Báo Đà Nẵng Cuối tuần số ra ngày 10-6-2007 có đăng bài “Ở nghĩa địa đồi Đá Trắng”, nêu trường hợp 76 bộ hài cốt những người hoạt động cách mạng bị giặc Pháp giết hại, chôn tập thể tại khu vực đồn Cẩm Lệ; năm 1995, nhân dân thôn Cẩm Bắc phát hiện, cất bốc đưa lên an táng tại Nghĩa địa đồi Đá Trắng, nay mất hết dấu vết.
Ông Đậu Tiến Thịnh, Phó Bí thư chi bộ khu vực 9 Hòa Thọ Tây, bên tấm bia khắc dòng chữ: “Nơi cải táng đồng bào bị giặc Pháp giết hại ở đồn Bắc cầu Cẩm Lệ thời kỳ 1945-1954” đặt tại khu mộ vừa xây lại nơi đã an táng 65 bộ hài cốt năm 1995. |
Sau khi báo đăng, chính quyền các cấp, cơ quan chức năng ở Cẩm Lệ đã tiến hành tìm kiếm nơi an táng 65 bộ hài cốt, xây dựng mộ chí. Việc làm đó tuy kịp thời nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân địa phương, nhất là những cán bộ hoạt động thời kỳ 1945-1954. Nơi an táng 65 bộ hài cốt vừa tìm thấy, hơn 30 m2, người ta khỏa bằng và xây lên đó 65 ngôi mộ theo kiểu tượng trưng.
Phía trước khu mộ này là am thờ có đặt lư hương và gắn bia đá khắc dòng chữ “Nơi cải táng đồng bào bị giặc Pháp giết hại tại đồn Bắc cầu Cẩm Lệ (thời kỳ 1947-1954)”. 11 bộ hài cốt an táng tại nghĩa địa Ông Ích Khiêm nay vẫn thất lạc, không ai đặt vấn đề tìm kiếm, xây lại mộ. Không hề có nghi thức nào từ chính quyền các cấp và cơ quan chức năng đối với những người đã khuất, ngoại trừ người quản trang, trực tiếp xây dựng 65 ngôi mộ, sắm ít lễ vật, thắp hương tưởng niệm.
Chúng tôi trở lại vấn đề này là lời thỉnh cầu chính quyền các cấp, cơ quan chức năng ở quận Cẩm Lệ nói riêng, thành phố Đà Nẵng nói chung, nhận thức đúng hơn về sự việc quan trọng này. Qua đó, tiến hành tổ chức tôn vinh những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc; chuyển những bộ hài cốt ấy về Nghĩa trang liệt sĩ; tiếp tục tìm kiếm, cất bốc 11 bộ hài cốt đang bị thất lạc.
Họ là những người hoạt động cách mạng đã anh dũng hy sinh
83 bộ hài cốt tìm thấy ở đồn Cẩm Lệ 13 năm trước, theo chúng tôi là của những người hoạt động cách mạng. Sẽ vô cùng thiếu sót nếu như cho rằng những bộ hài cốt đó là của đồng bào bị giặc Pháp sát hại như nhận thức của một số cán bộ ở phường Hòa Thọ Tây và quận Cẩm Lệ. Trong số 83 bộ hài cốt này có 2 bộ được người thân nhận và cùng chính quyền địa phương đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ, bởi trước đó họ đã được Nhà nước công nhận là liệt sĩ.
65 bộ qua 2 lần khai quật tìm thấy dưới nền trường Tiểu học và nhà họp thôn Cẩm Bắc (cũ), đưa lên an táng tại nghĩa địa đồi Đá Trắng, đã tìm thấy và xây lại mộ. 5 bộ dưới nền nhà của 3 hộ trú ở Cẩm Bắc, chủ hộ cất bốc đưa đi an táng tại nghĩa địa Ông Ích Khiêm, xây mộ đàng hoàng. Trước các ngôi mộ này có bia đá ghi: Liệt sĩ vô danh. 11 bộ hài cốt phát hiện dưới nền nhà ông Huỳnh Đức Khiển, ông Mai Châu, đưa đi an táng tại nghĩa địa Ông Ích Khiêm nay mất hết dấu vết.
Các cán bộ lão thành cách mạng hoạt động thời kỳ 1945-1954 hiện cư ngụ tại Cẩm Bắc, phường Hòa Thọ Đông khá tường tận về sự hy sinh oanh liệt của những người mà hài cốt họ tìm thấy năm 1995. Ông Phan Hữu Ký, năm nay đã 83 tuổi, 58 tuổi Đảng, ở tổ 32 Cẩm Bắc 1, phường Hòa Thọ Đông nhớ lại: Sau ngày toàn quốc kháng chiến (1946), ông tham gia hoạt động tại khu vực Hòa Thọ. Việc giặc Pháp xây dựng đồn Cẩm Lệ ông biết khá rõ.
Hồi đó, khu vực đồn Cẩm Lệ là cơ dinh cửa một nhà thầu người Pháp. Sau khi chiếm Đà Nẵng, giặc Pháp đóng đồn tại dinh cơ này, nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của lực lượng ta từ miệt Hòa Vang vào nội thành. Về phía ta, nghe theo lời hiệu triệu kháng chiến của Hồ Chủ tịch, ai nấy nhất tề tham gia giết giặc, cứu nước. Các đội võ trang được thành lập. Đồn Cẩm Lệ bị lực lượng vũ trang ta tấn công, gây cho chúng nhiều tổn thất. Kẻ thù vô cùng tàn bạo. Dân quân du kích, cán bộ Việt Minh sa vào tay chúng, không khai báo là chúng chém đầu.
Hồi đó, ở xã Hòa Thọ nhiều người bị chúng giết tại đồn này. Do đồn đóng trên địa bàn, người thân họ biết, bí mật lấy xác về chôn cất. Cụ thể như các ông Phan Hữu Giác, Thái Văn Chiêu, Phan Hữu Chìa, Hoàng Chừ… Những người này hiện đã được công nhận là liệt sĩ. Những người bị sát hại, chúng hất xuống hố chôn tập thể, rất thảm thương. Sau năm 1954, bọn Mỹ thế chân Pháp chiếm đồn Cẩm Lệ, chúng xây dựng lô cốt kiên cố. Từ năm 1954 đến năm 1975, biết bao cán bộ, chiến sĩ ta đã anh dũng hy sinh tại đây. Việc phát hiện các bộ hài cốt đó cũng là điều ngẫu nhiên. Sau giải phóng, khu vực đồn Cẩm Lệ là vùng hoang hóa.
Mãi đầu những năm 90 thế kỷ trước, do nhu cầu làm nhà ở, nhiều hộ đến dựng nhà cửa. Gia đình ông Huỳnh Đức Khiển là một trong số đó. Trong lúc đào móng làm nhà sát lô cốt Mỹ, ông phát hiện 10 bộ hài cốt tại 2 hố chôn tập thể và đã cất bốc đưa lên an táng tại nghĩa địa Ông Ích Khiêm. Sự việc này ông có báo với chính quyền địa phương. Sau đó, ông cùng bà con trong khu vực phát hiện thêm 73 bộ hài cốt nữa, đa số chôn tập thể. Trong đó 2 hầm với 65 bộ hài cốt dưới nền bê-tông dày 20 cm do Mỹ xây dựng, nơi đó là trường tiểu học và nhà họp thôn Cẩm Bắc. Số hài cốt này khi cất bốc đựng trong các quách tre và hòm gỗ, đưa lên an táng tại nghĩa địa đồi Đá Trắng. 12 năm sau mất hết dấu vết, vừa mới tìm kiếm và xây mộ tháng 8 năm ngoái.
Năm 1995, ông Ký là Bí thư chi bộ thôn Cẩm Bắc. Ông là người tích cực cất bốc, an táng số hài cốt tìm thấy. Nghĩ về việc an táng những bộ hài cốt vào các giỏ tre, không bia mộ, ông đau lòng cho biết: Hồi đó hoàn cảnh kinh tế hạn chế. Biết an táng hài cốt của những người hoạt động cách mạng bị kẻ thù sát hại vào các quách tre, lương tâm cắn rứt lắm, song điều kiện vậy, đành chịu. Nay nghĩ lại thấy có lỗi lớn với những người đã khuất.
Ông Hoàng Bưu, 82 tuổi, hiện ở tổ 21 Cẩm Bắc 1, phường Hòa Thọ Đông, nguyên Bí thư chi bộ xã Hòa Nhơn thời kỳ 1947-1954 (hồi đó xã Hòa Nhơn gồm 5 xã, phường hiện nay, trong đó có Hòa Thọ Đông, nơi có đồn Cẩm Lệ) và là Phó Bí thư Huyện ủy Hòa Vang đầu những năm 80 thế kỷ trước khẳng định: Những bộ hài cốt tìm thấy năm 1995 tại khu vực đồn Cẩm Lệ là của những người hoạt động cách mạng. Ông nhớ lại: Năm 1947, ít tháng sau ngày toàn quốc kháng chiến, giặc Pháp xây đồn ở phía Bắc cầu Cẩm Lệ. Bọn chúng vô cùng tàn bạo. Cán bộ, du kích ta sa vào tay chúng khó bảo toàn tính mạng. Biết bao người đã anh dũng ngã xuống tại đồn này chỉ vì một lòng kiên trung với sự nghiệp cách mạng. Thời kỳ giặc Mỹ cũng vậy.
Cán bộ, chiến sĩ ta bị chúng bắt đều bị thủ tiêu, chôn trong khu vực đồn. Không còn nghi ngờ gì nữa, những bộ hài cốt tìm thấy năm 1995 là của những người hoạt động cách mạng bị kẻ thù sát hại một cách dã man và hèn hạ. Họ là những liệt sĩ. Tiếc rằng, thời gian quá lâu, việc người thân họ xác định được là rất khó. Chỉ có trường hợp hài cốt ông Lê Ngọc Chấn, xã đội phó xã Hòa Thọ, hy sinh năm 1947 tại đồn này, năm 1995, anh ruột là ông Lê Kim Chung nhận, cùng chính quyền địa phương đưa lên an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Thọ.
Hồi tìm ra hài cốt, bà Lê Thị Huệ ở 790 Nguyễn Lương Bằng-Đà Nẵng, với khả năng đặc biệt của mình đã biết khá tường tận tên tuổi, quê quán và tình tiết hy sinh của từng người. Bà đã lập danh sách khá chi tiết. Danh sách đó hiện vẫn còn một số người đang lưu giữ, trong đó có ông Ông Ích Trưng 72 tuổi, ở tổ 2 Hòa Thọ Đông. Hồi đưa đi an táng số hài cốt phát hiện được, chính ông là người viết lời điếu. Theo bà Huệ, ông Lê Ngọc Chấn bị chúng giết hại cùng ngày với một cô gái tên Lê Thị Thương, 22 tuổi, quê Cẩm Nam là giao liên của du kích.
Hôm đó, chúng đưa 2 người ra bãi cỏ phía sau đồn tra tấn rất dã man. Ông Chấn một mực không khai, chúng chém đầu, hất phần thân xuống hố đào sắn. Tên ác ôn, tay cầm chiếc đầu còn rỉ máu của ông Chấn, đe dọa cô gái tên Thương. Nó nói: Nếu mày không khai thì cũng bị chém đầu như thằng này. Cô gái ấy không khai nửa lời, còn chửi lại chúng. Điên tiết, chúng giết cô rồi hất xuống hố, tiện tay, vất chiếc đầu của ông Chấn xuống theo. Ngày phát hiện bộ hài cốt của cô Thương dưới nền nhà ông Mai Châu, mọi người quá kinh ngạc, bởi chỉ một bộ hài cốt mà có đến 2 hộp sọ.
Mộ liệt sĩ Lê Ngọc Chấn tại Nghĩa trang liệt sĩ phường Hòa Thọ Tây, một trong các hài cốt tìm thấy ở đồn Cẩm Lệ 13 năm trước. |
Không biết giải quyết cách nào, ông Huỳnh Đức Khiển và những người cất bốc đành đưa bộ hài cốt có 2 hộp sọ ấy lên an táng tại nghĩa địa Ông Ích Khiêm. Sau đó ít ngày, người ta mới phát hiện bộ hài cốt của ông Lê Ngọc Chấn ở phần đất hộ ông Phan Tờn, cách bộ hài cốt tìm thấy trước đó 3 m, không có hộp sọ. Khi ông Lê Kim Chung và chính quyền địa phương đưa bộ hài cốt người liệt sĩ này lên an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Thọ, ông Khiển và một số người tìm đến ngôi mộ của cô gái tên Thương an táng trước đó, khai quật, đưa hộp sọ thừa về nhập vào bộ hài cốt của ông Chấn.
Chừng đó chứng cứ có thể khẳng định, những bộ hài cốt tìm thấy năm 1995 tại khu vực đồn Cẩm Lệ là những người hoạt động cách mạng. Trong lá đơn 6 người gồm các ông Huỳnh Đức Khiển, Nguyễn Văn Trưng, Nguyễn Văn Tiềm, Nguyễn Văn Hậu… gửi chính quyền địa phương xin phép khai quật, tìm kiếm, cất bốc hài cốt, họ đã viết: “Vừa qua, 6 gia đình chúng tôi đã phát hiện, cất bốc một số hài cốt dưới nền nhà, có bộ còn nguyên vẹn.
Theo những người cao tuổi ở địa phương và bà Lê Thị Huệ, số hài cốt ấy là những người hoạt động cách mạng bị giặc Pháp bắt sát hại năm 1947. Nay biết tin dưới nền trường tiểu học có 3 hố chôn tập thể là những người bị giặc Pháp thủ tiêu khi họ không chịu khai ra tổ chức và việc làm của họ, anh em chúng tôi nghĩ, nếu đúng là hố chôn dưới trường học thì quá đau lòng và tội nghiệp cho số người hy sinh vì Tổ quốc, hiện chưa được mồ yên mả ấm như những liệt sĩ khác.
Vậy bà con chúng tôi xin kiến nghị lên quý Ban đồng ý cho chúng tôi thực hiện đào thí điểm 1 trong 3 hầm. Nếu không có hài cốt, chúng tôi chịu mất kinh phí sửa chữa lại như cũ. Nếu có hài cốt thì mong quý Ban hỗ trợ và làm hết trách nhiệm của tình đồng loại”. Đơn được chính quyền địa phương chấp thuận và họ đã khai quật cất bốc, tìm thấy 65 bộ hài cốt như đã nêu ở trên. (Còn nữa)
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU