.

Tiếng vọng từ lương tri

.

(Tiếp theo và hết)

Tiếng vọng từ lương tri (kỳ trước)

… Chưa làm trọn bổn phận với những người đã khuất  

Ngày phát hiện nhiều hài cốt dưới nền nhà, nền trường học, bà con ở Cẩm Bắc đã báo với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Động thái tích cực nhất của chính quyền hồi đó là hỗ trợ 300 nghìn đồng cho việc cất bốc. Huyện ủy, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Hòa Vang gửi vòng hoa viếng, trên vòng hoa ghi: Viếng đồng bào bị giặc Pháp sát hại năm 1947.
 

Nơi an táng 65 bộ hài cốt vừa được xây dựng lại tháng 8-2007.


Hồi đó, chính quyền địa phương không tổ chức nghi thức gì gọi là ghi nhận sự hy sinh của những người hoạt động cách mạng 60 năm trước. Ngay cả việc quàn những bộ hài cốt vào các giỏ tre, đưa đi chôn cất trong yên lặng cũng không mảy may làm cho những người có trách nhiệm động lòng trắc ẩn. Có chăng nhân dân thôn Cẩm Bắc tổ chức buổi lễ, có đọc điếu văn lên án sự tàn bạo của kẻ thù. Đó là chuyện của 12 năm trước. Còn hiện nay, khi điều kiện kinh tế đã cho phép, thế mà chưa mấy ai nhận thức sâu sắc, có hành động khả dĩ đối với những bộ hài cốt tìm thấy trước đây.

Ngày tìm kiếm lại nơi chôn cất 65 bộ hài cốt ở nghĩa địa đồi Đá Trắng, chính quyền địa phương các cấp ở Cẩm Lệ không có người nào. Gần trưa một ngày đầu tháng 7-2007, trời nắng như đổ lửa, bà Lê Thị Huệ và ông Huỳnh Đức Khiển mua nhiều lễ vật, thuê tắc-xi chở lên nghĩa địa đồi Đá Trắng. Sau một hồi hương khói, khấn vái, bà Huệ chỉ chỗ đã an táng 65 bộ hài cốt. Đó là khu đất không rõ hình thù, đầy cỏ dại, chung quanh bị bao bọc bởi các khu mộ khác. Trực tiếp cắm cọc xác định vị trí là người quản trang, ông Nguyễn Hữu Mạnh.
 
Chính ông này là chủ thầu xây lại khu 65 ngôi mộ ấy. Khi xác định được vị trí, bà Huệ cho rằng phải tiến hành cải táng lại, tốt nhất là di chuyển đến nơi khác, bởi tại đó chật chội và không có đường vào. Nhìn sang ngọn đồi phía trước, bà đã ước nguyện: nếu được trên cho phép sẽ bỏ ra 400-500 triệu đồng cất bốc số hài cốt ấy vào các quách bằng sành, an táng vào khu vực riêng biệt. Nghe bà nêu ý kiến như vậy, người viết bài này đã nói: Hồi trước do nhận thức và trách nhiệm của nhiều người chưa đến nơi đến chốn mới xảy ra tình trạng như vậy, còn nay chị yên tâm, mọi việc đã có chính quyền và nhân dân lo. Những người đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc sẽ được ghi nhận công lao và có nơi yên nghỉ xứng đáng. Không ngờ niềm tin đó của chúng tôi đến nay vẫn chưa thành hiện thực.

Ông Phan Hữu Ký (trái) cùng ông Huỳnh Đức Khiển, những người tâm huyết trong việc cất bốc hài cốt ở đồn Cẩm Lệ 13 năm trước.


Xin nói thêm rằng, kể từ năm 1991 đến nay, bà Lê Thị Huệ bằng khả năng đặc biệt của mình đã phát hiện chính xác hàng trăm bộ hài cốt liệt sĩ. Ngoài ra, bà còn phát hiện hàng trăm bộ hài cốt khác dưới nền các cơ quan, công sở, trường học, đồng ruộng, đồi núi… trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Không những vậy, bà đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua khu đất đồi rộng hàng nghìn m2 ở xã Hòa Liên (Hòa Vang) để làm nghĩa địa an táng những bộ hài cốt vô thừa nhận.

Sau đêm ngất ngây với rực trời pháo hoa bên sông Hàn, sáng 29-3-2008, chúng tôi cùng ông Đậu Tiến Thịnh, Phó Bí thư chi bộ khu vực 9 phường Hòa Thọ Tây đến thắp hương cho 65 người hoạt động cách mạng bị giặc Pháp giết hại, nơi an táng họ vừa tìm thấy và xây lại mộ. Thoạt nhìn, khu mộ xây dựng khá quy mô. Nhưng thực ra, việc xây dựng này chỉ là tượng trưng. Trên khu đất hơn 30 m2, người ta phủ lên đó lớp vữa và xây 4 dãy 65 ngôi mộ giống nhau, có đánh số từ 1 đến 65, chung quanh tường bao cao nửa mét. Phía trước khu mộ là am thờ loại đúc sẵn. Trong am thờ dựng tấm bia đá khắc dòng chữ như đã nêu ở trên, phía trước là lư hương nhỏ.

Đúng ra, việc xây lại các ngôi mộ này phải bắt đầu từ việc khai quật, cất bốc các bộ hài cốt thật cẩn thận, tỉ mỉ, chuyển sang các quách bằng sành. Vẫn biết thời gian, xương cốt đã phân hủy hết, có chăng chỉ còn là nắm đất đen. Nhưng dẫu sao cũng phải tiến hành từng bước theo nghi thức truyền thống, tổ chức nghi lễ như an táng các hài cốt liệt sĩ tìm thấy trong thời gian qua. Song thật đáng tiếc, 65 bộ hài cốt đựng trong các quách tre, hộp gỗ 12 năm trước vẫn lạnh lẽo dưới lòng đất, không hề được chuyển sang các quách bằng sành. Kiểu xây dựng như đã làm chỉ là giải pháp đối phó.      
 
Trao đổi với chúng tôi về kiểu xây dựng này, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Thọ Tây cho hay: Giải pháp xây dựng do chính quyền địa phương lập, UBND quận Cẩm Lệ phê duyệt. Ngay cả câu khắc trên bia đá cũng vậy. Hỏi ông, ngày khánh thành có tổ chức nghi lễ tôn vinh, ghi nhận sự hy sinh của những người hoạt động cách mạng bị kẻ thù sát hại? Ông Vinh cho hay, hôm đó ông không đi dự. Ông Phan Thanh Hòa, cán bộ phụ trách công tác lao động-thương binh và xã hội phường cũng không có mặt trong ngày khánh thành khu mộ này.

Ngày 20-8-2007, quận Cẩm Lệ tổ chức khánh thành công trình xây dựng 65 ngôi mộ tại nghĩa địa đồi Đá Trắng. Hôm đó, cán bộ quận, phường và cơ quan chức năng có tham dự, nhưng không hề tổ chức nghi lễ hay viếng hương hồn những người đã khuất mà là nghiệm thu công trình xây dựng từ vốn ngân sách.

Cần một nghi lễ tôn vinh tương xứng…

Thế hệ hôm nay được sống trong độc lập và thái bình phải có trách nhiệm đối với những người đã ngã xuống hơn 60 năm trước, hài cốt của họ tìm thấy ở đồn Cẩm Lệ năm 1995. Theo chúng tôi, chính quyền các cấp và cơ quan chức năng cần  sớm tổ chức nghi lễ tôn vinh, ghi nhận sự hy sinh oanh liệt của những người hoạt động cách mạng bị giặc giết hại tại đồn Cẩm Lệ hơn 60 năm trước.
 
Nơi chôn cất 65 bộ hài cốt xây dựng lại năm 2007 phải cất bốc từng bộ hài cốt đưa vào quách bằng sành, sau đó đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ; tìm kiếm, cất bốc 11 bộ hài cốt đang bị thất lạc; xây tại đồn Cẩm Lệ (cũ), văn bia như ý tưởng đã đề ra. Trách  nhiệm này không chỉ dừng lại ở quận Cẩm Lệ mà phải ở cấp thành phố. Theo bà Lê Thị Huệ, tại khu vực đồn Cẩm Lệ, nhất là phía bắc lô cốt Mỹ, hiện vẫn còn nhiều hài cốt tương tự chưa được cất bốc.
 
Nhiều năm nay bà không nguôi ý định tiếp tục tìm kiếm, cất bốc đưa đến an táng nơi cao ráo hơn, nhưng chưa thực hiện được. Chắc chắn, vấn đề này không thể bỏ qua. Và nữa, những người bị giặc sát hại năm 1947, danh sách bà Huệ lập hồi phát hiện thấy hài cốt họ, cần đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng để người thân biết, tìm nhận.
 
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.