.

Tuổi trẻ kiên trung ở Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt

.

(ĐNĐT) - Họ là hai trong số gần 500 người con quê Quảng Nam – Đà Nẵng bị địch bắt giam ở Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, khi tuổi đời còn rất trẻ. Hai chứng nhân lịch sử, một người tự mổ bụng mình để phản đối bọn cai ngục; một người có tuổi trẻ bất khuất, kiên trung trước mọi thủ đoạn của kẻ thù.

Mai Thanh Minh: Tự mổ bụng phản đối áp bức của nhà tù

Trong số hơn 400 cựu tù dự buổi gặp mặt cựu tù “Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt” tổ chức tại Đà Nẵng mới đây, tôi thật sự ấn tượng về anh Mai Thanh Minh (Mai Bốn), người con của đất Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) anh hùng. Anh cũng vừa được anh em cựu tù nhất trí đề nghị Đảng và Nhà nước trao tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Sinh ra ở đất Hòa Hải, một cái nôi cách mạng, ngay từ nhỏ Mai Thanh Minh đã sớm giác ngộ cách mạng; đến năm 1967, tham gia chiến đấu tại đơn vị CK3-T89 đặc công tỉnh Quảng Đà khi mới tuổi 13. Ngày 20-2-1969, Mai Thanh Minh cùng với Phạm Văn Đào (tức là Phạm Trung Kiên, hiện là Giám đốc Viễn thông Đà Nẵng) phối hợp với đội an ninh vũ trang do đồng chí Mai Xuân Thu phụ trách đánh vào kho đạn ở ngã 5. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trong tổ chức của đồng chí Mai Xuân Thu có tên Lê Bình (Châu) đã phản bội, đi khai báo với địch, cho nên toàn bộ bị bắt sau đó một ngày, vào tối 23-2-1969. Lúc đó, Mai Thanh Minh mới 15 tuổi.

Sau khi không khai thác được gì, địch đưa anh ra xét xử ở Tòa án quân sự vùng I chiến thuật và tuyên án 10 năm tù khổ sai. Đến tháng 1-1970, địch đưa anh ra Côn Đảo, tại đây anh đã cùng với các anh Đặng Bảo Xi, Trần Lịch, Huỳnh Ngọc Huệ... đấu tranh chống chào cờ, chống giam giữ tù thiếu nhi. Đến tháng 4-1971, địch đưa anh cùng với 47 tù thiếu nhi khác về nhà giam Khám Chí Hòa. Đến tháng 10-1971, địch đưa anh lên Trung tâm Giáo huấn Đà Lạt. Tại đây, anh đã thể hiện một người chiến sĩ cách mạng kiên trung, một chiến sĩ anh hùng, bất khuất, dám chiến đấu trực diện với kẻ thù.

Đối mặt với những âm mưu độc ác của kẻ thù như dụ dỗ, mua chuộc, đàn áp…, Mai Thanh Minh cùng các chiến sĩ nhỏ tuối khác vẫn kiên trung đấu tranh bằng các phong trào chống chào cờ, diệt ác, mổ bụng phản đối đàn áp, đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, vượt ngục, làm chủ nhà lao… Mai Thanh Minh cùng với các anh Thái Bá Tro, Nguyễn Thu, Bùi Văn Hiệp, Nguyễn Văn Út đã tự mổ bụng mình để phản đối một đại đội cảnh sát dã chiến đến đàn áp tù thiếu nhi tham gia chống chào cờ.

Anh Minh nhớ lại: “Khi anh Nguyễn Thu tuyên bố, nếu nhà cầm quyền Sài Gòn không ngưng cuộc đàn áp đẫm máu này, thì tù nhân thiếu nhi sẽ mổ bụng để phản đối. Cuộc tấn công của địch bắt đầu và chúng tôi cũng đồng loạt mổ bụng và hô vang những khẩu hiệu: Cách mạng lâm thời Cộng hòa Việt Nam muôn năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm, đả đảo đàn áp”. Sau đó, để phản đối, các anh tiếp tục chiến đấu bằng cách “tuyệt thực” trong 3 ngày 4 đêm. Cuối cùng địch phải nhượng bộ, cuộc chiến đấu kết thúc thắng lợi.

Không dừng lại ở đó, phát huy thắng lợi, các chiến sĩ trẻ tuổi bàn kế hoạch tiêu diệt tên trưởng ban trật tự Nguyễn Cương, một kẻ chiêu hồi, phản bội lại Tổ quốc, đồng chí. Kế hoạch được vạch ra, Mai Thanh Minh sẽ cùng với các anh Nguyễn Mẹo, Nguyễn Đăng Được, Huỳnh Ngọc Huệ, Trần Cồ đảm nhận nhiệm vụ tiêu diệt. Đêm 23-1-1973, khi Nguyễn Cương đến, lập tức 5 anh em hành động, nhưng Nguyễn Cương may mắn thoát chết. Sau đó là trận đòn roi, tra tấn đến 2 tháng trời của kẻ thù, nhưng không để liên lụy đến mọi người, anh em vẫn một mực khai rằng do Nguyễn Cương giành bớt phần ăn và đồ tiếp tế của anh em.

Khi ra khỏi nhà tù, Mai Thanh Minh tiếp tục chiến đấu ở mặt trận Tây Nam của Tổ quốc chống bọn phản động Fulro. Hiện nay anh là Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng.

Vũ Đình Hùng: Tuổi trẻ bất khuất

Đằng sau cái tên mị dân mang nhiều tính chất giáo dục - Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà lạt, thực chất là một nhà lao thiếu nhi giam giữ những chiến sĩ cách mạng tuổi vị thành niên. Những câu chuyện đấu tranh giữa một bên là những chiến sĩ tuổi 14, 15 với một bộ máy cai ngục chuyên nghiệp, thực sự là những câu chuyên ấn tượng chỉ có thể có được trong một giai đoạn lịch sử dân tộc đầy cam go, nhưng cũng rất hào hùng…

Chính nơi đây đã sinh ra những chiến sĩ cách mạng kiên trung, với các phong trào đấu tranh sáng tạo và ngoan cường của những người tù nhỏ tuổi. Vũ Đình Hùng (Trần Lịch), quê Điện Bàn - Quảng Nam, chiến sĩ biệt động thành Đà Nẵng năm xưa (hiện là Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 6, Sở Công thương thành phố Đà Nẵng), là một trong những người chiến sĩ ấy.

Bị bắt vào ngày 4-5-1968, khi mới 14 tuổi và Hùng bị địch đưa ra Côn Đảo, rồi đưa về Chí Hòa, sau đó đến 10-1971 đưa lên Đà Lạt. Cho dù ở đâu, người chiến sĩ cánh mạng nhỏ tuổi này cũng xung phong đi đầu trong việc chống chào cờ, chống nội quy nhà lao, chống đàm áp anh em tù, tham gia diệt ác.

Sự kiên trung của Vũ Đình Hùng được thể hiện qua phong trào chống chào cờ đến cùng, phong trào được sự tham gia của đông đảo anh chị em trong tù. Với thủ đoạn thâm hiểm và tàn ác, địch đã dùng các loại roi buộc thêm dây điện có chấu thép ở đầu dây để đánh anh em tù. Mỗi lần đánh như vậy, các chấu thép nóc vào da thịt, tăng thêm sự sát thương. Hơn 65 chiến sĩ nhỏ tuổi của ta đã kiên trì trong hai tháng chống lại kẻ địch trong tình trạng sức khỏe ngày càng yếu, bởi kẻ địch vừa cho ăn đói khát vừa kết hợp đàn áp tinh thần, đánh đập dã man.

Để bảo toàn lực lượng, các chiến sĩ đồng ý cho 60 người lên phòng, còn 5 người quyết tâm ở lại chống đến cùng theo phương thức bám trụ xà lim. Rất tự hào khi trong 5 người đó - là các anh Vũ Đình Hùng, Đặng Bảo Xi, Lê Minh Ánh, Trần Diễn và Bùi Văn Hiệp - có đến 3 người quê ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Cuộc chiến đấu của nhóm anh Vũ Đình Hùng kéo dài đến tháng 10-1972. Không khuất phục được người chiến sĩ kiên trung này, địch đưa anh trở lại nhà lao Côn Đảo, sau đó tháng 4-1973 đưa về trại giam Hố Nai, đến tháng 2-1974 được trả tại Lập Ninh, kết thúc một khoảng thời gian tù đày hơn 7 năm trời.
...

Sau 33 năm, mặc dù hơi muộn để biết nhiều hơn đến một câu chuyện lịch sử trong phong trào đấu tranh cách mạng Việt Nam. Với những cựu tù Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, “Căm hờn luyện một con tim. Lửa nung luyện thép, xà lim luyện người”.

Nhà lao Đà Lạt do đế quốc Mỹ và tay sai xây dựng năm 1971 với cái tên “Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt” . Đây là nơi giam giữ, tra tấn trên 600 chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi chủ yếu từ 12 đến 17, từ khắp nơi trong cả nước, trong đó có gần 500 người quê ở Quảng Nam-Đà Nẵng.

Trước âm mưu thâm độc của kẻ thù, các chiến sĩ tù nhỏ tuổi đã kiên trung đấu tranh bằng những hình thức như: chống chào cờ, diệt ác, mổ bụng phản đối đàn áp, đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ, vượt ngục…, buộc địch phải giải tán nhà lao vào tháng 6-1973.


THÀNH LÂN

;
.
.
.
.
.