Khác hẳn với không khí náo nhiệt ở những xưởng sản xuất và cửa hàng giới thiệu sản phẩm nghề đá mỹ nghệ Non Nước, Trung tâm Tự Lực nằm khiêm tốn trong một ngõ nhỏ (làng cổ Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng). Dãy nhà cấp 4 cũ mèm này là nơi làm việc, ăn ở của 10 em nhỏ bị di chứng chất độc màu da cam.
Điều khiến mọi người ngạc nhiên hơn cả là người chèo lái con thuyền ấy lại là một cô gái còn rất trẻ, cả về tuổi đời lẫn kinh nghiệm sống.
Đào Minh Phương - Chủ nhiệm Trung tâm Tự Lực - là con thứ hai trong một gia đình công chức ở Đà Nẵng. Từ khi còn là sinh viên Đại học Đà Nẵng, Phương đã tích cực tham gia hoạt động tình nguyện tại các trung tâm bảo trợ trẻ em, như: Trung tâm Nuôi dạy trẻ em mồ côi lang thang cơ nhỡ… Để có tiền mua quà cho các em, Phương phải đi cọ bể nước cho các khu tập thể, phát tờ rơi, kinh doanh hoa; số tiền kiếm được, Phương dành mua những cây bút, tập vở, truyện tranh… tặng các em.
Các sản phẩm chế tác từ đá của Tự Lực. |
Phương kể: Nhiều năm làm tình nguyện tại các Trung tâm Nuôi dạy trẻ em, tôi đã được tiếp xúc với những mảnh đời bất hạnh, đau thắt lòng khi chứng kiến những em bé chết vì những căn bệnh do chất độc da cam gây nên… Từ ngày đó tôi đã khao khát có một trung tâm hoạt động theo mô hình giáo dục và làm nghề dành cho những trẻ em bị di chứng chất độc da cam có khả năng lao động.
Cơ hội thực hiện mơ ước đó đã đến khi tôi được tham dự Cuộc thi “Ngày sáng tạo Việt Nam” - năm 2006, với chủ đề “Sáng tạo vì thanh-thiếu niên”. Tôi đã giành được giải xuất sắc với dự án về nạn nhân chất độc da cam. Với số tiền được Ban tổ chức cuộc thi tặng thưởng, tôi đã mở được một cơ sở dạy nghề và sản xuất hàng đá thủ công cho trẻ bị di chứng chất độc da cam.
Tôi đặt tên trung tâm là “Tự Lực”, với mong muốn các em có thể làm ra một số sản phẩm được xã hội chấp nhận. Tôi nghĩ đến việc làm đồ trang sức bằng đá. Vì đây là một công việc phù hợp với sức khỏe và khả năng của những nạn nhân chất độc da cam dạng nhẹ.
Chưa kịp mừng vì những thuận lợi ban đầu, Trung tâm Tự Lực đã gặp những khó khăn về vốn, địa điểm. Mỗi lần di chuyển địa điểm là mỗi lần chị em tôi phải lếch thếch, nào soong nồi, gạo, quần áo… Chủ nhiệm nhóm Tự Lực như người chị cả của một đàn em khuyết tật. Ngoài lo dạy nghề, sản xuất, chỗ ăn, chỗ ở cho các em, Phương còn tự tay chăm sóc cho từng em, nhất là khi “trái gió trở trời”. Đưa tôi xem những sản phẩm của Tự Lực, Phương bảo: “Ngày đầu, sản phẩm của các em làm ra cái thì méo mó, cái thì bị vỡ… không được tròn trịa và đẹp như thế này đâu.
Sau nhờ kiên trì hướng dẫn các em làm đi làm lại, nên bây giờ yên tâm về thành phẩm của họ, nhưng khó nhất vẫn là khâu bán hàng. Để tiêu thụ được sản phẩm, tôi phải chạy đi khắp nơi để giới thiệu, chào hàng, như các gian hàng lưu niệm, các doanh nghiệp; thậm chí, một thời gian, tôi đã phải trải chiếu ở các chợ để bán hàng. Nuốt nỗi niềm vào trong, tôi vẫn kiên nhẫn chào hàng để lo từng bát gạo, mớ rau cho các em”...
Sau gần 2 năm hoạt động, Trung tâm Tự Lực đã dần đi vào ổn định, được nhiều đơn vị tập thể, cá nhân quan tâm chia sẻ. Nhìn những chiếc vòng bằng đá nhỏ nhắn, tinh xảo… được bày biện trong gian hàng giới thiệu sản phẩm, tôi cũng không thể ngờ tác giả của những sản phẩm tinh hoa ấy lại là những em nhỏ bị di chứng chất độc da cam và thiểu năng trí tuệ.
Có người đến đây giúp đỡ bao gạo, người thùng mì tôm nhằm chia sẻ với Phương. Được biết, các em đến đây được làm việc, được học chữ, học toán và học tiếng Anh. Em Đặng Thị Lan ngày mới vào không biết nấu ăn, giờ đã có thể nấu ăn rất ngon và đảm nhiệm vai trò “bếp trưởng”. Phương tiết lộ, tới đây Tập đoàn FPT sẽ tài trợ để Trung tâm Tự Lực mở các lớp đào tạo cho những nạn nhân da cam về nghề thủ công truyền thống.
Bài và ảnh: NGỌC HUYỀN