “Thành phố có thể sinh sống”. Ở đó, một trong những tiêu chí hàng đầu nhằm tạo cho thành phố trở thành nơi tốt hơn để sống đối với người dân sở tại và nơi thăm thú hấp dẫn hơn đối với du khách là... không xả rác bừa bãi!

Tính đến cuối tháng 6 này, theo số liệu của Phòng Kinh doanh - Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng (MTĐT), trên địa bàn thành phố có trên 5.000 thùng rác tiêu chuẩn loại dung tích 240 lít được lắp đặt trên đường phố, khu dân cư để người dân có thể đổ rác vào bất kỳ thời gian nào trong ngày. Ấy thế mà quanh cái thùng “xin cho tôi rác” này đã có khối chuyện đáng bàn.

Khi người đổ rác là... khách hàng

Cân tự động tại bãi rác Khánh Sơn (mới) cho thấy mỗi ngày Công ty MTĐT Đà Nẵng thu gom trên 500 tấn rác sinh hoạt trên toàn thành phố, bằng 85 - 87% tổng lượng rác thải phát sinh trên địa bàn.

Lượng thùng rác đã tăng đáng kể trong thời gian qua, nhưng xem ra vẫn chưa “phủ kín” hết địa bàn, nhất là ở những con đường mới mở, những khu dân cư chưa hoàn chỉnh, nơi mật độ hộ dân chưa dày. Cũng vì lý do dân cư thưa thớt nên Công ty MTĐT hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu lắp đặt thùng rác của người dân một số xã vùng ven thuộc huyện Hòa Vang sống dọc theo quốc lộ 1A, mà chỉ thu gom rác hằng ngày bằng xe cuốn ép.

Thế nhưng ở nội thành lại thiếu thùng rác ở một số tuyến đường chính, đây mới là chuyện lạ! Đường phố mà vỉa hè quá hẹp, không đủ chỗ cho người đi bộ thì lấy đâu ra chỗ đặt thùng rác?! Nhưng vỉa hè đủ rộng cũng chưa hẳn là thùng rác sẽ được yên vị. Muốn đặt thùng rác ở những tuyến đường “hái ra tiền” (như ở các đường Phan Châu Trinh, Hùng Vương, Hoàng Diệu chẳng hạn), Công ty MTĐT phải cử người xuống thông qua tổ trưởng dân phố rồi “ba mặt một lời” làm việc với một số hộ để thống nhất chỗ đặt thùng rác (cứ 10 hộ quy hoạch 1 thùng). Nếu dân không chịu là bó tay. Tâm lý chung của các hộ này là không muốn “mặt tiền” kinh doanh của mình có sự hiện diện của thùng rác.

Các hộ ở đầu kiệt, hẻm lại càng không mặn mà gì với việc đặt thùng rác trước mặt nhà mình. Bởi lẽ, hầu hết các hộ bên trong đều ra đó đổ rác gây mùi hôi, có khi trong nhà đang bữa cơm ngon lành thì trước hiên có người giở thùng… đổ rác. Khổ nỗi, không ít quý bà, quý cô ngại “bẩn tay” nên cứ vứt rác bừa bãi ra ngoài thùng, đã làm mất mỹ quan đô thị, lại làm cho các thùng rác nặng “tội” thêm dưới mắt các chủ nhà!

Vì rác là một “mặt hàng” cực kỳ tế nhị nên những người nhận nhiệm vụ làm sạch thành phố cũng phải nghĩ ra một điều gì đó để mọi người không dị ứng khi nhắc đến từ “rác”. Thế là, ngày ngày, hình ảnh công nhân môi trường cần cù lau chùi, giữ cho thùng rác sạch chính là lời thiết tha nhất kêu gọi người dân hãy đổ rác vào thùng. Người đổ rác nghiễm nhiên trở thành khách hàng nên ngành Môi trường không ngừng tìm mọi biện pháp để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các thượng đế.

Bao giờ hết rác?

Theo ông Trần Văn Tiên, Trưởng phòng Kinh doanh (Công ty MTĐT), tiền phí vệ sinh mỗi tháng ở các hộ ngoài đường chính đã tăng từ 12.000 lên 18.000 đồng đối với các hộ không kinh doanh, 30.000 lên 43.000 đồng đối với các hộ kinh doanh. Thế nhưng, phí vệ sinh của các hộ trong kiệt, hẻm vẫn giữ nguyên 7.000 đồng/tháng từ năm 2003 đến nay; trong khi đó, chi phí lấy rác trong kiệt, hẻm tăng cao vì phải đưa xe thô sơ vào.

Đã có một sự không công bằng trong việc xử lý rác làm sạch môi trường trong thời gian qua. Biết làm sao được, khi mà nhận thức một bộ phận thị dân vẫn còn lẹt đẹt ở ngưỡng của lề lối tư duy cũ. Lẽ ra thì ai cũng phải trả phí vệ sinh theo mức rác mà mình đã thải ra môi trường. Nhưng như thế sẽ có một số khá đông người dân (nhất là những người sống trong kiệt, hẻm) tìm cách đổ rác ở đâu đó để không phải nộp phí vệ sinh! Để hóa giải tình trạng này, Công ty MTĐT Đà Nẵng đã đưa ra giải pháp “trợ cấp chéo” trong việc thu phí.

Đó là việc kêu gọi người có thu nhập cao phải chi trả sòng phẳng các chi phí thu gom, vận chuyển rác; người sống ngoài mặt đường nộp phí vệ sinh cao hơn người sống trong kiệt, hẻm (mặc dù chi phí lấy rác trong kiệt, hẻm cao hơn); cơ quan sản xuất kinh doanh nộp phí cao hơn cơ quan hành chính sự nghiệp... Tất cả không ngoài mục tiêu tạo ra sự công bằng xã hội và sự đồng thuận của nhân dân thành phố khi nộp tiền phí vệ sinh.

Hiện nay, nếu rác thải y tế đã phần nào được xử lý bằng việc lắp đặt lò đốt rác tại các bệnh viện (Đà Nẵng, C, Da liễu, 199, Nguyễn Văn Phước) thì rác thải công nghiệp vẫn chưa được xử lý đến đầu đến đũa. Chi phí đốt rác thải công nghiệp nguy hại hiện lên tới 7 triệu đồng/tấn, các doanh nghiệp muốn giảm chi phí trong thời gian qua đã tìm cách chôn lấp, đổ lẫn chúng vào với rác bình thường hoặc hợp đồng các nơi đưa đi đổ. Thế mà mãi đến tháng 6-2008, Công ty MTĐT mới chính thức được cấp phép thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn!

Công ty MTĐT Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2012 phải tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý 100% lượng chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn thành phố. Thành phố không có bóng dáng của rác, thành phố sạch nhất nước, thành phố môi trường... những mỹ từ này chỉ có ý nghĩa thực thụ khi mọi công dân Đà Nẵng đều coi thành phố như ngôi nhà của chính mình, sẵn sàng nói “không” với việc xả rác vô tội vạ.

Hiện nay, với định hướng giải quyết triệt để các vấn đề môi trường phát sinh liên quan đến rác và bãi rác, thành phố Đà Nẵng đã mở rộng cửa đón các nhà đầu tư nước ngoài với nhiều dự án mang tính chiến lược lâu dài của thành phố trong công tác quản lý chất thải rắn, nó rất phù hợp với xu thế phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi việc thực thi các dự án dài hơi, thiết nghĩ, nên kêu gọi đầu tư các dự án quản lý chất thải rắn với quy mô trung bình và mục tiêu cụ thể trong thời gian thực hiện từ 7 đến 10 năm để góp phần bảo vệ môi trường của thành phố trong thời điểm hiện tại.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.