Tôi đến tìm gặp thầy vào lúc tuổi đã ngoài hai mươi, sau mấy năm thi hành nghĩa vụ quân sự trở về, đang băn khoăn chưa biết nên học hỏi hoặc làm một cái gì để hòa nhập lại cuộc đời rộng lớn còn đang phía trước...
Thầy bảo tôi: “Môn này thường phải học từ hồi nhỏ, còn bây chừ học chơi cũng được, mà phải kiên trì đó...”. Tôi nói: “Ngày nhỏ con rất mê tiếng đàn viôlông và cả hình dạng của nó, mà không có cơ hội học, chừ khó mấy con cũng không quản ngại...”.
“Trong cái lần đầu “ra quân”, thầy Sỹ đã động viên và có mặt bên cạnh tôi trấn an...” (Thầy Hà Sỹ và tác giả, nhìn từ trái sang). |
Bởi vì, ngoài những bài tập trong bộ sách “Le petit Paganini” của tác giả Ernest Van Velde, với tôi, thầy luôn luôn hào hứng chuyện trò những kỷ niệm buồn vui về âm nhạc, về cuộc sống như một người đồng hội, đồng thuyền. Đôi lần, thầy nói với tôi: Con đang đứng trước ngưỡng cửa tương lai, cần có sự lựa chọn thực tế đúng hướng kẻo về sau hối tiếc, nhưng hãy nhớ, âm nhạc có thể không đem lại sự giàu có, nhưng cuộc sống một người giàu có sẽ rất nhạt nhẽo nếu thiếu vắng âm nhạc...
Người thầy ấy có tên là Hà Sỹ, cháu gọi nhạc sĩ La Hối (tác giả ca khúc Xuân và tuổi trẻ) bằng cậu ruột. Hồi niên thiếu, thầy từng xách đàn đi theo nhạc sĩ La Hối tham gia các buổi hòa nhạc ở Hội yêu âm nhạc (Société philharmonique – NS La Hối thành lập tại Hội An). Sau ngày nhạc sĩ La Hối bị phát-xít Nhật sát hại, thầy tiếp tục chơi với các nhóm nhạc, trở thành một cây vĩ cầm trụ cột của phố Hội. Rồi dòng đời đưa đẩy, thầy đến sinh sống tại một xóm nhỏ hẻo lánh gần ngã ba Cai Lang (kề cận Công viên 29-3, Đà Nẵng) tới mãi ngày tôi đến gặp.
Học đàn ở nhà thầy Sỹ khoảng ba năm, tôi tìm được một chân “phụ trách văn nghệ quần chúng” của một đơn vị cơ sở, nhưng thật ra vẫn chưa đủ tự tin, khi cầm cây đàn đứng trước đám đông. May thay, biết được điều này, trong cái lần đầu cần phải “ra quân” do yêu cầu bắt buộc, thầy Sỹ đã động viên và có mặt bên cạnh tôi trấn an, để tôi làm quen sân khấu và khẳng định uy tín với bộ máy làm việc. Cơ hội này đã giúp tôi có điều kiện bước sang một khúc ngoặt mới. Tôi cứ tưởng đời mình rồi sẽ gắn liền với chiếc vĩ cầm và con đường âm nhạc. Thế nhưng, đột nhiên, chỉ vài năm, sau khi có gia đình, chuyện cơm áo, công danh lại đưa đẩy tôi chuyển sang một ngành nghề đầy bận rộn khác...
Từ ấy đến nay, gần 20 năm qua, hầu như tôi không có dịp động tới chiếc vĩ cầm cũ kỹ năm xưa. Dù vậy, nhiều lần tôi vẫn quay lại cái xóm nhỏ nằm sâu trong con hẻm cạnh ngã ba Cai Lang, với những con đường đất quanh co để tìm thăm thầy, nhưng giờ đây, khu đất này đã quy hoạch, thay vào đó là những ngôi nhà mới khang trang tự bao giờ. Hỏi thăm lối xóm, không ai biết thầy Sỹ ở đâu, chuyển đổi về đâu(!).
Chính vì vậy, những khi tình cờ trên đường phố, ngang qua một ngôi nhà nào đó vọng lên tiếng vĩ cầm réo rắt trầm buồn, tôi lại phải dừng chân cứ mãi bần thần, nuối tiếc về khát vọng của một thời trai trẻ, tưởng chừng thầy đang đâu đó, bên cạnh một cậu bé mắt mở tròn xoe, ngỡ ngàng nhìn vào giá nhạc như đứng trước cả một thế giới biến ảo diệu kỳ (!)... Rồi băn khoăn tự hỏi: Đường đời mình đã đúng hướng chưa, khi mà “cuộc sống một người giàu có sẽ rất nhạt nhẽo nếu thiếu vắng âm nhạc...”?
TRẦN TRUNG SÁNG