.

Về nơi đồng đội tôi nằm...

Sáng tháng 7, nắng lấp lóa trên mặt sông. Cả một góc sông phía Nam cầu Nam Ô bỗng nhiên sôi động hẳn lên. Cựu chiến binh Tiểu đoàn 487 Đặc công cùng đoàn bác sĩ khám bệnh từ thiện từ bến xuống thuyền. Theo sau chiếc ca-nô của Đồn Biên phòng 244, họ làm một cuộc ngược dòng Cu Đê.

Trung tá Hồ Phúc Ngôn (thứ hai, phải qua) kể chuyện anh Đặng Đình Vân ngay tại nơi anh hy sinh.

Tiếng đàn ghi-ta phím lõm của anh Thái, người Hòa Phong vang lên, làm nền cho câu hát của chị Thùy Ninh, giọng dân ca có tiếng của Hòa Liên: Tiếng chuông ngân nhà chùa réo rắt/ Đêm về khuya ruột thắt từng cơn/ Nhìn về Thủy Tú quê em/ Bến đò làng cũ đêm đêm vắng người… (Thủy Tú quê em). Trung tá Hồ Phúc Ngôn, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng viết bài hát này vào năm 1967, giữa lúc ông là Tiểu đoàn trưởng Đặc công đóng quân ở vùng đất dọc theo dòng sông Cu Đê. Đó là quãng thời gian khó quên trong đời binh nghiệp của ông.

9 giờ, đoàn thuyền cập bến Thủy Tú, phường Hòa Hiệp Bắc. Trong lúc các bác sĩ khám bệnh, phát thuốc, tặng quà cho bà con địa phương, Trung tá Ngôn đưa chúng tôi đến vườn Dừa nhà ông Hương Ngạnh thăm nơi liệt sĩ Đặng Đình Vân hy sinh. Đó là năm 1972, anh Vân bị địch bắn ngay đầu hói Sông Cùng, đồng đội đưa về đến căn cứ thì anh hy sinh. Người cháu ruột của anh là Đặng Đình Cơ đã lập bảng thành tích gửi ra Trung ương để phong tặng anh danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhớ anh, đồng hương Hòa Liên của anh là tác giả Nguyễn Hữu Mai đã viết bài dân ca “Hát về anh”, trong đó có đoạn bi tráng: “Đời người sống thác một lần/ Nhân dân mãi nhớ tên anh ngàn đời”.

Gần trưa, đoàn thuyền ghé bến Trường Định, ốc đảo nằm heo hút giữa bốn bề sông nước. Dưới nắng hè chói chang, mọi người đến dự lễ khánh thành Bia chiến tích Bàu Dài (còn gọi là Bàu Bà Diên), nằm sát chân núi Gò Bàu. Nơi đây, theo lời kể của ông Lê Hồng Phong, người trực tiếp tham gia trận đánh 43 năm trước, 4 chiến sĩ Đại đội Độc lập và 2 du kích đã phục kích diệt gọn gần 1 đại đội lính Mỹ. Năm rồi, 1 trong 3 người lính Mỹ may mắn sống sót trong trận kinh hồn bạt vía này đã quay lại chiến trường xưa, tình cờ gặp lại ông Lê Hồng Phong và nghe ông giải thích lý do vì sao chỉ với 6 người mà đánh tan được 1 đại đội: Nhờ vào lòng yêu nước và chí quật cường.

Ông Ngôn người Hòa Khánh, nhưng xem Trường Định là quê hương thứ hai. Hơn 40 năm trước, lúc đồng cam cộng khổ với bà con nơi này để chiến đấu chống quân thù, ông đã viết trong một bài thơ chuyển thành dân ca bài chòi: “Nhìn về Trường Định quê hương/ Làm sao cho khỏi nhớ thương đồng bào”. Trưa hôm đó, giữa sân Trường tiểu học Hòa Liên khu vực Trường Định, tiếng hát, tiếng đàn vang lên trong lúc các bác sĩ khám bệnh, phát thuốc, tặng quà cho bà con trong thôn. Các cựu chiến binh năm xưa gặp lại người quen, cùng nhau ôn lại chuyện cũ bằng những khúc dân ca đã đi vào lòng người dân ven sông Cu Đê – Trường Định.

Tiếng hát dân ca đã làm sâu sắc, ý nghĩa thêm cho chuyến về nguồn.

Nhờ sự chở che, đùm bọc, yêu thương của dân, ông Ngôn và đồng đội đã lập nên nhiều chiến công dọc theo dòng sông này. Xế chiều, lúc thuyền đi qua cầu dây văng nối hai thôn Phò Nam và Nam Yên, xã Hòa Bắc, ông đã chỉ cho chúng tôi vị trí đồn Phò Nam xưa, nơi đã bị đơn vị ông tiêu diệt vào năm 1961. Thung lũng Khe Răm, phía Bắc sông Cu Đê, còn ghi chiến công đã thành huyền thoại “Một ang ớt đổi 12 lính Mỹ”: Ông và 4 đồng đội định đi hái ớt rừng để đưa xuống đồng bằng đổi lương thực cải thiện đời sống cho đơn vị thì bất ngờ gặp và tiêu diệt một toán biệt kích Mỹ.

Sông Cu Đê đi qua 3 xã Hòa Bắc, Hòa Liên và Hòa Hiệp của huyện Hòa Vang xưa. Trên dòng sông không bao giờ cạn nước này, đã có biết bao chuyến ghe thuyền chuyển vũ khí, đạn dược xuống đồng bằng; chuyển lương thực, thuốc men ngược lên chiến khu cách mạng; chuyển thương binh, liệt sĩ về tuyến sau; chuyển cán bộ, bộ đội ra phía trước chiến đấu qua các chiến dịch. Trong tâm tưởng của vị trung tá đã ngót nghét bát tuần này, mỗi lần ngược dòng lên thượng nguồn Cu Đê là mỗi lần ông được sống lại những ký ức hào hùng cũ.

Sau khi khám bệnh, phát thuốc, tặng quà cho bà con dân tộc Cơtu hai thôn Giàn Bí và Tà Lang, đoàn về cơ quan UBND xã Hòa Bắc để chuẩn bị cho đêm giao lưu văn nghệ “Âm vang dòng sông Cu Đê” với người dân địa phương. Các cựu chiến binh, nhà báo, văn nghệ sĩ, đoàn khám bệnh từ thiện của bác sĩ Diệu Ngọc, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 17 và Sư đoàn 375 Phòng không... đã có dịp thể hiện tình cảm của mình đối với vùng đất hừng hực hào khí một thời này bằng những tiết mục văn nghệ.

Đêm xuống thật yên bình. Dòng Cu Đê lặng lờ trôi ngoài kia. Tiếng hát của Thùy Ninh vẳng giữa trời khuya, dọc theo đôi bờ một điệu buồn tưởng niệm qua câu thơ của Lê Ngọc Nam đã được chuyển thành dân ca: Về nơi đồng đội tôi nằm/ Trào dâng ngất lệ mà lòng xót đau…

LÊ HOÀNG


;
.
.
.
.
.