Trong những ngày qua, do thiếu điện trầm trọng vì mức độ phụ tải tăng đột biến trong khu vực tiêu dùng làm cho lưới điện quốc gia xảy ra các sự cố bất khả kháng, đặc biệt là tình trạng sụt giảm tần số. Vì vậy, đã xảy ra nhiều sự cố cắt điện không được báo trước (do hệ thống tự sa thải phụ tải tự động), gây nhiều khó khăn cho sản xuất của DN và sinh hoạt của nhân dân.
Không khí làm việc căng thẳng tại Phòng Điều độ Điện Lực Đà Nẵng. |
Trả lời về sự cố này, ông Hoàng Đăng Nam, Trưởng phòng Điều độ Điện lực Đà Nẵng cho biết: Việc cắt điện trạm biến áp 110kV này được thực hiện theo lệnh của Trung tâm Điều độ Điện lực Việt Nam tại miền Trung. Nguyên nhân là do hệ thống điện bị giảm tần số xuống dưới 49,5 Hz (bình thường là 50Hz + (-) 5%), nhằm bảo vệ lưới điện toàn khu vực cũng như lưới điện toàn quốc.
Ngoài những nguyên nhân chính của việc thiếu điện trầm trọng hiện nay như nguồn cung quá thiếu, trong khi nhu cầu dùng điện ngày một tăng cao, thì nguyên nhân tình trạng tăng đột biến của phụ tải vào tháng nóng nhất trong năm (tháng 7) này còn do giá cả của một số mặt hàng thiết yếu như gas, xăng dầu tăng cao nên các hộ dân đã chuyển từ dùng gas sang dùng điện để nấu ăn.
Thêm vào đó, rất nhiều thiết bị dùng điện có công suất lớn được các hộ dân, các cơ quan Nhà nước mua sắm, lắp đặt như máy điều hòa không khí, máy làm lạnh... và sử dụng đồng loạt làm cho công suất phụ tải tăng cao.
Tất cả đã gây sự cố lưới (giảm tần số và tụt áp), buộc các thiết bị an toàn tự cắt điện để sa thải phụ tải và các Trung tâm Điều độ của các khu vực phải ra lệnh cắt giảm theo tình trạng khẩn cấp, nhằm bảo đảm an toàn cho lưới điện như trường hợp cắt điện của trạm biến áp 110kV ở khu vực quận Sơn Trà vào sáng ngày 14-7-2008 vừa qua. Hiện tại thành phố Đà Nẵng có khoảng 155MW phụ tải, nhưng ngành công nghiệp (sản xuất) chỉ chiếm 45% công suất toàn hệ thống điện Đà Nẵng, còn lại là điện cho sinh hoạt và một số yêu cầu công ích khác.
Giải pháp quan trọng hàng đầu hiện nay nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng cắt điện “bất khả kháng” là sử dụng các thiết bị điện sinh hoạt một cách hợp lý, đặc biệt là các thiết bị có công suất lớn như máy điều hòa không khí, các thiết bị làm lạnh. Mặt khác, phải đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm.
Các cơ sở sản xuất nên bố trí sản xuất vào các giờ thấp điểm (từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau). Ngành điện cần có sự phối hợp chặt chẽ với các nhà cung cấp điện ngoài ngành điện nhằm khai thác tối đa công suất của các nhà máy đang hoạt động và sớm đưa các nhà máy đang xây dựng, sửa chữa vào vận hành trong thời gian sớm nhất.
Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH