.

“Vùng trắng” bây giờ

.

Chiến tranh lùi dần vào quá khứ, mảnh đất từng là “khu dồn”, là “vùng trắng”, từng bị bom đạn cày đi xới lại trước kia, nay đã được trả lại màu xanh cây cỏ. Những con đường, tấc đất, dòng sông vẫn còn đó với tình đất, tình người mộc mạc, chân thành và nụ cười thật hiền của những cụ già sống trong những căn nhà tình nghĩa mà chính quyền xây tặng.

Ông Sáu Sử thoáng buồn khi kể về những hy sinh của đồng đội khi nơi đây còn là “khu dồn”.

Những người đứng lên từ mất mát, đau thương vẫn bám đất, bám làng. Ông Chơi, tổ trưởng tổ dân phố cho biết: “Toàn tổ 57 phường Hòa Hiệp Bắc - còn gọi là Thủy Tú - hiện nay có 66 hộ dân, trong đó có khoảng 70% gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. 40% gia đình người già neo đơn. Hiện nay, phần lớn sống dựa vào tiền trợ cấp của Nhà nước.

Trung bình 10 nhà thì đã có 9 nhà được hỗ trợ từ ngân sách”.  Ông Trần Phước Huấn, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc nói thêm: “Thủy Tú là vùng cách mạng xưa, nằm ở xa trung tâm thành phố nên còn nhiều khó khăn. Trong vấn đề sử dụng nước sạch, Thủy Tú được thành phố quan tâm hỗ trợ 100% chi phí lắp đặt cho người dân. Những hộ quá khó khăn, quận Liên Chiểu đã vận động các cơ quan, đơn vị, cá nhân ủng hộ, xây dựng nhà tình nghĩa”.

Thuộc nội thành, nhưng Thủy Tú vẫn còn nguyên dáng vẻ của một làng quê lam lũ. Ở đó, người già sống bình yên với con cháu trong những ngôi nhà tình nghĩa. Ông Sáu Sử, nguyên là Bí thư chi bộ tổ 57 Thủy Tú, nay đã nghỉ hưu vẫn ngày ngày chăm sóc những hồ nuôi tôm, cá của mình. Cách nuôi trồng thủy sản ở đây thường được thực hiện theo lối cộng sinh, trong một hồ có thể nuôi nhiều loại, từ cá, tôm đến cua, ghẹ.

Phần lớn những sản phẩm này được các tiểu thương mang về thành phố bán cho các quán nhậu. Thú vui sông nước còn được ông Sáu Sử kể lại: “Trong mỗi căn chòi của chúng tôi đều có soong, nồi và gia vị. Thỉnh thoảng, mọi người lại quây quần bên nhau với con tôm, cua vừa bắt, luộc lên, thêm vài ba “cút” rượu bày ra giữa những đêm trăng”. Một vẻ đẹp bình yên thôn dã.

Sống một mình, bà Heo nở nụ cười thật hiền khi có khách đến thăm.
Bà Trần Thị Heo đón chúng tôi bằng nụ cười rất hiền. Chồng bà, liệt sĩ Lưu Củ đã hy sinh trên mảnh đất này. Con cái trưởng thành, có gia đình mỗi người mỗi nơi. Với số tiền trợ cấp 560.000 đồng/tháng đối với vợ liệt sĩ,  bà đang sống bình yên những năm tháng cuối đời trong ngôi nhà tình nghĩa được chính quyền xây dựng từ những năm 80.

Gần đó, bà Nguyễn Thị Gia, 72 tuổi cũng là vợ liệt sĩ, cũng được Nhà nước quan tâm xây cho bà căn nhà tại Thủy Tú. Bà tâm sự: “Sống một mình đôi khi cũng buồn, nhưng gần con cháu nên không mấy hiu quạnh. Từ ngày thôn xóm được Nhà nước quan tâm xây dựng nhà cửa, đường sá, cuộc sống dần đi vào ổn định. Số tiền trợ cấp dành cho vợ liệt sĩ hằng tháng cũng có đồng ra, đồng vào”.

Ở Thủy Tú, nhà cách nhà từ vài chục đến vài trăm mét là chuyện bình thường. Cầu Nam Ô Thượng vừa khánh thành tháng 6 năm 2008 đã mang lại một diện mạo mới cho Thủy Tú, người dân đã có thể đi qua cây cầu bắc ngang dòng Cu Đê, rút ngắn khoảng cách từ địa phương đến phường, xã. Tuy nhiên, theo ông Chơi, địa phương chưa thực sự được hưởng lợi từ công trình này, người dân phải đi theo những lối mòn tự mở để qua cầu.
 
Chăm sóc vườn cây quanh nhà  là thú vui tuổi già của bà Gia.
Chưa có một con đường nào nối liền giao thông ở đây đến trục đường chính để qua cầu. Trình độ dân trí thấp nên vấn đề trẻ em bỏ học ở lứa tuổi phổ thông rất phổ biến. Toàn tổ không ai có trình độ đại học. Chỉ vài người có trình độ trung cấp. Phần lớn người dân nuôi trồng thủy sản, làm thuê, thợ nề, đi núi… Các em học sinh mẫu giáo không có trường tại địa phương. Học sinh tiểu học phải sang học tại Trường tiểu học Trần Bình Trọng, cách khoảng 10 km. Cây cối trong vùng phần lớn là cây lâu năm, vì nguồn nước bị nhiễm mặn khá nặng.

Cuộc sống ở “vùng trắng” bây giờ yên bình, chân chất, nhưng vẫn còn đó bao khó khăn cần được tháo gỡ. Giá trị của hòa bình đã giúp người dân nơi đây có đủ sức mạnh, vượt qua bao nỗi đau thương để bám đất, bám làng, hồi sinh cuộc sống mới. Nói như bà Nguyễn Thị Gia: “Mình sống sót sau chiến tranh như thế này đã là may mắn lắm”. Cuộc sống sẽ thật có ý nghĩa hơn với những người đã ngã xuống, nếu mảnh đất này ngày một yên bình và trù phú,  thế hệ mai sau được học hành đến nơi đến chốn.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.