Như dự đoán của nhiều cử tri trước kỳ họp thứ 11, HĐND thành phố khóa VII, vấn đề môi trường và những giải pháp kiềm chế lạm phát, bảo đảm phát triển kinh tế đã trở thành chuyện “nóng” trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng ngày 3-7 giữa các đại biểu (ĐB) và cơ quan chức năng, chứ không còn là chuyện đền bù, giải tỏa, tái định cư như những lần họp trước.
Chuyện môi trường chưa có hồi kết
Các ĐB Phan Viết Thông, Bùi Diệu Thanh, Nguyễn Hoàng Sơn (Thanh Khê), Huỳnh Minh Nhơn (Hòa Vang), Thái Thanh Hùng (Liên Chiểu)... nêu lên tình trạng bức xúc của cử tri trên toàn thành phố về vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, bãi biển, sông ngòi... ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sinh hoạt của người dân, nhất là trong mùa nắng nóng này.
Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Điểu cho biết, UBND thành phố cũng đang rất “sốt ruột” và chỉ đạo Sở có những biện pháp giải quyết. Thế nhưng, vấn đề môi trường là vấn đề lâu dài và phải xử lý đồng bộ, nên tình trạng ô nhiễm cục bộ thời gian tới sẽ vẫn còn diễn ra. Đối với ô nhiễm do các nhà hàng ở bãi biển Sơn Trà (tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc) xảy ra là do các nhà hàng này không có hệ thống xử lý nước thải nên nước thải được đổ trực tiếp vào hệ thống xử lý nước mưa, nước thải sinh hoạt của tuyến đường này, gây nên mùi hôi thối.
Trước thực trạng này, cơ quan chức năng tiến hành múc thu gom nước thải mỗi tuần hai lần và trong thời gian tới sẽ đưa vào hoạt động trạm xử lý nước thải Sơn Trà. Ô nhiễm kéo dài tại Khu công nghiệp Hòa Khánh lại liên quan đến dự án Trạm xử lý nước thải tại khu công nghiệp này, nên sẽ tiếp tục khắc phục trong khi tiến hành giai đoạn 2 của dự án. Liên quan đến dự án này, ông Phan Tấn Tuyền, Chánh Thanh tra thành phố trả lời ĐB Nguyễn Quang Nga (Hòa Vang), qua thanh tra dự án, đến tháng 1-2008, một phần nước thải trong khu công nghiệp về trạm đã được xử lý ổn định, đạt tiêu chuẩn; trong tháng 7 này sẽ hoàn thành việc xây dựng đập ngăn nước để góp phần vào việc xử lý nước thải đạt chất lượng hơn.
Về ô nhiễm kéo dài tại sông Phú Lộc cũng như tuyến đường Nguyễn Tất Thành, các bãi biển, khu dân cư... do liên quan đến dự án thoát nước và vệ sinh môi trường thành phố với tổng mức đầu tư trên 41 triệu USD, nên việc tiến hành khắc phục vẫn còn bị vướng mắc... Những thắc mắc của ĐB về thời gian khắc phục các sự cố về ô nhiễm môi trường, vì thế, đành bị “treo lại”! Còn về giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường tại các doanh nghiệp, ông Nguyễn Điểu cho hay, cơ quan chức năng thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra và quyết liệt xử lý các đơn vị vi phạm, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua kiểm tra, hầu như 100% doanh nghiệp sản xuất đều vi phạm về bảo đảm vệ sinh môi trường.
Trước sự giải đáp này, trao đổi bên lề kỳ họp, nhiều ĐB và cử tri cho rằng, nếu không có những giải pháp đồng bộ và triển khai thực hiện một cách quyết liệt hơn, thì trong những năm đến, vấn đề ô nhiễm môi trường sẽ tiếp tục “nóng” không chỉ trong các kỳ họp HĐND mà còn ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện Đề án xây dựng “Đà Nẵng - Thành phố môi trường” đến năm 2020.
Nhiều giải pháp đồng bộ cho việc kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội
ĐB Đỗ Thị Kim Lĩnh (Cẩm Lệ) nhìn nhận: Tình hình lạm phát đã ảnh hưởng không ít đến đời sống nhân dân, nhất là dân nghèo. ĐB Phan Viết Thông (Thanh Khê) cũng chia sẻ nhận định này và cùng chất vấn UBND thành phố về việc thành phố đã và đang có những giải pháp cụ thể gì để giữ bình ổn thị trường, bảo đảm đời sống cho người lao động và dân nghèo, đối tượng chính sách, xã hội...
Trả lời vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương cho biết, thời gian qua, thành phố đã tiến hành hàng loạt giải pháp cụ thể để bình ổn thị trường, hỗ trợ cho nhân dân lao động trong việc bảo đảm tái sản xuất sức lao động, bảo đảm an sinh xã hội. Trước hết, thành phố đã rà soát và giảm chi tiêu công, từ đó “tiết kiệm” được khoảng hơn 239 tỷ đồng. Giải pháp tiếp theo được đưa ra là tăng cường công tác quản lý thị trường, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành đối với việc kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá tùy tiện; nhất là kiềm chế không để bùng phát đầu cơ về giá như việc tăng giá gạo bất thường vừa qua.
Cùng với việc thực hiện một số giải pháp kiềm chế lạm phát ở tầm vĩ mô theo chỉ đạo của Chính phủ, thành phố đã triệt để thực hành tiết kiệm chi tiêu, giảm chi ngoài kế hoạch và vượt kế hoạch... Về các giải pháp hỗ trợ người dân, nhất là dân nghèo, đồng chí Võ Duy Khương cũng cho biết, đã tiến hành tạm ứng 9 tỷ đồng cho ngư dân, trong tổng số 31 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân theo quy định của Chính phủ. Bên cạnh đó, các đối tượng xã hội, chính sách được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế với tổng mức hỗ trợ hơn 13 tỷ đồng.
Đối với giáo viên mầm non, UBND thành phố đang trình HĐND thành phố cho ý kiến về việc hỗ trợ 5,2 tỷ đồng, bảo đảm cho gần 900 giáo viên mầm non được nhận mức lương tối thiểu 540 nghìn đồng nhân với hệ số. Ngoài ra, việc hỗ trợ cho người dân giải tỏa, tái định cư được thực hiện thông qua việc giảm mức tiền nợ quy ra vàng; cho nợ tiền sử dụng đất; cho hơn 60 nghìn hộ vay tổng số vốn hơn 390 tỷ đồng để sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống.
Tuy nhiên, theo ĐB Bùi Diệu Thanh, để góp phần kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường, UBND thành phố nên giao cho Sở Công thương tiến hành công tác dự báo thị trường, trong khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng, từ đó chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ quan chức năng có biện pháp dự trữ, chủ động nguồn hàng, bảo đảm ổn định giá cả một cách căn cơ hơn. Còn ĐB Nguyễn Hoàng Sơn cho rằng, cần có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc ổn định sản xuất kinh doanh...
|
Ngành Thuế xin lỗi vì sự cố máy tính |
ĐB Thái Thanh Hùng (Liên Chiểu) chất vấn: Thuế nhà đất mấy năm nay Nhà nước giảm thuế nhà, đất 100% cho thương binh loại 1, loại 2 và cho thân nhân hưởng tuất gia đình liệt sĩ. Nhưng năm 2008 này, Chi cục Thuế quận Hải châu thông báo chỉ giảm 50%. Vậy chính sách miễn giảm thuế cho thương binh, gia đình chính sách có gì thay đổi? Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hồ Thị Xuân Hiệp trả lời: Về chính sách thu thuế năm 2008 không có gì thay đổi, tức là thực hiện theo Pháp lệnh Thuế Nhà đất năm 1992 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung pháp lệnh này năm 1994 cũng như các thông tư, nghị định liên quan.
Theo đó, thương binh hạng 1 và 2, hộ gia đình liệt sĩ đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng của Nhà nước thì được miễn thuế nhà đất cho một nơi duy nhất do chính họ đứng tên. Từ năm 2008, diện tích đất miễn giảm thuế được xác định theo hạn mức giao đất ở theo Quyết định 08/2008/QĐ-UBND ngày 28-1-2008. Do việc thay đổi hạn mức giao đất ở để xác định diện tích miễn giảm thuế như nêu trên nên việc lập bộ thuế nhà đất và giải quyết miễn giảm thuế nhà đất năm 2008 có sự điều chỉnh.
UBND thành phố thông báo kết luận của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND thành phố thống nhất cho áp dụng hạn mức công nhận đất ở theo Điều 1, Quyết định 08/2008/QĐ-UBND để xác định diện tích miễn giảm thuế. Hạn mức công nhận đất ở theo quy định này được tính theo số nhân khẩu thường trú (hộ khẩu thường trú tại nơi ở) là: Gia đình có 8 nhân khẩu trở xuống = 2 lần hạn mức giao đất ở; Gia đình có từ 9 nhân khẩu trở lên = 3 lần hạn mức giao đất ở. Ngày 26-6, Cục Thuế thành phố đã có công văn yêu cầu các Chi cục Thuế và UBND các quận, huyện, phường xử lý lại việc miễn giảm thuế nhà đất cho các đối tượng chính sách theo hạn mức nhận đất ở nêu trên. Đối với một trường hợp thông báo thuế đã xác định sai số thuế phải nộp, nguyên nhân năm 2008 là năm đầu tiên ngành Thuế lập bộ thuế nhà đất trên máy tính đã có sự sai sót, nhầm lẫn vì chương trình nên sau khi nhận được thông tin đã cho điều chỉnh, hướng dẫn khắc phục. Bà Hồ Thị Xuân Hiệp đã chính thức xin lỗi vì sự cố sai sót này; đồng thời cho biết đang rà soát và phát hiện các trường hợp sai sót khác, kết hợp với điều chỉnh theo thông báo của UBND thành phố để điều chỉnh bộ thuế.
N.T (ghi)
| |
|
NGUYỄN THÀNH