.
TIẾT GIẢM HỌP HÀNH, HỘI NGHỊ:

Bài 2: Cần những giải pháp đặc hiệu

.

(ĐNĐT) - UBND thành phố Đà Nẵng thời gian qua đã có những văn bản, quy định chủ trương tiết giảm các cuộc họp hành vô bổ, yêu cầu các lãnh đạo sở, ngành tập trung cho chuyên môn, không tham dự các hội thảo, hội nghị không cần thiết. Tuy nhiên, vẫn cần có những giải pháp đặc hiệu để chủ trương ấy đạt kết quả thực sự.

Tăng cường trực tuyến và công cụ mạng

Một trong những cách làm đang được chú ý hiện nay là tận dụng các lợi thế CNTT - truyền thông để áp dụng các mô hình tổ chức hội nghị trực tuyến, tọa đàm trao đổi qua Internet. Thực tế cho thấy, Chính phủ trong thời gian qua đã sử dụng những phương pháp này để tiết kiệm thời gian, chi phí hội họp, trong khi chất lượng các cuộc họp trực tuyến này lại cao hơn hẳn. Theo đánh giá của các nhà cung cấp dịch vụ mạng, Đà Nẵng lại là địa phương có đầy đủ cơ sở hạ tầng CNTT để dễ dàng thực thi các phương cách họp trực tuyến dạng này.

Mô hình hội nghị, họp trực tuyến đang được khuyến khích thực hiện.

Có thể thấy, tùy mức độ quan trọng và nội dung các hội nghị, cuộc họp, Đà Nẵng có thể lựa chọn những hình thức tổ chức khác nhau. Nếu chỉ là những cuộc họp bàn phương hướng hành động trong lĩnh vực cụ thể nào đó, các thành viên dự họp có thể trao đổi từ xa, với các công cụ chat voiz miễn phí như Skype, hay phần mềm ứng dụng cầu truyền hình mạng. Với các cuộc họp quán triệt hành động chung, cần sự đóng góp nghiêm túc của các cơ quan tham gia, triệu tập họp là cần thiết. Song bộ phận tổ chức cần thông qua email, mạng cục bộ để gửi thông tin, tài liệu đến trước vài ngày cho người tham dự chủ động nghiên cứu trước.

Theo nhiều DN và cả nhiều cán bộ quản lý cấp sở, nếu vận dụng các mô hình này, họ sẽ đủ điều kiện và thời gian chuẩn bị, chủ động trong báo cáo, đánh giá từng vấn đề với tình hình cụ thể. Nhất là khi nắm trước được tài liệu, họ có thể gửii lại ngay các nội dung, báo cáo chi tiết để tham gia trả lời trước khi diễn ra hội họp. Trong trường hợp đó, bộ phận tổ chức có thể tổng hợp được ngay những nội dung mà đa số thành phần tham dự đồng ý, chỉ còn những vấn đề khúc mắc để đưa ra giải quyết tại cuộc họp. Các cuộc họp trao đổi trực tiếp theo đó sẽ diễn ra ngắn gọn hơn, với chất lượng và kết quả hành động khả quan hơn.

Trách nhiệm thực thi là quan trọng

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà các DN mong muốn, là sau khi các hội thảo, hội nghị, họp bàn thì trách nhiệm thực thi của các cấp quản lý, các cơ quan chuyên môn với các vấn đề đã thống nhất mới là quan trọng.


 
TIN LIÊN QUAN
>> Bài 1: Phiền toái chuyện họp

 
Ông Trần Văn Lĩnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Thủy sản Thuận Phước, một trong các doanh nhân lâu năm của Đà Nẵng tâm sự, có không ít những lời phát biểu rất tâm huyết, rất nhiệt tình được các cán bộ quản lý ngành này, ban kia đưa ra ở các hội nghị, hội họp, song chỉ sau đó vài ngày, có lẽ quá bận bịu với những chương trình họp hành bàn thảo mới, họ quên lãng đi và các DN mỏi mòn chờ đợi rồi thất vọng.

Ông Nguyễn Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty Cơ khí Ôtô và Thiết bị Điện Đà Nẵng, cũng từng băn khoăn, một số lần họp bàn hỗ trợ DN mà ông tham gia với tư cách đại biểu HĐND thành phố, ông cũng nhận thấy có nhiều vấn đề mình cũng bỏ quên. Vậy làm sao có thể trách được những cán bộ quản lý khác khi đối diện với các khó khăn mà như DN ông đối mặt ?

Câu trả lời chung cho những tâm tư ấy, là thành phố cần kiên định, rõ ràng trong chủ trương tinh giản hội họp, ưu tiên thời gian thực thi hành động cho các cấp cán bộ quản lý, các cơ quan chức năng và tham mưu. Một khi vòng xoáy của các cuộc họp đổi chiều theo hướng chỉ mở ra giải pháp và hành động nghiêm túc vì mục tiêu chung, chắc chắn cái nhìn của mỗi người trong các cuộc họp cũng sẽ khác. Môi trường hành chính thành phố vì thế cũng sẽ tích cực thay đổi rất nhiều.

“Bên lề cuộc họp giao ban trực tuyến với Thủ tướng Chính phủ mới đây, ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND thành phố đánh giá:

Với cuộc giao ban trực tuyến với Chính phủ lần này, chúng tôi thấy mô hình tổ chức hiệu quả, rất thuận lợi cho các hoạt động hội nghị, họp bàn trao đổi, cần có sự chất vấn qua lại.

Thật ra ban đầu, ai cũng lo ngại về chất lượng, tín hiệu âm thanh trực tuyến khi Chính phủ yêu cầu giao ban qua mạng. Nhưng thực tế đã chứng minh, chỉ cần các bước chuẩn bị hạ tầng thiết bị tại địa phương được tiến hành tốt, sẽ mang lại hình ảnh đẹp, âm thanh rõ ràng suốt quá trình họp. Việc điều hành từ phía tổ chức và sự tham gia của các thành phần dự họp cũng đều dễ dàng, hiệu quả và có tính tập trung cao.

Nếu áp dụng tốt, mô hình này sẽ giúp chúng ta giảm nhiều khoản chi phí thường xuyên cho các cuộc họp hành hội nghị. Nhất là các đại biểu sẽ không nhất thiết phải đi lại tốn kém với khoảng cách xa.

Tôi nghĩ đây là cách nên được áp dụng thường xuyên và rộng rãi hơn”.


ĐỨC SƠN

;
.
.
.
.
.