.
TRIỂN KHAI THÍ ĐIỂM “CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ” Ở ĐÀ NẴNG

Kiến nghị bỏ thêm HĐND cấp xã

.

Sáng ngày 16-7, Thường trực HĐND thành phố đã có buổi làm việc với Đoàn khảo sát của Bộ Nội vụ do Thứ trưởng Văn Tất Thu dẫn đầu về những vấn đề liên quan đến thực hiện thí điểm mô hình “Chính quyền đô thị”. Tham dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Huỳnh Nghĩa cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố.

Quang cảnh buổi làm việc.
Báo cáo về phương án lựa chọn thực hiện Đề án thí điểm không tổ chức HĐND cấp huyện, quận, phường, xã của Đà Nẵng, ông Huỳnh Nghĩa cho biết: Tuy Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) chỉ đề cập đến việc thí điểm mô hình “Chính quyền đô thị” (CQĐT) với phương án bỏ HĐND cấp quận, huyện và phường, giữ lại HĐND thành phố và xã, nhưng với đặc điểm, tình hình và điều kiện thực tế của Đà Nẵng, thì đề nghị chỉ giữ lại HĐND thành phố, bỏ tất cả các cấp còn lại.

Lý do được đưa ra là thành phố chỉ còn huyện Hòa Vang với 11 xã, chiếm không đến 20% số phường, xã, chiếm 15% dân số toàn thành phố; hiện tại quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ nên trong tương lai gần khu vực nông thôn Đà Nẵng chỉ còn không quá 5 xã với dân số chỉ chiếm khoảng 4,3% dân số thành phố. Bên cạnh đó, điều kiện hạ tầng, giao thông, thông tin liên lạc từ thành phố đến nông thôn có nhiều thuận lợi và tương đối hoàn chỉnh...

Thực hiện theo phương án này, thì số lượng đại biểu HĐND các cấp (trừ thành phố) sẽ giảm 1.716 đại biểu. Cơ cấu đại biểu HĐND thành phố theo mô hình mới được tính theo tỷ lệ dân cư trên từng địa bàn quận, huyện và dự kiến sẽ có 65-80 đại biểu. Cơ cấu đại biểu HĐND chuyên trách tổ chức theo mô hình: Thường trực HĐND thành phố (2 đại biểu là 2 Phó Chủ tịch); Trưởng, Phó các ban của HĐND phải hoạt động chuyên trách, cộng với mỗi ban một đại biểu hoạt động chuyên trách; tại mỗi quận, huyện có 1 đại biểu HĐND thành phố hoạt động chuyên trách. Tổng cộng, HĐND thành phố sẽ có 22 đại biểu hoạt động chuyên trách.

Để thực hiện tốt việc thí điểm CQĐT, Thường trực HĐND thành phố kiến nghị các cơ quan Trung ương cần xây dựng, ban hành cơ chế riêng, đặc thù đối với các địa phương được chọn thí điểm; sớm hoàn chỉnh cơ sở pháp lý cho hoạt động của mô hình CQĐT; điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các luật và văn bản liên quan đến tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước ở địa phương; đề nghị Chính phủ chủ trì trong việc chỉ đạo thực hiện mô hình thí điểm này...

Ngoài ra, báo cáo của Đề án cũng đề cập đến những vấn đề liên quan  như: Việc thực hiện các chức năng quyết định, giám sát và mối quan hệ với UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Tòa án, Viện KSND của HĐND thành phố; những điều kiện cần có khi chuyển đổi mô hình...

Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng bày tỏ những ý kiến nhằm góp phần hoàn thiện những nội dung trong đề án; chủ yếu tập trung vào cơ cấu và năng lực của đại biểu HĐND các cấp. Theo đó, nếu nặng về tính cơ cấu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của các đại biểu HĐND, từ tiếp xúc cử tri, giám sát đến chất vấn...
 
Hoạt động của HĐND các cấp quận, huyện, phường, xã thời gian qua còn mang nặng tính hình thức, nên việc thực hiện thí điểm mô hình CQĐT theo đề án là hợp lý. Ngoài ra, để thực hiện tốt mô hình CQĐT, cần phải chú ý đến cơ chế và chính sách về phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương; xây dựng những cơ chế phối hợp chặt chẽ để HĐND thành phố thể hiện tốt hơn vai trò, trách nhiệm của mình; đổi mới mạnh mẽ trong việc tổ chức tiếp xúc cử tri; xem xét lại vai trò của Ủy viên Thường trực HĐND và chức năng, nhiệm vụ cụ thể của Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội-HĐND thành phố hiện nay...

Tin và ảnh: N.T

;
.
.
.
.
.