.

Sai phạm về công tác quản lý xây dựng tuyến nước thải D800 Phú Lộc, Hòa Cường

.

Thanh tra thành phố Đà Nẵng vừa có kết luận thanh tra về một số hạng mục ống thoát nước bị hỏng và các đoạn phải làm lại của Dự án Thoát nước và vệ sinh thành phố Đà Nẵng do Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng làm chủ đầu tư và Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên (BQLDA) thành phố Đà Nẵng điều hành dự án.

Nước thải vẫn còn đổ ra biển Thanh Bình gây ô nhiễm môi trường.  Ảnh: V.H

Theo Quyết định thanh tra, Đoàn Thanh tra chỉ tập trung làm rõ các vấn đề liên quan đến sự cố tuyến ống D800 thuộc lưu vực Phú Lộc, Hòa Cường với kinh phí xây dựng 24.829.385.753 đồng thuộc hạng mục thoát nước thải - Hợp đồng xây lắp 013 - Dự án Thoát nước và vệ sinh thành phố Đà Nẵng (tổng mức đầu tư của Dự án theo Quyết định 414/QĐ-TTg ngày 20-4-1999 của Thủ tướng Chính phủ là: 566.490 triệu VNĐ, tương đương khoảng 41,05 triệu USD).

TỪ KHÔNG XÁC ĐỊNH ĐƯỢCTỪNG THỜI ĐIỂM XẢY RA SỰ CỐ

Tuyến ống nước thải D800 lưu vực Hòa Cường, Phú Lộc có chiều dài khoảng 4.000m thuộc Hạng mục: Hệ thống thoát nước thải - Hợp đồng xây lắp 013. Nhà thầu xây lắp là Tổng Công ty Xây dựng số 1 (GCC1). Khi thực hiện hợp đồng, GCC1 giao lại cho Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng số 8 (là đơn vị trực thuộc GCC1) thi công. Thiết kế cơ sở do Tư vấn GHD - Kinhill (Úc) lập tại thời điểm 1999 và được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt  ngày 31-7-2000. Thiết kế điều chỉnh do Công ty Nước và Môi trường Việt Nam (VIWASE) lập, được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt ngày 3-6-2005. Tư vấn giám sát là Liên danh DHV (Hà Lan), CDM (Mỹ), VIWASE (VN) do DHV đứng đầu.

Tuyến ống nước thải theo thiết kế ban đầu của Tư vấn GHD (Úc) có đường kính từ 150- 630 mm nằm dọc tuyến đường Trần Cao Vân và Núi Thành. Trong quá trình thi công đã điều chỉnh thay đổi tuyến sang đường Nguyễn Tất Thành và 2 tháng 9, tăng công suất trạm bơm và tăng đường kính ống tối đa từ 630 lên 800mm.

Thời điểm xảy ra sự cố: Chủ đầu tư không xác định được cụ thể từng thời điểm xảy ra sự cố nhưng theo Biên bản thì sự cố xảy ra ngày 12-10-2005 trên cả 2 tuyến Phú Lộc và Hòa Cường thuộc Hạng mục Hệ thống thoát nước thải - Hợp đồng xây lắp 013. Một số đoạn ống nhựa thoát nước thải HDPE D800 tại các tuyến ống trên bị hỏng, bị biến dạng về hình học với khối lượng ống bị hỏng khoảng 414m. Khi xảy ra sự cố tại thời điểm ngày 12-10-2005, chủ đầu tư không báo cáo sự cố theo quy định, không thực hiện việc lập hồ sơ sự cố, không tổ chức xác định nguyên nhân làm rõ trách nhiệm các bên liên quan là vi phạm quy định tại Điều 35, Điều 36 - Nghị định 2009/2004/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
 
(Khoản 1 - Điều 36: Khi xảy ra sự cố công trình, chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng có trách nhiệm lập hồ sơ sự cố công trình xây dựng. Trường hợp phải khảo sát, đánh giá mức độ và nguyên nhân của sự cố nếu chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng công trình không có năng lực thực hiện thì phải thuê tổ chức tư vấn xây dựng có đủ điều kiện năng lực theo quy định để thực hiện khảo sát, đánh giá và xác định nguyên nhân sự cố, làm rõ trách nhiệm của người gây ra sự cố công trình xây dựng). Ngoài ra, chủ đầu tư không thực hiện đúng chỉ đạo của UBND thành phố Đà Nẵng theo nội dung các Công văn số 616/VP-QLĐTh, trong đó yêu cầu BQLDA làm việc với đơn vị thi công và các cơ quan tư vấn làm rõ nguyên nhân sự cố và xác định trách nhiệm các bên liên quan.

ĐẾN KHÔNG THỰC HIỆN KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG VẬT TƯ

Hồ sơ kết quả kiểm định chất lượng ống của Nhà máy Tân Phát (BQLDA cung cấp cho Đoàn thanh tra) không có kết quả kiểm định chất lượng ống gân xoắn 2 lớp HDPE D800.2L của cơ quan chức năng. Chủ đầu tư, TVGS và Nhà thầu không thực hiện việc kiểm tra chất lượng vật tư ống gân xoắn 2 lớp HDPE D800 theo đúng TCXDVN 272:2002 trước khi đưa vào thi công là vi phạm quy định tại Điều 46 - Quy chế quản lý đầu tư xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình. (Điểm c - Khoản 1: Trách nhiệm của Chủ đầu tư: Kiểm tra chất lượng các loại vật liệu, cấu kiện xây dựng, thiết bị lắp đặt đúng theo yêu cầu thiết kế và tiêu chuẩn kỹ thuật được duyệt. Điểm c - Khoản 3: Trách nhiệm của nhà thầu xây dựng: Vật liệu cấu kiện xây dựng sử dụng vào công trình phải có giấy chứng nhận về chất lượng gửi cho chủ đầu tư để kiểm soát trước khi sử dụng theo quy định).

Theo ý kiến của BQLDA, việc thay đổi điều chỉnh thiết kế và lựa chọn ống gân xoắn HDPE D800 theo Phương án 2 do BQLDA đưa ra (theo Công văn số 26/BQL-PKTh, Công văn số 476/BQL-PKTh của BQLDA) nhằm tiết kiệm số tiền khoảng 72 tỷ đồng là không có căn cứ vì không có tư liệu tính toán nào phù hợp để làm cơ sở cho việc đánh giá hiệu quả của phương án lựa chọn.

Việc lựa chọn ống nhựa gân xoắn 2 lớp HDPE D800.2L Tân Phát để đưa vào thi công tại thời điểm tháng 11-2002 là không có cơ sở vì tại thời điểm đó chưa có hồ sơ thiết kế điều chỉnh. Đặc biệt đây là loại vật liệu mới chưa được sử dụng rộng rãi và được khuyến cáo sử dụng cho các công trình có nền đất ổn định nhưng chủ đầu tư, TVGS và nhà thầu đã không thực hiện khảo sát địa chất, tính toán, kiểm tra trước khi đưa vào lắp đặt. (Còn nữa)
                        
TÂN AN

;
.
.
.
.
.