.

“Thủ lĩnh” gom rác

.

“Thủ lĩnh” của những đứa trẻ làm “nghề” gom rác lại là một phụ nữ bước qua tuổi 50, nhỏ, gầy, đen sạm. Ý tưởng để quy tụ “giới nhóc giang hồ” ban đầu không khiến các cu cậu ham chơi hào hứng. Thế nhưng, chỉ sau vài ngày thành lập, “đội quân” của chị cứ tăng đều đều và dần ham việc.

Chị Võ Thị Hồng.
Chị là Võ Thị Hồng, 20 năm làm nghề mua bán cá tại cảng cá Thuận Phước. “Sau mỗi chuyến ghe cập bến, mặt nước lại lềnh bềnh bao bì. Đêm hôm đi làm về thấy lũ nhỏ lăn lóc lề đường ăn nhậu, lang thang. Tôi chợt nghĩ tại sao không kêu chúng lại để đi gom rác, phân loại bán cho đại lý phế liệu. Rác thì đầy ra đó, chỉ cần bỏ sức là có thể kiếm ra tiền. Hơn nữa, thành phố mình đang kêu gọi xây dựng “Thành phố môi trường”, làm sạch bến bãi vừa kiếm tiền, vừa làm cái chi đó cho thành phố giống như ti-vi hay kêu gọi”, chị Hồng tâm sự lý do thành lập đội thu gom rác tự nguyện (TGRTN).

“Tưởng “ới” một tiếng là xong, ai dè mấy đứa nhỏ mặc cảm, chê công việc lượm rác vất vả, xấu hổ với bạn bè nên chối bay, chối biến”. Vậy là chị Hồng đã gặp phải một rào cản đầu tiên không dễ vượt qua. Nhưng với kinh nghiệm của một người đàn bà đứng tuổi, cộng thêm tấm lòng yêu thương trẻ bụi đời như con cái ruột rà nên cuối cùng, sau bao lần kiên trì thuyết phục, 4 em đã chịu gật đầu. Cho đến nay, đội TGRTN của chị Võ Thị Hồng đã có được 11 em tham gia với số lượng 100kg bao ni lông đã giặt sạch/ngày.

Biết được hiệu quả từ việc làm của đội TGRTN, đã có 6 chủ doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài thành phố đặt vấn đề mua nguồn phế liệu này với giá từ 7 - 9 ngàn đồng/kg. Công việc bắt đầu thuận buồm xuôi mái, nhưng ước mong của chị Hồng lại thật giản dị: “Lâu ni cứ 2 em đi chung một chiếc xe đạp, mà lại là xe tôi thuê mượn. Bữa mô không có xe thì các em phải đi ghe qua sông từ rất sớm. Khi nào công việc khấm khá hơn tôi sẽ sắm cho tụi nhỏ mỗi đứa một chiếc xe đạp”.

Bài và ảnh: Nhân Mùi - Thu Hoa

;
.
.
.
.
.