.

Trần Quý Cáp và Trung Kỳ dân biến năm 1908

.

Tính đến năm 2008 là tròn một trăm năm phong trào kháng thuế cự sưu Quảng Nam, cũng là một trăm năm người Quảng vĩnh viễn mất đi Trần Quý Cáp. Hôm nay, ngày 17-7, tại huyện Đại Lộc - nơi khởi phát cuộc biểu tình chống sưu thuế một trăm năm trước, Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Quảng Nam phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “100 năm phong trào chống thuế tại Quảng Nam”.

Nhân dịp này, Báo Đà Nẵng xin trân trọng giới thiệu bài viết “ Trần Quý Cáp và Trung Kỳ dân biến năm 1908” của nhà nghiên cứu BÙI VĂN TIẾNG như một nén tâm nhang tưởng nhớ cụ Trần Quý Cáp - người sĩ phu yêu nước có mối quan hệ mật thiết với phong trào chống thuế tại Quảng Nam, mật thiết đến mức vì phong trào này mà phải chịu án tử hình ngay trong năm 1908.

Một trăm năm phong trào kháng thuế cự sưu Quảng Nam - hay theo cách gọi của Phan Châu Trinh là Trung Kỳ dân biến - cũng là một trăm năm người Quảng vĩnh viễn mất đi Trần Quý Cáp. Tất nhiên sau Trung Kỳ dân biến, người Quảng còn vĩnh viễn mất đi nhiều sĩ phu yêu nước khác, chẳng hạn như Ông Ích Đường làng Phong Lệ... Nhưng sở dĩ phải nhớ đến và nhắc tới Trần Quý Cáp ngay ở đây và vào đúng lúc này là bởi giữa ông giáo thụ phủ Ninh Hòa với sự kiện 11 tháng 3 - cuộc biểu dương lực lượng chính trị hùng hậu của nhân dân một vùng đất nửa thế kỷ trước từng gánh vác sứ mệnh đánh thắng trận đầu, cầm chân giặc Pháp - có mối quan hệ hết sức đặc biệt.
 
Khi được tin Trần Quý Cáp bị Nam triều kết án chém ngang lưng, Phan Bội Châu đặt câu hỏi: “Nghĩ như ông Thai Xuyên mà được án xử tử thì tội gì?” rồi tự mình giải đáp: “Hay là tội ông tại giảng học mới? Thời học mới từ Âu châu truyền qua, cớ gì cấm người nước ta không được giảng? Hay là tội ông tại hay giảng công lý? Thời công lý là một lẽ rất phổ thông, cớ gì cấm người nước ta không được kể?”. Ý Phan Bội Châu muốn chứng tỏ Trần Quý Cáp bị hàm oan, muốn nhấn mạnh Trần Quý Cáp không có quan hệ với Trung Kỳ dân biến. Thực ra đấy chỉ là lý lẽ mà Phan Bội Châu dùng để công khai đấu tranh chính trị với thực dân phong kiến, chứ trong thâm tâm Phan Bội Châu không thể không cảm nhận việc Trần Quý Cáp giảng học mới và giảng công lý đã tác động như thế nào đến những người dân xứ Quảng tham gia sự kiện 11 tháng 3.

Trong bộ ba Quảng Nam, có thể nói Trần Quý Cáp là người hạ phóng - xuống cơ sở nhiều nhất. Trần Quý Cáp từng về làng Cẩm Nê để trực tiếp xây dựng nông hội(1) và chính thành công của Nông hội Cẩm Nê đã gợi hứng cho ông sáng tác bài ca trù Khuyến nông nổi tiếng. Và cũng có lần Trần Quý Cáp từ Nông hội Cẩm Nê vượt sông Yên sang thăm trường tân học Cẩm Toại và đã mời thầy giáo - học trò Lâm Nhĩ của trường Cẩm Toại đến giảng chuyên đề về dân tộc Chăm tại trường tân học Diên Phong bên Phong Thử.

Rồi dưới cái danh nghĩa hợp pháp là giáo thụ phủ Thăng Bình, Trần Quý Cáp đã dành nhiều công sức đi khắp thôn quê thành thị trên đất Quảng quê nhà, đánh trống tụ tập dân chúng để hăng hái diễn thuyết bài xích cử nghiệp, đề xướng tân học, làm bài Sĩ phu tự trị luận khẳng định mục đích chân chính của sự học là khai trí trị sinh, tức là mở mang học vấn cao rộng để làm giàu cho dân, giúp ích cho nước. Chính Phan Bội Châu khi viết Việt Nam Nghĩa liệt sử cũng từng hình dung những buổi diễn thuyết của Trần Quý Cáp đã góp phần đáng kể làm bùng cháy khát vọng được đổi đời của hàng vạn con người chân đất áo vải xứ Quảng: “...Lúc đầu ông diễn giải, nhân dân ta ít vui lòng nghe, có lúc họ cho ông Bất Nhị đã phát điên.
 
Nhưng ông là một ngôi sao trong học giới có danh vọng lúc bấy giờ, một người quân tử thành thực thuần túy, nên càng được quần chúng tín ngưỡng. Ông đã chuyên làm việc diễn giảng nên nhân dân ta cũng hoan nghênh ông. Vì thế các cuộc nói chuyện càng lâu càng đông người nghe. Ông lại càng nỗ lực làm việc (...). Nhờ ông diễn giảng nhiều nên các danh từ nhân quyền, công lý rộng khắp nhân gian, người Pháp rất là căm ghét” (2).

Những nỗ lực khai trí trị sinh đầy tâm huyết ấy của bộ ba Quảng Nam và nhất là của Trần Quý Cáp đã khiến cho phong trào Duy Tân xứ Quảng không chỉ tác động sâu sắc đến giới sĩ phu mà còn thâm nhập vào đông đảo quần chúng nhân dân trong tỉnh, và không chỉ trong tỉnh mà còn nhanh chóng phát triển ra cả nước, trước hết là các tỉnh ven biển miền Trung, sôi nổi đến mức Charles - Công sứ Pháp ở Quảng Nam - phải báo cáo với Khâm sứ Trung Kỳ rằng: “thực chất đây là một tổ chức chính trị cực kỳ nguy hiểm đang phá hoại tổ chức và quyền lực của chúng ta” (3).

Và vào khoảng hạ tuần tháng giêng năm 1908, quá lo sợ trước tiềm lực đấu tranh đòi dân quyền đang âm ỉ ở xứ Quảng, Tổng đốc Hồ Đắc Trung có trát sức lệnh cho lý dịch toàn tỉnh thông báo cho dân Quảng biết từ giờ trở đi không được đánh trống tụ tập để diễn thuyết, ai trái lệnh sẽ bị nghiêm trị theo pháp luật; những lý dịch không thực hiện nghiêm lệnh này cũng sẽ bị xử phạt. Và tất nhiên nhà cầm quyền đương thời không thể không điệu hổ ly sơn, không thể không chuyển Trần Quý Cáp ra khỏi điểm nóng Quảng Nam, không thể không điều động ông giáo thụ phủ Thăng Bình vào làm giáo thụ phủ Ninh Hòa nước non ngàn dặm.

Cho nên có thể nói rằng tuy không do các lãnh tụ của phong trào Duy Tân - trong đó có Trần Quý Cáp - trực tiếp đề xướng và lãnh đạo, song Trung Kỳ dân biến năm 1908 cũng không hoàn toàn là cuộc đấu tranh tự phát; thậm chí xét cho cùng, có thể nói đây trước hết là sản phẩm của phong trào Duy Tân, là kết quả nhãn tiền của các nhà trường tân học trong quá trình khai trí trị sinh trên đất Quảng, là hành động chính trị tự giác của những người dân bình thường từng thấm nhuần tư tưởng canh tân, từng giác ngộ tinh thần dân chủ.

Nói cách khác, dễ thấy tác động rõ nét và mối quan hệ sâu sắc của những lãnh tụ phong trào Duy Tân nói chung, của Trần Quý Cáp nói riêng đối với cuộc biểu tình kháng thuế cự sưu này. Tất nhiên đây không chỉ là tác động một chiều, bởi vì có thể nói nhân dân tham gia Trung Kỳ dân biến 1908 cũng rất sáng tạo khi chuyển tư tưởng dân quyền thiên về bất bạo động mà bộ ba Quảng Nam đã trao truyền thành bạo lực chính trị của quần chúng, xem bạo lực chính trị là sự bổ sung cần thiết vào tư tưởng dân quyền thiên về bất bạo động của phong trào Duy Tân.
 
Nhìn lại lịch sử sau một trăm năm phong trào kháng thuế cự sưu Quảng Nam - cũng là một trăm năm Trần Quý Cáp hy sinh ở cầu Sông Cạn tỉnh Khánh Hòa, có thể thấy rằng sở dĩ phong trào Duy Tân có được một thời vang bóng, góp phần đưa xứ Quảng vào vị trí trung tâm cách mạng cả nước hồi đầu thế kỷ XX là nhờ sự sáng tạo ấy của quần chúng; mà phong trào Duy Tân nhanh chóng lụi tàn cũng bởi chính sự sáng tạo này. Mặt khác, nhìn lại lịch sử sau một trăm năm phong trào kháng thuế cự sưu Quảng Nam, không thể không nhớ tới nội dung tờ truyền đơn mà Nguyễn Hàng Chi đã viết: “Đáng mến phục thay dân Quảng Nam, đáng kính trọng thay dân Quảng Nam, đáng học tập thay dân Quảng Nam! Lòng chuyên nhất như thế, chí kiên trì như thế, hành động quang minh như thế! Họ muốn chết mà chưa chết được càng làm cho chúng ta ngưỡng mộ, sùng bái và khen ngợi mãi mãi!”.

Những lời gan ruột ấy chủ yếu Nguyễn Hàng Chi dành cho đông đảo người dân xứ Quảng chân lấm tay bùn sáng hôm trước còn sống bình yên, chiều nay làm cách mạng, cùng xuống đường thành đội ngũ tiền phong, nhưng cũng hoàn toàn phù hợp để đánh giá về Trần Quý Cáp - một trong những lãnh tụ tinh thần rất đáng được ngưỡng mộ, sùng bái của Trung Kỳ dân biến. 

BÙI VĂN TIẾNG

(1) Xem Tuyển  tập Nguyễn Văn Xuân, Nxb. Đà Nẵng, 2002, trang 836, 837.
(2) Dẫn theo Trần Quý Cáp - Chí sĩ duy tân Việt Nam đầu thế kỷ XX, Nxb. Đà Nẵng, 1995, trang 23.
(3) Dẫn theo Tạp chí Xưa và Nay số tháng 4 năm 1998.

;
.
.
.
.
.