.

Thu hút chất xám cho công sở

.

Việc cán bộ, công chức (CBCC) xin thôi việc để ra làm ngoài đang xảy ra khá phổ biến. Con số này, tính riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2003 đến nay đã có 6.500 người, trong đó, có nhiều trí thức giỏi, năng động. Riêng lực lượng trí thức trẻ, nhiều người giỏi không muốn vào làm ở công sở Nhà nước. Tại sao có hiện tượng đó? Làm thế nào để thu hút được người giỏi cho công sở?

Lực lượng trí thức trẻ, nhiều người giỏi không muốn vào làm ở công sở Nhà nước. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)


Chúng tôi đồng ý với nhiều người giải thích việc CBCC bỏ khu vực công sang khu vực tư và nước ngoài là do đồng lương quá thấp và môi trường làm việc không được chủ động cống hiến trí tuệ của mình. Một kỹ sư, cử nhân  ra trường lương chỉ hơn triệu bạc, sau đó 3 năm tăng một lần, không đủ để “ăn cơm bụi”. Trong lúc đó lương của một nhân viên ngân hàng ngoài quốc doanh hiện nay cũng đã hơn 10 triệu đồng/tháng.

Cơ quan làm lương của chúng ta đã không tính hết các nhu cầu cuộc sống của người lao động vào lương, mà chỉ tính  tổng số quỹ lương hiện có chia cho tổng số công chức, kể cả số công chức yếu kém, không làm được việc nhưng chưa đến tuổi hưu. Cũng có người giải thích rằng, trí thức trẻ có năng lực mới ra trường không thích làm việc tại công sở phần lớn là do ở đây môi trường làm việc không tốt, gò bó, xưa bày nay làm, thiếu tính sáng tạo.

Chúng tôi cho rằng, hai luồng ý kiến trên đều đúng. Nhưng chưa phải cái gốc. Cái gốc của vấn đề là  lỗi ở “hệ thống”. Bộ máy Nhà nước của ta đã qua chiến tranh 33 năm rồi, đã quen với “đổi mới”, “hội nhập” hơn 20 năm rồi, thế mà đến nay vẫn mang tính chất của một bộ máy phục vụ thời chiến. Thủ trưởng là trên hết. Thủ trưởng ra lệnh là phải làm ngay, không được bàn bạc đề xuất ý kiến của mình.

Vì thế đất nước chúng ta từng chịu những hậu quả khốn khổ cho dân vì những chủ trương duy ý chí, những chủ trương không được sinh ra từ những khối óc thông minh, suy nghĩ sáng tạo, mà sinh ra từ cơ chế “thủ trưởng là trên hết”, “quân lệnh như sơn”. Như chuyện cấm xe bốn bánh, ba bánh tự chế trong cả nước; cấm bán  hàng rong ở Hà Nội, quy hoạch treo... Thủ trưởng ra lệnh “cấm” là “cấm”, không cần biết đến dân sẽ sống như thế nào, ai sẽ chế tạo phương tiện gì thay thế cho họ, giá cả bao nhiêu…

Một bộ máy hay một công sở “xưa bày nay làm”, không cần người suy nghĩ sáng tạo như thế thì các cán bộ giỏi, các trí thức trẻ ra trường về công tác ở đó, dù 5 năm, chục năm cũng chỉ là “điếu đóm” cho các “bác”, các “chú”. Thậm chí khi được đề bạt lên phó phòng, trưởng phòng, cũng chỉ là chấp bút theo lệnh thủ trưởng mà thôi. Đó là cơ chế tạo ra người “ăn theo”, “nói leo”, không cần biết  đầu tư chất xám để suy nghĩ bất cứ việc gì, dù lớn dù nhỏ. Đó là hệ thống triệt tiêu sáng tạo cá nhân. Một cơ chế  bộ máy làm việc như thế nên mức lương thủ trưởng bao giờ cũng cao hơn nhân viên, không bao giờ có chuyện ngược lại. Chúng ta cần phải nghiên cứu cơ chế khác, tinh lọc, giản tiện và hiện đại hơn, hiệu quả hơn phù hợp với đất nước trong thời kỳ hội nhập, nếu không muốn tụt hậu xa hơn so với thế giới.

Có ý kiến đề nghị giảm 50% biên chế công chức hiện nay, 2 năm thi tuyển lại tất cả các  bậc công chức một lần, ai không đủ điểm sẽ bị loại. Loại  bớt người thì lương sẽ tăng. Về chuyện thi tuyển mấy năm nay có nhiều rắc rối, tiêu cực lắm. Thủ khoa đại học thi tuyển vẫn rớt như thường vì người ta không thi chuyên môn giỏi mà thì về chính trị, quan điểm, luật công chức. Nghĩa là thi học thuộc. Giỏi mà không thuộc là trượt. Tôi có đứa cháu tốt nghiệp đại học Dân lập Phú Xuân ở Huế ra trường, chẳng cần phải thi tuyển, một công ty của Thượng Hải (Trung Quốc) ở Đồng Nai phỏng vấn đạt yêu cầu, nhận vào làm việc ngay, với mức lương khởi điểm là 2 triệu đồng/tháng và bao ăn bao ở. Sau 7 tháng, lương của cháu là  4 triệu đồng.

Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 7 đã ra Nghị quyết về công tác trí thức. Muốn bộ máy công sở năng động, hiệu quả, hấp dẫn tầng lớp trí thức, phải bố trí trí thức vào từng công việc phù hợp với chuyên môn của họ, với phương thức làm việc phát huy suy nghĩ độc lập, nâng cao tính cạnh tranh, phản biện và với  mức lương cao tương đương với khu vực tư nhân. Theo chúng tôi, phải thực hiện chế độ “chuyên viên độc lập” trong mỗi công sở thì bộ máy Nhà nước mới  hiện đại và hiệu quả. Thủ trưởng cơ quan chỉ là người quản lý kế hoạch, đôn đốc nhắc nhở công việc, còn tất cả việc nghiên cứu cơ sở khoa học, đề xuất biện pháp thực hiện đều do chuyên viên thực hiện.

Ai có chuyên môn giỏi đến đâu thì được bổ vào vị trí chuyên viên công việc khó đến đó, và được hưởng mức lương cao tương ứng với công việc. Chế độ “chuyên viên độc lập” này thực hiện qua hình thức “phỏng vấn chuyên môn” trực tiếp do chuyên viên cấp trên thực hiện. Hình thức “chuyên viên độc lập” sẽ phát huy khả năng, trí tuệ và năng lực sáng tạo của từng người dù già hay trẻ, ngăn chặn được những người chuyên môn kém hay “con ông cháu cha ” lọt vào công sở. Chế độ “công chức phụ trách từng phần việc” lại phù hợp với cơ chế “khoán lương hành chính” mà Bộ Tài chính đang làm thí điểm.

Ngô Minh

;
.
.
.
.
.