.
TIẾT GIẢM HỌP HÀNH, HỘI NGHỊ:

Bài 1: Phiền toái chuyện họp

.

(ĐNĐT) - Một tuần có 5 - 7 cuộc họp, dự 3 - 4 hội thảo, là thực tế đang diễn ra phổ biến với không ít lãnh đạo cơ quan hành chính sự nghiệp, và cả DN. Đáng nói là không ít cuộc họp hành ấy không những không mang lại hiệu quả thiết thực mà còn dẫn đến lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc.

Đi hội thảo để… nghe quảng cáo!

Ông Lê Văn Đức, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật Việt Nam, vừa gõ vào kẹp giấy mời trên bàn vừa tâm sự: “Mỗi ngày mở mắt là thấy những giấy mời này, trong người lại có cảm giác khó chịu. Nửa muốn đi dự vì thấy các tiêu đề nội dung rất hay, nửa lại lo lo biết đâu mất cả buổi mà chẳng được gì”. Giải pháp ông đưa ra, là hầu hết phân bổ cho anh em cấp dưới đi dự, về báo cáo lại, để ông giành thời gian lo chuyện làm ăn. Song, có nhiều hội nghị do đích thân lãnh đạo sở này sở nọ đề nghị dự, nên ông cũng có mặt, kết quả vẫn không thấy có gì mới mẻ.

Có quá ít cơ hội và thời gian đối thoại tại các cuộc hội họp, hội thảo.
Bối cảnh chung mà ông Đức và nhiều DN Đà Nẵng đặt ra, là không ít hội nghị, hội thảo đang diễn ra trên địa bàn mang nội dung rất quan trọng, liên quan ngành này ngành kia, song đến nơi nhiều khi mới biết không thật đúng như thế.

Đơn cử, mới đây, với giấy mời do Sở Công Thương mời dự hội thảo bàn giải pháp hỗ trợ tiết kiệm điện cho DN sản xuất, hay do Sở Thông tin – Truyền thông mời dự hội nghị phát triển nhân lực phần mềm, các DN hữu quan tất nhiên sẽ đi. Song đến nơi, họ lại thấy ngoài phần giới thiệu chung và vài phát biểu của người lãnh đạo “dẫn dắt”, hội thảo lại tập trung giới thiệu sản phẩm “đèn tiết kiệm năng lượng” Công ty X hay các hệ thống phần mềm hỗ trợ đào tạo và quản lý nhân lực của hãng Y…

Với những hội thảo kiểu như thế này, theo các DN tham dự, việc lồng ghép hoạt động quảng bá như vậy bên cạnh các nội dung bàn định biện pháp, hướng hỗ trợ phát triển các DN không có gì đáng nói. Song, nếu thật sự các hội nghị, hội thảo tổ chức chỉ để làm việc đó, nên chăng cơ quan tổ chức cần ghi rõ vào giấy mời, để họ biết mà dự hay không. Với tình trạng “pha lẫn” hiện nay, không ít DN phải “xót ruột” khi lỡ đến với tâm trạng háo hức rồi hóa ra ngồi nghe “quảng cáo” sản phẩm.

Một lý do khác khiến các DN ngán ngẩm với các cuộc họp hành, hội thảo, là cách thức tổ chức đều na ná nhau, nặng về tính diễn thuyết từ các nhà tổ chức hơn là đối thoại trao đổi. Nhiều cuộc họp các nội dung cần thiết lại được trình bày thông qua đọc những báo cáo, thuyết trình kéo dài cả buổi, phần giải đáp thắc mắc, phản ảnh ý kiến chỉ còn vài mươi phút.

"Không đi họp... không được"

Ở góc độ khác, không ít các DN, và cả những cán bộ quản lý lại nhìn nhận, có nhiều chương trình hội nghị, họp hành lâu nay diễn ra có nội dung nghiêm túc, nhưng kết quả bàn định lại chẳng đi đến đâu. Rất nhiều ý kiến phát biểu bức xúc của DN ở diễn đàn này, buổi làm việc kia, sau khi bế mạc họp hành lại “y như cũ”. Nhiều hội nghị chuyên đề hỗ trợ DN chỉ tổ chức như để các DN “đến nói cho hả hê rồi về ai lo phận đó”.

Nhiều hội nghị hội thảo chỉ tập trung quảng bá sản phẩm cho DN nào đó.
Nguyên nhân chính là các cuộc họp đó chỉ phổ biến chung chung chương trình hành động, chủ trương nào đó, mà chưa đề ra được phương pháp hành động cụ thể, chỉ rõ giải pháp và vai trò quản lý. Sự tham gia của các cơ quan hữu quan vào đó đều gần như mờ nhạt, không trọn vẹn trách nhiệm. Tại một số cuộc họp, những người đến dự đều cho biết mới nhận được tài liệu khi vào, làm sao có thời gian nhận định đầy đủ được. Do vậy, đa phần cán bộ, DN dự họp đều ngồi nghe và không có phát biểu gì.

Hệ quả, cuộc họp này nối tiếp cuộc họp kia, song với các phần nội dung “gai góc”, đa số sẽ chỉ ở dạng mở ngỏ “sau này bàn tiếp”. Những người tham gia rốt cuộc không thấy hướng hành động hay trách nhiệm thực thi cho đơn vị mình. Những bức xúc, khó khăn nhiều khi đặt ra, thảo luận rồi để DN chờ đợi không biết khi nào giải quyết. Thậm chí với nhiều phóng viên báo chí, dù ngồi bám trụ đến giờ phút cuối, cũng có lúc không biết nên đưa thông tin gì từ các cuộc họp diễn ra như dạng này.

Chia sẻ vấn đề, ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, tâm sự, có không ít những cuộc họp hành, hội nghị, qua giấy mời, lãnh đạo ngành đã cử cán bộ chuyên trách đi, để giành thời gian xử lý việc khác. Nhưng rồi phía tổ chức vẫn thường liên lạc đề nghị, mời lãnh đạo đến bằng được. Lại có những nội dung họp ghi rõ thành phần người tham dự là lãnh đạo, dù biết là nội dung không quan trọng đến mức ấy. Những cuộc họp như thế không đi thì không được(?), nhưng đi rồi vẫn chỉ gói trong những vấn đề đang xử lý, đang xem xét.

Hầu hết những người đi dự họp đều có chung nhật xét: dĩ nhiên đa phần các cuộc họp hành, hội thảo đều có kết quả nhất định nào đó, nhất là từ góc độ thay đổi phần nào thái độ của các cấp quản lý trong hoạt động của họ. Song, với tần suất quá dày đặc, quá nhiều cuộc họp mở ra mà không khép lại đầy đủ các vấn đề như mong muốn, chung quy các hoạt động hội họp đối với không ít người sẽ chỉ là phiền toái.

ĐỨC SƠN

;
.
.
.
.
.