.

Thầy giáo thương binh "xây trường thân thiện"

.

(ĐNĐT) - Ký ức về thời hoa niên của thầy Phạm Úc – Hiệu trưởng Trường THPT Bán công Nguyễn Hiền (Đà Nẵng) - là những ngày tháng tranh đấu cho tự do, hòa bình và độc lập dân tộc. Đường dây bị vỡ, 19 tuổi, thầy đã nếm trải những trận đòn tra của kẻ thù, bị biệt giam, cầm cố ròng rã suốt 6 năm liền…

Sau này, khi hoạt động trong môi trường giáo dục, những trải nghiệm ấy đã giúp thầy Phạm Úc bền bỉ, từng bước thu phục được những học trò “lệch chuẩn” trong đạo đức…

Những năm tháng tranh đấu

17 tuổi, khi đang học năm cuối đệ tam, cậu học sinh trường Trần Quý Cáp - Phạm Úc bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng, gầy dựng cơ sở trong lực lượng sinh viên - học sinh hoạt động tại Hội An, tuyên truyền đường lối, thực hiện công tác tôn giáo vận, tổ chức các cuộc phản đối, xuống đường biểu tình…

Thầy giáo Phạm Úc.
Là cơ sở sinh viên - học sinh của Ban dân vận đặc khu Quảng Đà, dù đang học tập tại Hội An, nhưng địa bàn hoạt động của anh và các đồng đội khác như Mai Quế Trung, Hồ Văn Chiến, Huỳnh Sơn Phước… chủ yếu ở Đà Nẵng. Suốt hai năm vừa đi dạy kèm kiếm tiền ăn học, vừa tham gia đánh máy, rải truyền đơn, tuyên truyền, giác ngộ, đấu tranh chính trị, đến tháng 6-1969, khi vừa thi xong tú tài toàn phần, anh bị địch bắt do cơ sở bị lộ. Chính những hoạt động đấu tranh trong tù đã khiến cho Phạm Úc trở thành “đối tượng phá hoại”, là “đối tượng cực kỳ nguy hiểm”, bị biệt giam từ đầu năm 1970 cho đến thời điểm tỉnh Quảng Nam hoàn toàn giải phóng.

Không có đòn tra nào mà người chiến sĩ cách mạng quả cảm này chưa từng trải qua: bị treo ngược đầu lên xà nhà rồi đánh đập vào hai ống chân liên tục đến mức 19 tháng sau khi ra tù mới có thể đi lại được; hai tay luôn trong tình trạng trói ngoặt ra đằng sau, để đến bây giờ, khi đã xấp xỉ 60 tuổi, thầy Phạm Úc có biệt tài… đưa ngoặt tay ra sau lưng nhưng vẫn có thể chạm đến vai mà không hề có cảm giác đau mỏi gì…

Những chuyện này, chúng tôi biết được thông qua câu chuyện với những người đồng chí đã từng nằm gai nếm mật trong nhà lao Hội An cùng ông. Dù gợi chuyện thế nào, ông cũng chỉ cười bình thản: “Hồi ấy, mình chỉ còn mỗi cái miệng là sống thôi”.

Xây dựng trường học thân thiện để giáo dục đạo đức học sinh

Tâm huyết với công việc, xem nghề dạy học như là cuộc sống đã là “lời nguyền” của chàng trai trẻ Phạm Úc khi được giải thoát khỏi ngục tù vào ngày Quảng Nam được giải phóng, với thương tật 4/4.

Anh được giữ chức Hiệu trưởng trường Bổ túc cán bộ dù chưa hề học qua một lớp nghiệp vụ nào. Nhưng với tâm nguyện phải sống và cống hiến cho cả phần của những đồng chí, đồng đội đã bỏ lại tuổi trẻ, thân xác trong ngục tù, thầy giáo Phạm Úc vừa làm vừa học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm. Sau khi trải qua lớp cán bộ quản lý rồi học tiếp Đại học Sư phạm, thầy Úc chuyển sang làm Công đoàn ngành giáo dục tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cho đến năm 1996 thì về làm Hiệu trưởng Trường THPT Bán công Nguyễn Hiền.

Bỏ qua không ít lời khuyên can nên cân nhắc kỹ bởi những khó khăn chất chồng của một trường mới thành lập, “đầu vào” của trường lại quá thấp, thầy Phạm Úc chấp nhận điều chuyển công tác bởi “một người cộng sản chẳng lẽ lại chối từ nhiệm vụ?”.

Bắt tay vào nhiệm vụ mới, ở môi trường phổ thông có không ít những học sinh “lệch chuẩn” về đạo đức, thầy Hiệu trưởng Phạm Úc đã cùng Ban giám hiệu và giáo viên nhà trường xác định muốn nâng cao chất lượng dạy học, phải xây dựng cho bằng được kỷ cương trường học, phải nghiêm nhưng đừng khiến cho học sinh có cảm giác nặng nề, bó buộc khi đến trường. Muốn xây dựng được môi trường giáo dục thân thiện như vậy, từ Ban giám hiệu cho đến giáo viên, nhân viên nhà trường đều phải hiểu được tâm lý của học sinh, đặt mình ở vị trí của các em khi giải quyết những tình huống nảy sinh. Phải tạo nề nếp để giảm bớt áp lực cho giáo viên, những sai phạm của học sinh vì thế sẽ không được bỏ qua, nhưng cũng không vì thế mà có những “ấn tượng” xấu với những em đó.

Nhưng có lẽ đây mới là điều gan ruột, là tích lũy suốt mấy mươi năm trong nghề dạy học của thầy Úc: cách sống, tác phong của người thầy có tác động rất lớn đến sự phát triển nhân cách của học sinh. Chính vì vậy, người giáo viên phải công bằng trong mọi ứng xử; những mâu thuẫn, va chạm giữa học sinh với nhau, khi xử lý tránh nhất là việc “nâng quan điểm”, khiến cho sự việc nặng nề, thậm chí là đẩy học sinh ra khỏi môi trường giáo dục.

Thầy có những “ngón nghề” để “bắt bài” những học sinh cá biệt, khiến các em tỉnh ngộ, tu chí học hành, trở thành những công dân tốt cho xã hội. Hỏi về chuyện này, thầy Úc cười rất thoải mái: “Thì các em đã “lệch chuẩn” rồi, mình cứ dùng đúng ngôn ngữ của nó chứ đừng cứng nhắc trong xưng hô, rồi cũng phải có những “hành động lệch chuẩn”, ra dáng “anh chị” một chút thôi chứ có gì đâu”.

Bây giờ, trường Nguyễn Hiền là một trong những trường ở khu vực trung tâm có nhiều cây xanh nhất thành phố Đà Nẵng với những thảm cỏ xanh dọc đường nội bộ. Theo thầy Úc, đó cũng là một cách để giáo dục học sinh ý thức gìn giữ và bảo vệ môi trường, xây dựng một môi trường giáo dục thân thiện, và mỗi cán bộ, giáo viên đều thấm nhuần quan điểm xem học sinh như con em của mình; thuyết phục học sinh bằng chính tình thương và làm gương cho các em.

Hà Linh

;
.
.
.
.
.