.

Trước nguy cơ nước biển dâng

.

Nhiệt độ trung bình 50 năm qua của Việt Nam đã tăng khoảng 0,7 0C, mực nước biển đã dâng cao 20cm và sự tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu gây ra nguy cơ nước biển dâng gây ngập chìm 40 nghìn km2 diện tích vùng đồng bằng ven biển...

Những con số dự báo đó được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra, cảnh báo tình trạng ô nhiễm môi trường biển cũng như nước biển dâng, mà Đà Nẵng không nằm ngoài nhóm nguy cơ đó.

Bà Đặng Thị Hoa trên nền nhà cũ bây giờ là sân sau, ngoài kia biển rất gần...

Đà Nẵng sở hữu 36 km bờ biển, trong đó, hơn 2 km vùng biển Nam Ô đã và đang đứng trước tình trạng sạt lở bờ biển. Vấn đề sạt lở bờ biển ở Nam Ô diễn ra hơn 2 năm nay. Trước đó bờ biển đã bị xâm thực do hàng trăm chiếc tàu đến hút cát đưa về cảng Tiên Sa (phục vụ dự án mở rộng cảng Tiên Sa). Sau cơn bão Xangsane năm 2006, bờ biển thực sự bị xói mòn, nước biển ăn sâu vào đất liền hàng trăm mét khiến hàng chục nhà dân bị nứt, lún, buộc phải di dời hoặc làm lại nhà. Nhưng chưa hết, nguy cơ nước biển tiếp tục tấn công nhà dân vẫn hiển hiện, đặc biệt vào mùa mưa bão.

Bà Đặng Thị Hoa, nhà ở tổ 44, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu chỉ cho chúng tôi cái nền nhà cũ giờ đã là sân sau của gia đình bà. Bà sống ở làng biển này mấy chục năm nay, thấy biển lúc nào cũng xa tít tắp ở ngoài kia, cách làng một trảng cát dài cùng những hàng dương xanh mướt. Khi cơn bão đi qua, mấy chục hộ dân bàng hoàng, người mất nhà đã đành, người có nhà mà sống chênh vênh như bên bờ vực khi bãi cát biến mất, ăn sâu xuống khiến nền đất căn nhà và bãi cát cách nhau chỉ vài ba thước đất. Biển giờ cách nhà chỉ non độ hơn 100 mét.
 
Năm ngoái đất cũng mất dần, lộ ra một bãi đá rộng mà nếu không có sự tác động của con người hay thiên nhiên, thì nó mãi mãi không bao giờ tiếp cận được với ánh sáng mặt trời. Bà Hoa cất lại căn nhà lên phía trước nơi trước kia là khoảng sân rộng 12m2 dùng để phơi cá, mực. Trong mấy tháng mùa nắng này, biển bồi thêm cát cho bờ, không được bao nhiêu nên bà cũng như 5 gia đình chung quanh vẫn chưa yên tâm, không biết ngày nào biển sẽ tiến sâu vào đất liền, rồi nhà cũng không còn. “Đất bồi thì mừng, nhưng đến mùa mưa thì chẳng còn mấy nỗi, vì biển cũng sẽ lấy lại hết. Bà con ở đây sống mà phấp phỏng không yên. Mỗi lần nghe tin có bão, hồn đi mô hết”, bà Hoa thở dài.

Nguyên nhân dẫn đến bờ biển sạt lở đã rõ, nhiều hộ gia đình đã bị mất nhà hoặc có nguy cơ mất nhà; chuyện biển bồi thêm đất cũng không phải là giải pháp mà thiên nhiên “đền bù” cho con người, khi mùa mưa bão, nước biển dâng thì mấy chục mét đất bồi cũng “đầu hàng” trước cơn sóng dữ. Vấn đề còn lại là cách ứng xử của người dân và chính quyền địa phương với chuyện sạt lở.

Người dân, những người đang đối mặt với nguy cơ căn nhà của họ bị nước biển lấy đi xem ra rất có trách nhiệm với vấn đề sạt lở. Bà Đặng Thị Hoa cho biết, chuyện bờ biển Nam Ô bị xâm thực và nguyên nhân của nó được nhiều tờ báo nhắc đến, thế nhưng cách đây 4 tháng, một chiếc tàu lớn tiếp tục đến vùng biển này hút cát. Người dân đến hỏi chủ tàu thì được biết họ đến lấy cát về làm que hàn. Hàng chục hộ dân tổ 44 Hòa Hiệp Nam một mặt cử người đi báo UBND phường, một mặt kéo ra địa điểm tàu hút cát ngăn cản. Chiếc tàu đành phải rút lui. Những người dân đã và đang đối mặt với nguy cơ bị biển cướp đi cuộc sống bình yên đã ra sức bảo vệ bờ biển.

Ông Bùi Tấn Trung, tổ trưởng tổ dân phố 44, Hòa Hiệp Nam cho biết ông làm tổ trưởng, nhưng có 4 hộ thuộc sự quản lý của ông giờ đang “ở nhờ” tổ khác, sau khi nhà họ bị nước biển đe dọa. Thậm chí 2 trong số 4 gia đình đó đã bị ly tán khi mái ấm của họ không còn.

Nối với Hòa Hiệp Nam, vùng bờ biển phường Hòa Hiệp Bắc cũng đang đối mặt với tình trạng xâm thực, sạt lở ven biển. 16 trại nuôi tôm giống và 2 gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi nước biển xâm lấn đã không thể tiếp tục làm ăn, sinh sống. Ông Trương Việt, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc cho biết, phường chỉ có thể di dời tạm thời những hộ dân ở vùng sạt lở đến trú tạm ở trụ sở UBND phường hay trường học khi có bão, lụt, không có điều kiện hỗ trợ người dân tái định cư.

Cát sau khi bị hút đi, để lộ một bãi đá ở vùng biển Nam Ô, khiến tình trạng sát lở bờ biển diễn ra càng nghiêm trọng.
Trong khi 2 năm nay nước biển đã xâm thực vào đất liền hơn 1km, xóa sổ rừng dương hàng chục năm tuổi. Đất bị bào mòn cũng không thể khôi phục lại khu rừng chắn gió, cát này. Nếu tình trạng xâm thực này kéo dài thì có trên 200 hộ dân, xí nghiệp tôm giống, Nhà máy Xi-măng Hải Vân, Đồn Biên phòng Hải Vân, đường sắt, thậm chí trụ sở hành chính của phường cách bờ biển khoảng 300 mét đang đứng trước nguy cơ bị nước biển lấn vào. Phường đã có đề xuất làm bờ kè hoặc đề nghị một giải pháp khả thi từ các cấp cao hơn nhưng vẫn chưa có ý kiến phản hồi.

Tại Hội thảo “Tham vấn quốc gia về Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng”, được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh cuối tháng 6 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Công Thành phân tích nguyên nhân và tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu gây ra nguy cơ nước biển dâng gây ngập chìm 40.000 km2 diện tích vùng đồng bằng ven biển Việt Nam. Và nhiệt độ trung bình ở Việt Nam có thể tăng thêm 30C và mực nước biển có thể dâng cao thêm 1 mét vào năm 2010, lúc đó sẽ có khoảng 10% dân số sống tại các tỉnh, thành ven biển của Việt Nam bị ảnh hưởng, gây tổn thất 10% GDP.

Nghiêm trọng hơn, nếu nước biển dâng cao 3 mét thì 25% dân số nước ta sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, thiệt hại khoảng 25% GDP. Đối với vùng ven biển, nơi sẽ chịu tác động nhiều nhất của hiện tượng nước biển dâng do biến đổi khí hậu, người dân sẽ phải di dời nhà cửa, tái định cư; di dời các công trình, nhà máy ra khỏi vùng có nguy cơ bị ngập cao...

Trước mắt, Đà Nẵng chỉ có thể trồng mới rừng phòng hộ ven biển ven tuyến đường Nguyễn Tất Thành, cứu nguy cơ mất đất, mà sự mất mát ấy có thể không dễ nhìn thấy ngày một ngày hai, chỉ khi vài cơn bão, lũ đi qua, người ta mới thấy cần báo động, lúc ấy thì sự đã rồi. Để bảo vệ sự sống của cư dân ven biển, cần sự chung tay của cả cộng đồng chứ mức độ tổn thương không chỉ dừng ở những gia đình trong vùng thiên tai,vì Đà Nẵng là thành phố biển và biến đổi khí hậu không còn là vấn đề môi trường mà là vấn đề phát triển.

HIỀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.