.

Thiếu điện, thiếu nước: cần nỗ lực từ nhiều phía

.

Non nửa tháng nay, Đà Nẵng đã lâm vào tình trạng khan điện khan nước tiêu dùng khi phải tiến hành cắt giảm điện lưới ở nhiều nơi theo điều độ của ngành điện. Dự báo tình hình này sẽ còn kéo dài đến hết tháng 8, và các cơ quan chức năng chỉ có cách kêu gọi người dân thành phố “chung sức sẻ chia”.

Cúp điện dẫn đến cúp nước, đa số các hộ dân phải mua trữ nước uống và thức cả đêm để hứng nước  dự trữ
Vừa trỏ vào đống quần áo, bát đĩa ngổn ngang, chị Ba, chủ 1 quán mỳ Quảng tổ 47 Chính Gián (Thanh Khê), vừa than: “Đêm qua cúp điện đến 11 giờ, sáng nay nước lại không buồn chảy, thành ra muốn giặt giũ gì cũng chịu. Khổ nhất là cái toilet, cả nhà ai cũng phải lo nhịn vì nước đâu mà xả cho sạch sẽ”. Chị cho biết, để kịp có đủ nước sạch nấu mỳ bán buổi sáng, chị phải thức cả đêm ngồi hóng nước máy chảy ra ri rỉ, mà cuối cùng vẫn phải nhờ hàng xóm giúp cho đôi thùng.

Không riêng gì nhà chị Ba, cả một khối dân phố từ tổ 45 – 59, phường Chính Gián trong 2 ngày 17 và 18-7 vừa qua đều lao đao với cảnh thiếu nước, thiếu điện. Nhiều nhà chuyển hẳn sang ăn bánh mỳ buổi trưa bởi không kịp chuẩn bị bữa cơm khi điện cúp bất thường và nước tắt tịt. Riêng tối 18-7, cả khu vực này tối om đến tận nửa đêm,

Anh Hoàng Ngọc Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hùng (426 Điện Biên Phủ) cho biết, đã non 1 tuần nay DN anh gần như khốn khổ với cảnh cúp điện, mất nước triền miên. Dù là mặt tiền con đường lớn, các cửa hàng, DN tại đây đều chịu cảnh này. Mất điện, hầu hết cửa hàng đều đình đốn vì không mở được máy tính, khách hàng cũng “chê” không bước vào vì nóng bức quá, tâm lý đâu mà mua hàng. Cực chẳng đã, anh Hùng đã mua hẳn máy phát điện về chạy, song chưa được 2 ngày, máy chạy quá tải, hỏng luôn máy. Không những thế, đến tận trưa 19-7, DN anh vẫn chưa có được giọt nước máy nào.

Đồng thời với nguy cơ mất điện, hệ thống cấp nước thành phố cũng bị ảnh hưởng. Trưa 18-7, ông Nguyễn Trường Ảnh, Giám đốc Công ty Cấp nước thành phố, đã gửi thông báo xin lỗi đến khách hàng trên địa bàn về sự cố mất nước diện rộng do các nhà máy nước bị mất điện và nhiều khu vực đường ống bị sự cố.

Một điểm bán nước tinh khiết phục vụ khách hàng
Cụ thể, 2 nhà máy nước Sân bay, Cầu Đỏ đã liên tục bị gián đoạn về điện trong những ngày qua, và các nhà máy nước ở Liên Chiểu, Sơn Trà đều không thể hoạt động bởi không có điện trong nhiều giờ. Riêng khu vực QL1A gần nhà máy Cầu Đỏ, việc thi công đường sá còn làm đường ống chính bị trở ngại và Công ty Cấp nước buộc phải cho sửa chữa, nâng cấp ống trong thời điểm căng thẳng này. Ông Ảnh cho biết đã chỉ đạo các nhà máy tăng cường công suất phát cấp nước, nhưng chắc chắn sẽ không đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho sinh hoạt của người dân thành phố trong thời tiết nóng nực này. “Kính mong quý khách hàng có biện pháp dự trữ nước để sử dụng cho các nhu cầu thiết yếu nhất”, thông báo của ông Ảnh nhấn mạnh như vậy.

Tình cảnh thiếu điện, thiếu nước diễn ra hiện nay là khó tránh khỏi ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, đời sống sinh hoạt của người dân, nhưng theo ngành điện thành phố, tình trạng này sẽ chưa thể kết thúc trước tháng 9-2008. Thông báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, nguy cơ thiếu hụt điện trên toàn hệ thống quốc gia hiện đã vượt qua ngưỡng 2.500 MW, khi hàng loạt sự cố ở các nhà máy điện đã xảy ra và nhu cầu dùng điện trong nhân dân tăng vọt. Điện lực Đà Nẵng theo đó phải cắt giảm đến 50 MW mỗi ngày, tính ra 1/3 địa bàn Đà Nẵng sẽ thiếu điện liên tục. Các khu vực nóng thường bị mất điện thuộc về địa bàn Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê... Những dấu hiệu có mưa mới đây vẫn chưa thể khắc phục hết tình trạng trên và theo ông Hoàng Đăng Nam, Trưởng phòng Điều độ Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng, cảnh báo đỏ về mất điện sẽ duy trì suốt tháng 7-2008.

Theo phản ánh từ nhiều người dân và DN trên địa bàn thành phố mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, thành phố cần sớm đánh giá đúng mức hơn về tình trạng thiếu điện, mất nước hiện nay, để đưa ra những chỉ đạo hợp lý, khẩn trương, cho các DN cung cấp điện, nước chấp hành, bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Ngành điện, ngành nước không thể chỉ viện lý do khó khăn chung để thiếu vận động tích cực khi xử lý các tình huống cụ thể.

Mặt khác, công tác tuyên truyền vận động tiết kiệm điện trong sinh hoạt cũng cần thúc đẩy mạnh mẽ, khẩn trương hơn nữa. Cần có những rà soát, xử lý nghiêm khắc với các biểu hiện lãng phí điện năng tại một số khu vực kinh doanh, cơ quan hành chính... Thực tế cho thấy, có không ít cửa hàng DN, cơ quan công quyền đang dùng điện bất hợp lý, gây lãng phí, càng khiến người dân bất bình.
 
Nhạc Duy Hạ

;
.
.
.
.
.